TOÀN CẢNH COVID ngày 26/7: Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, Sài Gòn bắt đầu giới hạn thời gian ra đường

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Ngày hôm nay cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm tăng cao với hơn 7.000 ca.

Diễn biến dịch Covid-19 ngày 26/7

Thông tin các ca mắc mới

- Tính từ 6h đến 18h30' ngày 26/7, cả nước có 5.174 ca mắc mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 5.155 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 380 ca trong cộng đồng.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao với 4.283 ca.

- Trong ngày 26/7, cả nước ghi nhận 7.882 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca ghi nhận trong nước với 887 ca cộng đồng.

Ngày hôm nay, TP.HCM tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục với 5.997 ca. Đặc biệt, hôm nay, Hà Nội cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng cao với 81 ca.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 26/7: Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Tính đến chiều ngày 26/7, Việt Nam có tổng 106.347 ca mắc, trong đó có 2.201 ca nhập cảnh và 104.146 ca mắc trong nước.

- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 102.576 ca, trong đó có 18.570 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 07/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

- Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang.

Tình hình điều trị

- 2.006 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 26/7.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 21.344 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 126 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 15 ca.

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 102.182 xét nghiệm cho 446.460 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.364.440 mẫu cho 15.428.538 lượt người.

Tình hình tiêm chủng

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều.

Hà Nội xuất hiện "ổ dịch" mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây

Ngày hôm nay 26/7, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao với 81 ca. Đặc biệt, trên địa bàn TP đã xuất hiện thêm một chuỗi lây nhiễm mới được xác định khá phức tạp và chưa rõ nguồn lây.

Theo đó, tối 25/7, Bệnh viện Phổi Hà Nội đã dừng tiếp nhận bệnh nhân ngay trong đêm sau khi nơi đây phát hiện 9 trường hợp dương tính qua xét nghiệm sàng lọc.

Ngay trong đêm, BV đã dừng tiếp nhận bệnh và phong tỏa các khoa, phòng liên quan. Đồng thời tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.

Tính đến 8h sáng 26/7, Bệnh viện đã sàng lọc được tổng số 29 ca dương tính SARS-CoV-2, gồm 21 người bệnh (điều trị tại các Khoa Nội 3, Nội 1, Nội 5), 2 người nhà (chăm bệnh nhân tại các Khoa Nội 3, Nội 4) và 6 nhân viên y tế (Khoa Nội 3, Nội 2 và Nội 4).

Đến trưa cùng ngày, 24/29 mẫu có kết quả khẳng định dương tính từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 26/7: Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây - Ảnh 2.

Cách ly y tế BV Phổi từ trưa ngày 26/7.

Ngay sau khi có kết quả 24 trường hợp dương tính, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định về việc thiết lập khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 đối với Bệnh viện Phổi Hà Nội (số 44 Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) trong vòng 14 ngày (kể từ 18h ngày 25-7 cho đến khi có quyết định mới của UBND quận).

UBND quận Hai Bà Trưng cũng đề nghị Bệnh viện Phổi Hà Nội cung cấp danh sách bệnh nhân ra viện kể từ ngày 6-7-2021 để phục vụ công tác điều tra, truy vết tại cộng đồng.

Ông Phạm Hữu Thường, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, tạm thời chưa xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh bởi kiểm soát đầu vào xét nghiệm đều âm tính SARS-CoV-2.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 26/7: Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây - Ảnh 3.

Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp cùng Binh chủng hóa học phun khử khuẩn diện rộng trên toàn thành phố sáng 26/7.

Với hơn 20 ca dương tính được phát hiện trong 12 giờ qua, Bệnh viện Phổi Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch tại Hà Nội, người dân hãy chấp hành nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế đồng thời thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của TP để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Ngoài ra, cũng trong ngày hôm nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp cùng Binh chủng hóa học phun khử khuẩn diện rộng trên toàn thành phố trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19 còn rất cao trong cộng đồng.

Hiện nay, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng còn rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn người dân thực hiện nghiêm, còn tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nơi của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định giãn cách.

TP.HCM bắt đầu hạn chế thời gian người dân ra ngoài

Siết chặt đối tượng được ra ngoài từ 18h - 6h hôm sau

Sau những quyết định "quyết liệt" về tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường với việc quy định người dân không ra đường sau 18h, ngày hôm nay 26/7, UBND TP HCM tiếp tục có công văn khẩn gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về tăng cường, siết chặt hơn nữa vấn đề này.

Cụ thể, UBND TP HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ (hằng ngày); trừ các trường hợp sau:

- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 26/7: Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây - Ảnh 4.

TP.HCM siết chặt đối tượng được ra ngoài từ 18h - 6h hôm sau. Ảnh minh họa.

- Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch;..., phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

...

Siêu thị tại TP.HCM ngừng hoạt động sau 17h

Một số chuỗi siêu thị tại TP.HCM đã ra thông báo đóng cửa sớm, thậm chí dừng mua hàng online... đây được coi là một trong những nỗ lực siết chặt các biện pháp phòng chống dịch cùng TP của các cơ sở kinh doanh.

Theo đó, những hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market Việt Nam, Aeon... cho biết đã điều chỉnh thời gian hoạt động của các chuỗi siêu thị để phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM trong tình hình hiện nay.

Theo đó, MM Mega Market Việt Nam sẽ thay đổi mốc thời gian hoạt động từ 6:00 - 22:00 thành 6:30' - 17:00.

Còn với chuỗi siêu thị Aeon, thời gian đóng cửa còn sớm hơn là 16h chiều cùng với đó là việc tạm dừng hoạt động mua sắm online trên các app của siêu thị và những ứng dụng đặt hàng trực tuyến khác vì hiện tại việc đặt shipper gặp khó khăn.

Hệ thống siêu thị VinMart & Chuỗi cửa hàng VinMart+ tại TP.HCM cũng cho biết từ 26/7 tiến hành điều chỉnh giờ hoạt động mới là 7:00 - 17:00.

Điểm dịch "nóng nhất" TP.HCM "kêu cứu"

TP.HCM hiện là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất cả nước, với con số ca nhiễm bình quân hơn 2.900 ca/ngày. Trong số những quận huyện của TP, quận Bình Tân được xem điểm "nóng nhất" khi tính đến đêm 25/7, Bình Tân đã có 6.728 ca nhiễm, hiện đã vận hành 7 khu cách ly các ca bệnh với trên 2.200 giường.

Chưa kể đến hàng trăm điểm phong tỏa với hàng chục nghìn hộ dân. Đặc biệt, trong bối cảnh số ca nhiễm tại TP nói chung và quận Bình Tân nói riêng vẫn tiếp tục tăng, trong khi đó nhân lực lại có hạn đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc điều trị, vận hành quản lý khu cách ly cũng như điều trị.

Có nhiều điểm cách ly tạm thời của quận Bình Tân chỉ có 2-3 nhân viên y tế phục vụ 200-300 người đã được test nhanh dương tính với COVID-19.

TOÀN CẢNH COVID-19 ngày 26/7: Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây - Ảnh 5.

Xét nghiệm COVID-19 người dân tại quận Bình Tân, TP.HCM.

Ngoài ra, nguy cơ dịch bùng phát tại địa bàn quận rất cao khi đây chủ yếu là nơi sinh sống của công nhân. Với dân số 740 nghìn người thì có đến 236 nghìn công nhân, lao động tại các khu nhà trọ, diện tích nhỏ, hẹp. Có nhà trọ chen kín hàng trăm người. Cùng với đó là hơn 3.000 người buôn bán tự do, bán hàng rong.

Với những đối tượng như vậy, nguy cơ dịch bùng là phát mạnh. Trước những khó khăn đó, quận Bình Tân mong lãnh đạo TP.HCM sớm thành lập Bệnh viện dã chiến có quy mô 500-1.000 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Cùng với đó, sớm bố trí tiêm vắc xin cho công nhân, lao động trong các khu trọ.

Tin vui từ địa phương từng là "ổ dịch" lớn nhất cả nước

Chiều nay (26/7), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản khẳng định đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang: Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát; 15 ngày qua, toàn tỉnh không phát sinh F0 trong cộng đồng.

Hiện, toàn tỉnh đã có 8/10 huyện đã qua 21 ngày không phát sinh F0. Đã có 5.619 bệnh nhân được khỏi bệnh, ra viện, chiếm 98% tổng số bệnh nhân của tỉnh. Hiện chỉ còn 96 bệnh nhân đang điều trị tại tỉnh, chủ yếu các trường hợp nhẹ và không triệu chứng.

Giữa bối cảnh tình hình dịch tại nhiều địa phương vẫn hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam, thông tin này như tiếp thêm động lực để y bác sĩ, người dân cùng chung tay nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện tại, TP.HCM đang là "điểm nóng" của cả nước về dịch bệnh, không chỉ sức khỏe người dân bị đe dọa, ảnh hưởng mà hơn hết tuyến đầu chống dịch nơi đây đang rất cần chi viện. Chính vì vậy, mỗi người dân, đặc biệt là những người trong ngành Y tế, tất cả hãy một lần nữa thể hiện tinh thần “cả nước vì TP.HCM" như đã từng "vì Bắc Giang", cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ TP.HCM sớm vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này.

Chia sẻ