BÀI GỐC Anh là người chồng đã "sập bẫy" của em!

Anh là người chồng đã "sập bẫy" của em!

Kế hoạch của em đã thành công mỹ mãn rồi vợ ạ. Cái bẫy của em đã đưa con ngựa hoang cô độc trở về với bầy đàn. Đừng đánh cắp con khỏi cuộc sống của anh. Anh van em!

3 Chia sẻ

Tôi cũng có một "âm mưu" với chồng

,
Chia sẻ

Tôi cay đắng nuốt nỗi tủi hổ vào lòng tự nhủ chờ đứa trẻ ra đời rồi tôi sẽ tự nuôi con. Chỉ cần anh để con được khai sinh đàng hoàng mà thôi.

Tôi đọc bài của hai vợ chồng bạn mà nước mắt chảy như sự thể là của mình. Tôi và chồng tôi cũng có một tình trạng gần như của 2 bạn. Tôi nhận ra mình mang bầu không lâu sau khi tôi không còn lý do gì nữa để tiếp tục cuộc tình cay đắng của mình. Anh là người đã có vợ và hôn nhân đó cũng vì có một đứa trẻ sắp ra đời. Nhưng 2 cá tính trái ngược trông chờ ở nhau sự thay đổi khi "có gia đình" đã bất thành. Quá nhiều lần xé giấy kết hôn, nhiều lần viết đơn ly hôn. Rồi tôi xuất hiện.

Anh tiến đến tôi từ từ là một người đồng nghiệp, người bạn, người anh rồi người yêu. Tôi nhận ra tình cảm cả 2 cùng cố cưỡng nhưng... tôi không biết nói thế nào. Sự ghen tuông điên cuồng của người vợ trước của anh lại ép chúng tôi lại gần nhau hơn. Anh lo bao bọc tôi, còn tôi nép vào anh để sợ hãi và chúng tôi tranh đấu, sợ hãi lẫn nhau.


Tôi thì bẽ bàng, ê chề, tan tác vì thế giới eo xèo quanh tôi, vì chính tôi tự quay cuồng tìm lối thoát thực sự cho cuộc đời mình. Còn anh, phải công nhận rằng đứa trẻ thực sự dày vò tâm can anh, khiến anh trở thành một "kẻ điên". Và không ai ngoài tôi, người kề cận anh hứng lấy những cơn điên loạn tự tranh đấu ấy. Nhưng rồi cái gì cần xảy ra đã xảy ra. Anh li hôn với vợ cũ của anh. Và sau đó không lâu cũng là lời chấm hết hoang tàn giữa tôi và anh.

Tôi biết mình mang bầu và tôi quyết giữ cho đứa con được ra đời. Tôi cầu xin gia đình anh, gia đình tôi và cả cầu xin anh nữa. Anh vẫn mang theo cơn điên đó thậm chí vào những giây phút quan trọng như lúc làm đăng ký kết hôn, lúc chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi cay đắng nuốt nỗi tủi hổ vào lòng. Tự nhủ chờ đứa trẻ ra đời rồi tôi sẽ tự nuôi con. Chỉ cần anh để con được khai sinh đàng hoàng mà thôi.

Về ở bên nhau, tôi lại càng nín nhịn, vậy mà những lần xung đột, anh cho phép mình lồng lộn lên chửi bới vung tay vung chân như thể quên trong tôi đang có một thai nhi chỉ 1, 2 tháng nữa là ra đời. Anh vẫn chưa đi làm, từ lâu lắm rồi, anh chỉ thỉnh thoảng lướt qua lớp dạy thêm gọi là. Rồi thì còn nghỉ Tết, nghỉ hè, coi như thu nhập chỉ trông chờ vào lương của tôi.


Tôi nhờ anh vai trò là người cầm tiền, tôi chỉ cần hàng ngày anh đưa cho tôi tiền đi chợ (chúng tôi ở cùng bố mẹ và em chồng tôi). Tôi thiết nghĩ, anh còn khoản bất khả kháng mỗi tháng phải đưa cho mẹ đứa trẻ (vợ cũ của anh) để nuôi con. Vì thế lẽ nào để anh phải ái ngại hỏi tôi đưa tiền nên thôi thì tôi đưa anh cầm và anh chủ động trích ra cho tế nhị.

Phải nói rằng, không ai bắt tôi phải chi tiêu eo hẹp. Nhưng vì tự eo hẹp chi tiêu mà nhiều khi nghén ngẩm thèm ăn tôi cũng không dám ăn. Cần mua thuốc sắt, canxi, tôi tự AQ rằng, chế độ ăn đầy đủ là được (mặc dù tự cơ thể tôi đã thiếu trầm trọng canxi dẫn đến đau vai, gáy, ngón tay ngay từ trước khi mang bầu). Giai đoan mang bầu, tôi bắt con buồn, bắt con khóc cùng tôi nhiều quá thay vì tươi vui, thay vì những lời hát yêu đời.

Bé sinh ra trộm vía đủ tháng ngày nên đảm bảo cân nặng trung bình, tuy nhiên do bị thiếu canxi dẫn đến rất nhiều vấn đề và vì thế mà bé khá khó tính, khó nuôi. Đó là lỗi ở tôi, khi chọn cho mình một người chồng chưa bình thường. Nhưng điều tôi buồn tê tái khiến giờ đây tôi cũng có một "âm mưu" là chờ tôi đi làm ổn định trở lại, hoặc chờ con tôi 3 tuổi vững thêm chút nữa, tôi sẽ ký sẵn tờ đơn ly hôn rồi đưa anh.

Lý do lại là việc anh quát tháo (chửi), đánh đập (ném, quăng) đứa con đỏ hỏn chưa đầy 1 tuổi của tôi không ít lần với câu lý giải hết sức ngây ngô rằng: nó còn nhỏ, nói với nó nó cũng không hiểu. Trời ạ, trẻ nhỏ không hiểu nhưng nó cảm nhận được thế nào là yêu thương mà! Chính anh từng có lần nói với tôi câu đó. Hơn nữa, trẻ càng nhỏ thì càng mỏng manh.


Mẹ chồng tôi còn từng nói: "Cẩn thận kẻo đẻ còn lành, nuôi con què". Tôi không nhớ hoàn cảnh bà nói, nhưng chắc chắn, những điều bà tận mắt chứng kiến lúc ấy chỉ là rất nhỏ so với những gì diễn ra ở nhà mẹ đẻ tôi.

Lại thêm vào là những lần cãi nhau mà anh kết luận là "vì tiền", là "không được như cái T", là "cái T nó nói đúng về mày" (T là vợ cũ của anh). Tôi không hiểu tôi vì tiền đến độ nào mà lại yêu dai dẳng rồi liều thân lấy một người đàn ông không những hoàn toàn trắng tay mà còn bệnh tật về tâm hồn. Anh bảo anh vẫn chưa "khỏi" chuyện trước. Anh buồn lo vô cùng vì người mẹ đó (vợ cũ) hoàn toàn không làm anh yên tâm để nuôi, chăm và dạy con.

Tôi thương nên đồng hành tằn tiện sống, tằn tiện nuôi con. Nhưng mỗi dịp rằm trung thu, tôi mua quà tặng con của bạn anh, và tặng con chồng, tôi có mua thêm cho con chúng tôi một món quà thì bị anh quy kết đủ kiểu (rất rắc rối và mâu thuẫn). Rồi tôi thấy cảnh cứ tiêu một chút gì đó lại hỏi xin chồng tiền. Rồi từ hồi sinh con tôi nghỉ làm luôn để ở nhà trông con, tôi liền bị anh đánh giá không ra gì.

Tôi thấy tôi bị xúc phạm vào sự tế nhị trong quyết định trước đây của mình, bị xúc phạm vào nhân phẩm của mình. Tôi tin không có nhiều người ở vai trò của tôi làm được những điều như tôi đã làm, vậy mà lại có sự so sánh khập khiễng cho hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau giữa tôi và người đàn bà trước đó của chồng. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi cố gắng nhẫn nhịn, mỉm cười bao nhiêu, chồng tôi lấn át, cáu kỉnh bấy nhiêu. Tôi đã từng tuyệt vọng và giờ đang chờ thời gian trôi qua...


Tôi đã và vẫn đang tranh đấu với chính mình về việc thế nào là mang lại hạnh phúc thực sự cho con của mình: ở cạnh ông bố như vậy, hay cuộc sống bớt bị tổn thương, bớt những ảnh hưởng xấu từ bố nhưng chỉ có mình tôi?

Nói thật là tôi cũng chỉ dám viết ở mục comment, vì như vậy sẽ ít có cơ hội để chồng tôi nhận ra "âm mưu" của tôi. Dù gì cũng rất chúc mừng 2 vợ chồng bạn vì đã không muộn nhận ra hạnh phúc thực sự của mình. Hãy làm lại từ đầu với tất cả tình yêu thương 2 bạn đang và sẽ còn có thêm với nhau, với con.

Chia sẻ