Thứ 7, Chủ nhật tưởng để nghỉ ngơi sung sướng nhưng lý do chúng được tạo ra lại thâm sâu không tưởng
Đời chưa bao giờ đơn giản như ta tưởng!
Đã lao động thì cuối tuần phải được nghỉ ngơi đúng chứ chị em? Có người chọn ở nhà, có người lại đi sắm sửa, ăn chơi tiêu xài... Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi 2 ngày cuối tuần có từ bao giờ, con người thời xưa có đi làm 8 tiếng như chúng ta không?
Lịch sử của 2 ngày nghỉ cuối tuần
Henry Ford, người sáng lập Ford Motor - 1 trong những tài phiệt tư bản có ảnh hưởng cực lớn tại nước Mỹ, đã bất ngờ tăng lương cơ bản (tính theo ngày) của công nhân từ 2,34 USD lên 5 USD (khỏi đổi ra tiền Việt nhé vì cả thế kỷ rồi, tỷ giá thời nay không còn nhiều ý nghĩa nữa).
Tất nhiên, quyết định của "cáo già" Henry Ford được toàn thể dân Mỹ vỗ 2 tay ủng hộ! Đi làm vốn đã vất vả nay được thêm tiền thì còn gì sung sướng hơn? Không chỉ vậy, cả nghìn người lao động đã đổ về các nhà máy của Ford để hưởng mức lương hời.
Ban đầu Henry Ford không có ý định này nhưng đã bị Phó chủ tịch James Couzens thuyết phục: Tăng lương không chỉ được lòng xã hội, một khi có nhiều tiền hơn, con người sẽ chi nhiều tiền hơn!
Chị em thấy đấy, Ford không tăng lương vì thương cảm cho công nhân.
Cho đến năm 1926, Ford áp dụng triết lý tương tự và "sáng tác" ra tuần làm việc chỉ có 5 ngày (thời điểm đó công nhân đang đấu tranh để được nghỉ thêm thứ 7).
"Rảnh rỗi hơn ắt sẽ cần nhiều quần áo hơn, ăn nhiều hơn và đi lại cũng nhiều hơn", Ford lập luận.
Và rồi gần 1 thế kỷ sau, mưu đồ của Ford tự nhiên trở thành chân lý mà người làm công ăn lương nào cũng phải đồng ý: Cuối tuần là để nghỉ ngơi, ăn chơi tiêu xài, tóm lại là hưởng thụ.
Như vậy có nghĩa là...?
Không bàn tới khía cạnh nghỉ ngơi sau cả tuần lao động, thực chất 2 ngày nghỉ cuối tuần là chiêu bài của tài phiệt tư bản - nhằm khiến con người mở van, xả tiền của mình ra ngoài xã hội bằng việc mua sắm, ăn tiêu, sử dụng dịch vụ.
Trên thực tế, tôn chỉ của hầu hết các tập đoàn lớn chính là "tạo ra nhu cầu rồi tìm cách giúp người ta thỏa mãn chúng". Theo WSJ, người Mỹ có vẻ hào phóng nhất vào các tối thứ 6, thứ 7 và "ki bo" nhất vào thứ 2, thứ 3 đầu tuần.
Nghe thì ác nhưng điều này không phải không tích cực, nó khiến nền kinh tế đi lên nhưng mặt trái là gì? Con người sẽ trở thành nô lệ của đồng tiền, vĩnh viễn không thể thoát khỏi guồng quay bất tận đi làm - nhận lương - tiêu tiền.
Theo S.W