“Với tôi, tình yêu không phân biệt tuổi tác”

Hải Đường,
Chia sẻ

Đó là chia sẻ của một ông cụ ở tuổi thất thập đang lên kế hoạch chuẩn bị cưới vợ trong khi con cái ông phản đối kịch liệt, nhưng ông có những lí do để thực hiện mong muốn của mình.

Thưa bác, ở tuổi của bác đáng lẽ phải vui vầy với con cháu và bình thản nhìn cuộc đời rồi. Sao bác lại xoáy vào câu chuyện vợ con để con cháu phiền lòng vậy?

Xã hội có một bức tường ngăn cản con người ta mưu tìm hạnh phúc, bức tường đó là dư luận. Tôi có nói hàng trăm lý lẽ thì mọi người vẫn gọi tôi là gàn dở khi đến tuổi thất thập, khi tôi đã đầy đủ dâu, rể, cháu chắt mà vẫn còn lo chuyện vợ con.

Tôi biết con cái tôi đã đi kể với cô về chuyện tôi định lấy vợ để cô dùng áp lực dư luận mà đánh vào lòng tự trọng của một ông già như tôi. Tôi thiết nghĩ như thế là quá tàn nhẫn.

Vợ tôi mất từ khi đứa út nhà tôi còn đỏ hỏn. Một tay tôi nuôi dạy các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng, lo cho chúng hạnh phúc trọn vẹn. Thiên hạ sẽ bảo tôi: đã hi sinh thế rồi, đến giờ còn dở chứng vợ con thêm làm gì ở tuổi sắp đi về với ông bà, tổ tiên. Nhưng đến cuối đời tôi mới dám nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình. Đến cuối đời tôi mới tìm được người hiểu, chia sẻ được với tôi những suy nghĩ và chia sẻ những đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời.

Như vậy, con cái bác không thể làm cho bác hạnh phúc trọn vẹn và người phụ nữ bác mới gặp, muốn kết hôn sẽ giúp bác sống hạnh phúc những năm tháng cuối đời?

Một ông già cần chỗ dựa, cần hạnh phúc thì có gì là sai? Dựa vào con cái ư? Chúng nó còn có cuộc sống riêng, con cái của chúng. Chúng thậm chí còn cười cợt tôi khi tôi nói với chúng là tôi buồn. Chúng bảo: bố buồn thì đi chơi cờ, tham gia câu lạc bộ người cao tuổi. Chúng coi tôi như một đứa trẻ ngoan, đặt đâu ngồi đó. Tôi đã trải qua gần một đời người. Tôi đã suy nghĩ thấu đáo chuyện đời, và tôi có những đêm dài mất ngủ. Tôi bị cô đơn giữa con cái mình.
 

Chúng tôi, tôi nói tôi và bà mà tôi chọn chung sống với tôi đến lúc chết, cảm thấy có thể dựa vào nhau, có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Mong cô và dư luận đừng cố thêu dệt những điều mỉa mai vào câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi còn có thể tính toán gì ở tuổi này? Chỉ là cần nhau vì cuộc sống cần thế.

Nhưng việc của bác rõ ràng là trái với tự nhiên. Cháu nghĩ nếu bác nghĩ con bác cần phải hiểu cho bác thì bác cũng cần phải hiểu cho con bác. Họ trưởng thành cả rồi và họ có rất nhiều mối quan hệ xã hội…

Đấy, vậy là mấu chốt chính là quan hệ xã hội. Tôi cũng không biết nếu tôi còn trẻ và có một ông bố ở tuổi 70 muốn lấy vợ thì sẽ phản ứng như thế nào. Nhưng ở hoàn cảnh tôi, tôi mới ngấm cái gọi là quan hệ xã hội, là sĩ diện có hai mặt như thế nào.

Tôi không phải nhà nghiên cứu xã hội, nhưng tôi nói bằng những kinh nghiệm của mình. Ở góc độ nào đó, quan hệ xã hội và sĩ diện giúp người ta có giới hạn trong cư xử và chúng ta sống bớt bản năng. Ở một góc độ khác, những thứ đó lại lấn át và phá hoại quyền riêng tư của con người. Không phải ai cũng nhìn ra hai mặt của vấn đề này.

Đó là lí do tại sao mặc dù con cái tôi phản đối, mặc dù mọi người nói tôi là lão già gàn dở, dửng mỡ, tôi vẫn làm những việc mình thấy cần thiết cho cuộc đời mình. Mọi người nói có lí của mọi người. Tôi sống từng này tuổi thì cũng phải lường được phản ứng đó chứ.

Bác định sống trên dư luận với quyết định của mình?

Tôi sống đúng với lương tâm và hoàn cảnh của mình. Còn dư luận, chúng ta không thể sống trên hay sống dưới được. Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Lúc nào dư luận cũng có những ý kiến. Điều này cũng tốt đối với những việc được coi là đặc biệt như việc lấy vợ ở tuổi 70.

Nếu không có dư luận, biết đâu tôi lại dễ dãi với bản thân và trở thành một lão già dửng mỡ thật. Bởi có dư luận nên sau khi suy nghĩ thật kỹ hết mọi ngõ ngách của vấn đề tôi mới quyết định được hành động như thế nào. Và khi đã lường trước mọi phản ứng tồi tệ, tôi sẽ không gây áp lực cho bản thân và những người xung quanh.

Con cái tôi nói nhưng tôi cũng không gây căng thẳng với chúng. Tôi vẫn chủ động lo việc của mình, còn chúng, rồi sẽ phải chấp nhận thôi. Giờ có giải thích hết nước hết cái chúng cũng không hiểu đâu.

Cháu vẫn cho là chuyện này kỳ cục nhưng cháu công nhận với bác: nếu bác chủ động được mọi việc và bình tĩnh đến mức này thì cháu cũng mong bác hạnh phúc. Một điều được coi là khiếm nhã, bác có thể trả lời hoặc không nhưng cháu muốn biết ý kiến của bác, bác mong muốn giới trẻ sẽ ứng xử thế nào với những tình yêu của thế hệ cổ lai hi như bác?

Giới trẻ sẽ cười vỡ bụng với những ông bà già như tôi. Nhưng rồi họ sẽ già, họ sẽ hiểu được tâm tư nguyện vọng của các ông bà già. Tình yêu lúc nào cũng có nhu cầu được thể hiện. Ở nước mình, tình yêu người già ít được thể hiện do quan niệm. Tôi nghĩ những người trẻ cũng nên nhìn chuyện tình yêu người già ở góc độ bình thường. Tình yêu chỉ là tình yêu thôi các bạn trẻ ạ, nó chả bao giờ phân biệt tuổi tác cả!

Chia sẻ