“Xanh mặt” vì vợ... đại sĩ diện

Quỳnh Anh,
Chia sẻ

Vợ anh đại sĩ diện, quyết "chơi trội" bằng cách tài trợ 15 triệu đồng để cả phòng mua chậu địa lan biếu Tết sếp.

Quý và Thu (Thanh Trì – Hà Nội) vừa cưới nhau được gần 1 tháng thì Tết đến. Muốn để cho nàng dâu mới thể hiện tài tháo vát cũng là để Thu quen dần với việc trong nhà, vì thế  Tết năm nay, mẹ Quý quyết định giao cho hai vợ chồng lo Tết cho gia đình. Nàng dâu mới được mẹ chồng giao trọng trách thì hứng thú, mẹ chồng đưa tiền để chi tiêu thì gạt phắt, về lấy tiền mừng đám cưới để sắm sửa. Ban đầu, những tưởng vợ khéo léo thu vén nên Quý cũng tán đồng hai vợ chồng chung tay chi tiêu. “Coi như đó cũng là cơ hội để cô ấy thể hiện bản thân, lấy lòng mẹ chồng” – Quý nói. Thế nhưng khi hai vợ chồng đi chợ, nhìn thấy vợ hì hục với “núi” thực phẩm “khuân” về nhà thì Quý tròn mắt, choáng váng.

“Cô ấy ra đến chợ, ai chào mời gì cô ấy cũng mua. Từ hàng thịt, đến hàng rau, chỉ cần người nào đó quen với mẹ tôi nói ‘Con dâu mẹ Nguyệt hả?’ là cô ấy sà vào hàng, mua vô tội vạ. Nhà có cả thảy 4 người và nếu có tính dư để mời cơm khách thì cũng không cần lấy đến 5kg thịt bò, 10kg gà, rồi giò chả… Bánh kẹo, rượu ngoại, thực phẩm khô thì cô ấy kéo một xe đầy từ siêu thị ra. Hàng xóm bắt gặp trầm trồ ‘Năm nay nhà có dâu mới nên ăn Tết to’ thế là cô ấy thích chí, cười tít mắt. Đúng là... chết vì đại sĩ diện mà” – Quý kể.

Thực phẩm tươi sống mua về để ngoài không đủ, sợ hỏng, Quý phải loay hoay đi mượn một chiếc tủ lạnh bảo ôn về cho vợ chứa đồ. Tính sơ sơ khoản mua sắm cho mấy ngày Tết, Quý thất kinh khi con số tổng lên đến 35 triệu. “Thấy tình hình ‘khoán’ cho cô ấy sắm sửa tôi thấy không ổn nên phải nhờ mẹ vợ can thiệp” – Quý cho hay.

Không chỉ khoản mua sắm ngày Tết, ngay cả tiền lì xì đầu năm cho đám trẻ con, Thu cũng “vung tay quá trán” vì... đại sĩ với bạn. “Ngày 27 Tết, tôi thấy cô ấy xách một túi tiền mới đổi về. Tưởng rằng cô ấy đổi tiền mới luôn cho cả gia đình bên ngoại. Ai ngờ đâu cô ấy nói đó là số tiền để riêng cho hai vợ chồng mừng tuổi. Mà hoảng nhất là cô ấy sĩ diện, gặp đứa trẻ nào cũng rút xoành xoạch tờ hai trăm nghìn ra để mừng tuổi. Nếu than vãn thì lại bảo chồng ki bo, tính toán. Nhưng vợ chồng mới cưới, cuộc sống còn giật gấu vá vai, cô ấy đâu cần thiết phải hoang phí vào những khoản như vậy” – Quý thở dài nói. 

“Xanh mặt” vì vợ... đại sĩ diện 1
Không chỉ khoản mua sắm ngày Tết, ngay cả tiền lì xì đầu năm cho đám trẻ con, Thu cũng “vung tay quá trán” vì... sĩ diện với bạn.

Không giống như Thu, Hồng - vợ Tuấn (Đống Đa - Hà Nội), vốn quen sống trong nhung lụa, cuộc sống vênh vang tự hào như “ngôi sao” từ khi hai người còn yêu nhau. Sau này khi gia đình sa sút, hai người đã cưới nhau Hồng vẫn không thể thay đổi được thói quen hoang phí và tiêu xài vì "bệnh huyếnh" với người khác. Tuấn cho hay vợ mình không giỏi kiếm tiền nhưng luôn muốn mọi người phải “há hốc miệng” vì mình đẳng cấp, nhất là khi Hồng gặp lại bạn bè cũ.

Ngày bình thường, Hồng đi đâu, gặp gỡ ai thì vẻ bề ngoài là phải chỉn chu, “long lanh từ đầu đến chân” để không ai có thể “vượt mặt mình”. Gần như tiền lương của Hồng đều dồn hết vào việc mua sắm. Thậm chí khi không đủ, Hồng về ngửa tay xin tiền bố mẹ mặc dù hai ông bà kinh tế đang khó khăn. “Là chồng, nhiều khi nghe cô em vợ mách lại rằng chị gái sang xin tiền bố mẹ, tôi thực sự thấy ái ngại và xấu hổ. Rất nhiều lần tôi hỏi cô ấy vì sao phải sống kiểu đối phó khổ sở thế thì cô ấy đáp rằng không thể để bản thân mình bị người khác khinh” – Tuấn tâm sự.

Tuấn kể, trong dịp Tết vừa rồi, vợ đã khiến anh xanh mặt vì trong khi ở cơ quan của vợ, mấy anh chị em đồng nghiệp bàn bạc góp tiền lại để mua chậu hoa biếu Tết sếp thì vợ anh quyết “chơi trội” bằng cách tài trợ cho cả phòng 15 triệu để mua chậu địa lan. “Khi mọi chuyện đã rồi và tôi hỏi khoản tiền thưởng Tết mới đưa cho vợ hôm nọ thì cô ấy mới thẽ thọt thông báo với tôi. Nghe vợ nói tôi chỉ muốn phát khùng” – Tuấn cho biết.

Những ngày sau đó, dù lo ngay ngáy về những khoản tiền vợ sẽ vung tay nhưng Tuấn vẫn không thể nào kiểm soát được tính đại sĩ diện của vợ. “Dù tôi có làm thế nào thì cô ấy vẫn xoay vần để có tiền. Lúc thì vay mượn, khi thì về xin bố mẹ vợ. Ngày giáp Tết, tiền đã không có một xu trong túi vì tiêu hoang phí trước đó, cô ấy vẫn tung tăng gọi bạn đi ăn uống, bao trọn người ta. Đi chúc Tết, người ta lì xì đầu năm để lấy hên còn cô ấy lì xì để lấy sĩ diện, lấy sự thán phục từ người khác” – Tuấn bức xúc nói.

Chia sẻ