TOÀN CẢNH COVID ngày 29/7: Hơn 4.000 người khỏi bệnh, nhiều địa phương đề nghị kéo dài thời gian giãn cách

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Ngày hôm nay cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao với hơn 7.000 ca, chủ yếu từ các tỉnh thành phía Nam.

Diễn biến dịch ngày 29/7

Thông tin các ca mắc mới

- Tính từ 6h đến 18h30 ngày 29/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.773 ca mắc mới, trong đó 01 ca nhập cảnh và 4.772 ca ghi nhận trong nước, 949 ca trong cộng đồng. 

- Trong ngày 29/7, cả nước ghi nhận 7.594 ca mắc mới, trong đó 01 ca nhập cảnh và 7.593 ca ghi nhận trong nước, 1.536 ca trong cộng đồng. 

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày hôm nay ghi nhận 4.592 ca mắc mới. Đặc biệt, tại một số tỉnh thành phía Nam số ca nhiễm trong ngày có dấu hiệu tăng như Bình Dương 1.144 ca, Long An 499 ca, Đồng Nai 325 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu (185), Đồng Tháp (157), Tây Ninh (139)...

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Tính đến chiều ngày 29/7, Việt Nam có 128.413 ca mắc trong đó có 2.208 ca nhập cảnh và 126.205 ca mắc trong nước.

- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 124.635 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 05/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

- Có 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 29/7: Các tỉnh thành phía Nam vẫn  còn rất căng thẳng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tình hình điều trị

- 4.323 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29/7.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 31.780 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 346 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 19 ca.

- Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 233 ca tử vong do COVID-19 (số 631-863) từ ngày 19-26/7/2021 tại 07 tỉnh, thành phố sau:

+ Tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26/7: 189 ca

+ Tại Tỉnh Khánh Hòa từ ngày 19-26/7: 14 ca

+ Tại Tỉnh Long An từ ngày 25-26/7:10 ca

+ Tại Tỉnh Đồng Nai từ ngày 23-26/7: 8 ca

+ Tại Tỉnh Bến Tre từ ngày 20-25/7: 6 ca

+ Tại Tỉnh Vĩnh Long từ ngày 20-26/7: 4 ca

+ Tại Tỉnh Bình Dương từ ngày 20-22/7: 2 ca

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 112.468 xét nghiệm cho 316.424 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.711.291 mẫu cho 16.529.067 lượt người.

Tình hình tiêm chủng

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.321.839 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.825.209 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.

Hà Nội tiêm vắc xin diện rộng

Hà Nội bắt đầu tiêm vắc xin cho người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Sở Y tế Hà Nội công bố trước đó, đây là chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, sẽ kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022).

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 29/7: Các tỉnh thành phía Nam vẫn  còn rất căng thẳng - Ảnh 2.

Nhiều tỉnh đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 trước tình hình dịch vẫn hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam. Ảnh minh họa.

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18 đến 65 tuổi) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

"Điểm nóng" TP.HCM vẫn còn rất căng thẳng

TP.HCM hiện nay đang là "điểm nóng" về dịch trên cả nước, trong những ngày vừa qua, dịch vẫn tiếp tục bùng phát trên địa bàn TP, gây áp lực lên mọi mặt trận phòng chống dịch. Đặc biệt, số ca nhiễm trên địa bàn TP vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Tính đến tối 29/7 tại TP.HCM đã có hơn 80.000 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện hiện đang điều trị hơn 40.000 bệnh nhân dương tính, trong đó có 744 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 815 bệnh nhân tử vong do Covid-19.

Trong khi đó, mỗi ngày vẫn có thêm vài nghìn ca bệnh mới phát hiện, các bệnh viện gần như đã hết công suất, có những lúc bệnh viện đã quá tải. Để đáp ứng điều trị trước tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố đã phải mở thêm 4 BV dã chiến với quy mô hơn 10.000 giường bệnh nhằm đảm bảo chăm sóc, chữa trị cho người bệnh hạn chế tối đa số ca tử vong.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 29/7: Các tỉnh thành phía Nam vẫn  còn rất căng thẳng - Ảnh 3.

Phòng hồi sức chuyên điều trị các ca bệnh nặng. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, các cơ sở cách ly tập trung cũng đã vượt quá sức đáp ứng. 

Trước tình hình đó, Thành phố đã quyết định chuyển hướng chiến lược tổ chức cách ly F1, cách ly F0 tại nhà. Các bệnh viện, cơ sở điều trị COVID-19 sẽ tiếp nhận những trường hợp biểu hiện nặng, có bệnh nền để giảm áp lực cho cơ sở thu dung, điều trị.

Cùng với đó, Ngành y tế thành phố cũng đã có chủ trương huy động y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến tham gia điều trị tầng 3 và tầng 4, tăng cường trang thiết bị y tế cho việc điều trị, sắp xếp liên thông các tầng điều trị để chuyển viện kịp thời, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. 

Ngoài ra, trước số BN nặng, nguy kịch... ngày càng tăng, Bộ Y tế đã sử dụng đến phương án điều giám đốc bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội, Huế chi viện TP.HCM thiết lập các trung tâm hồi sức, chuyên điều trị các ca bệnh này với quy mô lên đến 3.000 giường.

Đây chính là áp lực lớn nhất hiện nay của ngành Y tế TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc chiến này. Và cuộc chiến tại TP.HCM có thể coi là "trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có trong tiền lệ".

Do đó để tiếp tục cùng TP.HCM phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục điều tất cả các đồng chí lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị… vào TP.HCM để cùng chung sức thiết lập nên hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

TP.HCM đang gồng mình hết sức, nỗ lực cho cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 và cả đất nước đều quan tâm, hướng đến và sẵn sàng hỗ trợ TP.HCM vượt qua khó khăn này.

Nhiều địa phương đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16

Các tỉnh thành phía Nam nói chung đang là "điểm nóng" về dịch trên cả nước. Hiện có 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tuy nhiên qua 10 ngày thực hiện giãn cách, tình hình dịch tại một số tỉnh thành vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng. 

Đặc biệt tại TP HCM, một phần của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng và rất sâu. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, thời gian còn phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng.

Bên cạnh giảm số ca F0, TP HCM và một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương còn phải thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất trong giai đoạn trước mắt là phải giảm được tỉ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng lên. Các cơ sở điều trị ở các cấp độ khác nhau, từ triệu chứng nhẹ, triệu chứng vừa, nặng, rất nặng, nguy kịch... phải được tăng cường trang thiết bị, nhân lực. Một khối lượng công việc khổng lồ đang đè nặng lên toàn bộ hệ thống y tế các địa phương này.

Trước tình hình đó, nhiều địa phương khác đã chi viện, tiếp sức để các tỉnh, thành này tiếp tục cuộc chiến chống dịch lâu dài. Đây là nguồn hỗ trợ rất lớn đối với các tỉnh thành phía Nam lúc này trong bối cảnh một số địa phương như TP.HCM tất cả đều trong tình trạng quá tải.

Cuộc chiến chống lại đại dịch ở nước ta vẫn còn rất lâu dài, mỗi người dân hãy luôn tuân thủ nguyên tắc 5K, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của địa phương, Chính phủ là góp phần vào công cuộc sớm chiến thắng đại dịch của đất nước.

Chia sẻ