Nỗi niềm vợ trẻ chồng già

,
Chia sẻ

"Tưởng lấy anh ấy lớn tuổi, mình sẽ được chiều. Hoá ra bây giờ em phải chiều anh ấy như chiều bố mình". "Em muốn đi xem phim, anh ấy lại thích ngồi nhà ngắm chim, tưới cây cảnh hay rủ mấy ông bạn sang ngồi chơi tổ tôm"...

Đó là những nỗi niềm của một số bà vợ còn xuân sắc, có chồng chênh lệch tuổi quá nhiều, gọi đến Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm (Hà Nội) xin được giúp đỡ.

Ai muốn lấy chồng già?

Trước hết, phải kể đến các cô gái ngoan ngoãn, hiền lành, hồi trẻ ít giao du, tiếp xúc với bạn trai, đến tuổi trưởng thành, họ rất khó có bạn trai cùng trang lứa. Tuổi xuân ngày một trôi mau, các cô muốn lấy chồng nhưng chờ mãi không có ai tìm đến. Những cô gái này rất cô đơn và dễ dàng chấp nhận những anh chồng dù đã ngoại lục tuần.
 
Nhóm thứ hai là những cô gái được cha mẹ nuông chiều, kém học, lười lao động, chỉ thạo son phấn, ăn diện. Chính vì vậy, những chàng trai cùng trang lứa hay hơn các cô vài ba tuổi sẽ cảm thấy khó gần, khó phù hợp. Ngược lại, “mùi” son phấn, điểm trang của các cô chỉ thu hút khứu giác của những người đàn ông lớn tuổi, thường là những người thành đạt, giàu có, đã một đôi lần ly dị vợ, hoặc có lối sống lập dị.
 

Còn một nhóm các cô gái muốn lấy chồng già nữa là những cô gái sống thiếu cha từ nhỏ. Tuy các cô được những người mẹ chăm lo đầy đủ, song vẫn thấy thiếu tình phụ tử. Đến lúc trưởng thành, các cô đi tìm tình yêu và mong muốn nhìn thấy ở người yêu một chỗ dựa tinh thần của người cha mà các cô thiếu hụt từ nhỏ. Các cô thường cảm động vì sự nhiệt tình, chu đáo, tốt bụng của những người đàn ông chững chạc, từng trải. Còn ngược lại, bên cạnh những cô gái non nớt như vậy, người đàn ông lấy lại sự tự tin của mình, cảm thấy mình là người đàn ông thực thụ.

Tất nhiên, cũng có những đôi gái trẻ, trai già đến với nhau vì tình yêu. Họ khâm phục tài năng, đức độ của nhau. Song kinh nghiệm làm tư vấn tâm lý lâu năm, tôi thấy những trường hợp như vậy không nhiều.

“Kiễng chân” mãi cũng mỏi

Thời gian đầu mới chung sống, hai bên cố gắng để có sự hoà hợp. Song sự chênh lệch bắt người ta luôn luôn ở cái thế “kiễng chân”, do đó chóng mệt mỏi và thất vọng. Xét về khía cạnh khoa học, khi vợ chồng chênh lệch nhau một giáp trở lên, nghĩa là đã hơn nhau “một thế hệ”, nếu đôi bên không khéo léo điều chỉnh thì khó mà có sự hoà hợp cả về mặt tâm lý lẫn sinh lý.
 
Một người đàn ông thành đạt, tuy có tuổi nhưng vẫn được các cô gái trẻ mến mộ bởi sự chu đáo, sáng suốt, tinh thần quyết đoán khi ở cơ quan, nhưng khi trở về với gia đình anh ta hiện nguyên hình là những ông chồng mệt mỏi, thích yên tĩnh, ăn uống bắt đầu phải kiêng khem. Khả năng làm chồng của các ông có thể trở nên mạnh mẽ trong một thời gian nhất định bởi cảm hứng mới mẻ, trẻ trung do người vợ mang lại. Song không chóng thì chầy, khả năng ấy cũng giảm dần theo năm tháng. Đó là quy luật của muôn đời.

Tuy nhiên, sự khập khiễng về đời sống tâm lý, tinh thần của họ mới là điều đáng nói hơn. Một phụ nữ tên Tâm, gọi điện tâm sự: “Nhìn những đôi trai gái trẻ lấy nhau rồi lại đổ vỡ, em thấy sợ. Nghĩ rằng lấy anh ấy già hơn, anh ấy sẽ biết điều, cuộc sống sẽ khá hơn. Ai ngờ lấy anh ấy, em lại phải chiều anh ấy. Anh ấy thì không thể thay đổi, tức là không thể trẻ lại, buộc lòng em phải ép mình già đi, cho xứng với anh ấy”.

Có cô gái, sau một thời gian sống hào nhoáng với vẻ bên ngoài của người chồng hơn mình 25 tuổi, bây giờ nghiệm ra, thấy sao nhiều thứ khác nhau quá. Cô nói: “Em sống với anh ấy chẳng khác gì với bố mình. Mấy năm gần đây anh ấy suy sụp nhanh quá, sắp về hưu mà. Anh ấy ít quan tâm đến công việc và vợ con, hay luẩn quẩn ở nhà, được ngày nghỉ lại về quê tìm gặp bạn cũ, ôn lại thời trẻ. Em mở nhạc anh ấy kêu nhức đầu. Em muốn đi siêu thị thì anh ấy lại thích đi xem cây cảnh, vào trà hoa viên ngắm non bộ. Thành ra mỗi người một thế giới”.

Tâm trạng chung của các cô là cảm thấy mình còn “nửa chừng xuân” còn các ông ấy đã lên đến đỉnh cao của đời người, đang đi xuống dốc mà không có bạn đồng hành.

Hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định

Công bằng mà nói, không phải không có những cặp chồng già vợ trẻ vẫn sống với nhau hạnh phúc. Họ đến với nhau vì trai tài gái sắc, mến đức, mến người chứ không vì một lý do nào khác. Còn những cô gái say mê danh vọng, tiền tài, sự lịch lãm và từng trải của người đàn ông đứng tuổi thì cái kết thúc không mấy khi vui.

Khi người đàn ông đã không còn hấp dẫn, đã đi hết quãng đường công danh, sự nghiệp, lại trở về đúng cái chất của một người già thì làm sao có thể tâm đầu ý hợp với một người vợ còn đang xuân sắc, không có được sự từng trải và hiểu biết của một người phụ nữ biết làm vợ? Cũng có những đôi chồng già vợ trẻ chấp nhận chung sống với nhau lâu dài, bền vững. Song sự chấp nhận khác với sự thoải mái, hài lòng, hạnh phúc.

Tuổi tác cũng  góp một phần không nhỏ dẫn các gia đình đến với bi kịch tan vỡ khi họ đến với nhau vì vụ lợi vật chất, vì ảo vọng “lấy chồng già sẽ được chiều”!

*Tên một số nhân vật đã được thay đổi
Theo Đinh Đoàn
Gia đình
Chia sẻ