TOÀN CẢNH COVID ngày 28/7: Nhận tin siêu vui "kỷ lục 4.511 người được công bố khỏi bệnh chỉ trong một ngày"
Ngày hôm nay cả nước ghi nhận 6.559 ca mắc mới. Số ca nhiễm tại một số địa phương có chiều hướng giảm, đặc biệt tại TP.HCM. Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Y tế đã công bố 106 ca tử vong do COVID-19 từ ngày 19-26/7.
Diễn biến dịch ngày 28/7
Thông tin các ca mắc mới
- Tính từ 6h đến 19h ngày 28/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.698 ca mắc mới, trong đó 01 ca nhập cảnh và 3.697 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 781 ca trong cộng đồng.
- Trong ngày 28/7, cả nước ghi nhận 6.559 ca mắc mới, trong đó 04 ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.184 ca trong cộng đồng.
Cũng trong ngày hôm nay, số ca nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh đã có chiều hướng giảm, xuống còn 4.449 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Tính đến chiều ngày 28/7, Việt Nam có tổng 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 117.042 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 05/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
- Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.
Tình hình điều trị:
- 4.511 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 28/7.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 27.457 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
- Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo có 106 ca tử vong do COVID-19 (số 525-630) từ ngày 19-26/7/2021 tại 06 tỉnh, thành phố sau:
+ Tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19-26/7: 91 ca
+ Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 20/7: 1 ca
+ Tại Đồng Tháp từ ngày 23-24/7: 02 ca
+ Tại Đồng Nai ngày 25/7: 01 ca
+ Tại Kiên Giang ngày 26/7: 2 ca
+ Tại Long An ngày 22-26/7: 9 ca
Tình hình xét nghiệm:
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 126.405 xét nghiệm cho 364.614 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.598.823 mẫu cho 16.212.643 lượt người.
Tình hình tiêm chủng:
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.
Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16 tại nơi có nguy cơ cao
Trong ngày hôm nay, Hà Nội ghi nhận 74 ca nhiễm mới, tình hình dịch tại TP mặc dù vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát tuy nhiên, vẫn còn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện thông qua sàng lọc.
Đặc biệt, hôm nay là ngày thứ 4 TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của UBND TP, tuy nhiên kết quả 4 ngày triển khai cho thấy có nơi làm rất tốt, có nơi chưa thực hiện nghiêm, có hiện tượng chủ quan, lơ là của người dân.
Trước tình hình đó, tại cuộc họp vào chiều nay giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, các địa phương phải bảo đảm thực hiện đúng, thực hiện đủ từng nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND với trọng tâm là thực hiện đúng nguyên tắc: “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND cũng nhấn mạnh, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND đối với địa bàn có nguy cơ cao.
Trong ngày hôm nay, Hà Nội cũng đã tiến hành phong tỏa nhiều địa điểm, khu vực do có liên quan đến các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm trên địa bàn như: Chợ đầu mối Đền Lừ, TTTM Vincom 91 Bà Triệu... đây là những địa điểm có lượng người qua lại rất đông, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Ngoài ra, trong ngày hôm nay, một số khu vực trên địa bàn TP cũng đã thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của người dân về việc chỉ ra đường trong trường hợp cần thiết như phát phiếu đi chợ ngày chẵn - lẻ, phát "phiếu ra đường"...
Việc thực hiện các biện pháp này nhằm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định của người dân theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Trước sự phức tạp của tình hình dịch bệnh, TP đang nỗ lực hạn chế tối đa sự xuất hiện của các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, những biện pháp, nỗ lực của TP chỉ đạt hiệu quả khi có sự chung sức, đồng lòng của người dân nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của TP, Chính phủ.
Chính vì vậy, người dân trên địa bàn TP hãy chỉ thực sự ra ngoài trong trường hợp cần thiết, tuân thủ nguyên tắc 5K để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới. Như vậy cũng là góp phần vào công tác chống dịch của đất nước.
Tin vui mùa dịch: 4.511 trường hợp được xuất viện trong một ngày.
Đây có lẽ là tin vui nhất trong những ngày vừa qua tại TP.HCM. Con số này được tính từ ngày 27/6 đến nay.
Tại BV dã chiến số 1 đặt tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, trong vòng 1 tháng qua đã tiếp nhận 9.500 ca nhập viện, chuyển viện 369 ca. Sau 1 tháng thu dung, điều trị các BN Covid-19 đã có gần 5.000 trường hợp được xuất viện.
Đây là kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện.
Trong bối cảnh tình hình dịch tại TP.HCM vẫn đang hết sức phức tạp, việc số lượng BN được điều trị khỏi bệnh và xuất viện không những giảm tải cho y bác sĩ tuyến đầu mà còn giúp giảm tải thu dung điều trị cho các BV dã chiến khác.
Cũng trong ngày hôm nay, cả nước có 4.511 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Nỗi niềm những người nơi tuyến đầu chống dịch
Trong những ngày vừa qua, tình hình dịch trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam vẫn đang hết sức căng thẳng. Nhưng hơn ai hết, các y bác sĩ nơi tuyến đầu mới là những người vất vả nhất.
Thậm chí có những người vừa kết thúc kì nghỉ hậu sản đã phải lập tức xa gia đình, con nhỏ bước vào "đấu trường" chiến đấu với dịch. Đó là trường hợp của nữ bác sĩ Bùi Châu Uyên Ngọc, công tác khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM).
Vừa nghỉ hậu sản 6 tháng, nữ bác sĩ trở lại BV thì đã vào nhận công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Kể từ đó nữ bác sĩ biết rằng, ngày về gặp đứa con bé bỏng của mình sẽ dài thăm thẳm.
Ngậm ngùi giao đứa con bé bỏng lại cho ông bà, người mẹ trẻ lao vào "chiến trường COVID-19". Kể từ ngày cuối cùng bế con đến nay đã 3 tháng. Việc chăm bẵm, ôm ấp, cho con bú mỗi ngày tưởng là đặc quyền không thể thay đổi của người mẹ giờ với bác sĩ Ngọc lại chỉ nằm trong ao ước.
Biết sao được, dịch bệnh đang ác liệt. Là bác sĩ, cô buộc phải hi sinh lợi ích riêng để dùng năng lực của người thầy thuốc bảo vệ cộng đồng.
Cũng giống như bác sĩ Ngọc, bác sĩ Quách Bảo Đằng cũng đã rất lâu chưa về thăm gia đình. Thậm chí anh chuyển hẳn "hộ khẩu" vào bệnh viện để tiện cho công tác trực gác, điều động khẩn cấp của đơn vị. Thế nhưng, mỗi lần được nghỉ ngơi dù chỉ một chút anh rất cũng rất muốn được về thăm gia đình bé nhỏ của mình.
"Có lần thèm ăn cơm nhà, vợ nhà đã nấu cơm sẵn. Tan ca tôi chạy về nhà, ăn cơm một mình dưới mái hiên rồi nhìn vào nhà nơi con đang chơi đùa.
Nhưng tôi không thể ôm con, không thể chơi đùa với con.
Sau khi ăn xong, tôi lại vẫy tay chào vợ và con qua cánh cửa rồi trở vào BV. Tôi biết rằng lý do thèm ăn cơm nhà là phụ, về nhìn thoáng qua gia đình yêu thương của mình mới là cốt yếu".
Đó là những lời tâm sự đầy xót xa, những nỗi niềm không phải ai cũng thấu của những người đang ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Anh Đằng, chị Ngọc chỉ là 2 trong hàng nghìn y bác sĩ đang phải xa gia đình để bước vào tuyến đầu chống dịch cùng đất nước. Giữa những giây phút ít ỏi, họ mới có thể gặp gỡ người thân của mình nhưng cũng chỉ là qua một lớp màn hình điện thoại.
Dịch bệnh vẫn sẽ còn kéo dài và chưa thể kết thúc trong nay mai, chúng ta, mỗi người chỉ cần góp một chút sức mình bằng những hành động rất nhỏ như tuân thủ 5K, không ra đường khi không cần thiết là đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc chống dịch của đất nước. Cũng là góp phần vào việc rút ngắn con đường, thời gian về nhà của những người đang ngày đêm chiến đấu ở nơi tuyến đầu.