Dân tình phát hoảng đoạn clip giảng viên dạy múa cầm gậy vụt học viên, hé lộ nhiều sự thật khắt khe về nghề vũ công
Thương cho roi cho vọt, quả thực phải qua khổ ải người ta mới thành tài. Nhưng liệu hành động của vị giảng viên này có đúng?
Với những ai làm trong ngành nghệ thuật biểu diễn, ngoài việc học tập cẩn thận để thạo kiến thức cơ bản, họ còn cần một quá trình dài hơi tập luyện không ngừng nghỉ. Quá trình tập luyện ấy không chỉ gồm những giờ đổ mồ hôi công sức mà còn có cả máu, nước mắt, những đắng cay tủi nhục để chờ ngày lên sân khấu.
Nhưng nếu chẳng có những tấm ảnh, đoạn video khắc họa chân thực, người xem sẽ khó hình dung sự vất vả của giới nghệ sĩ.
Mới đây, trên Tik Tok xuất hiện clip khiến người xem phản ứng nhiều chiều. Đoạn video ghi lại cảnh một giảng viên của lớp dạy múa cầm que gỗ dài vụt vào từng vũ công. Tiếng vụt mạnh đến nỗi những âm thanh lớn vang khắp căn phòng. Giảng viên kia còn liên tục mắng "Đã sai rồi... bài nào cũng sai... không bài nào làm đúng cả!"
Clip giảng viên cầm roi vụt mạnh các học trò.
Trong khi thái độ của giảng viên mang sự nghiêm túc pha chút tức giận thì với học viên, mọi thứ ngược lại. Các cô nàng có lẽ chẳng cảm thấy đau vì cú vụt và còn cười khoái chí. Chính vì thế nhiều người cho rằng đoạn clip chỉ là màn trêu đùa giữa cô - trò mà thôi.
Tuy nhiên, cũng có những bình luận tiêu cực ném đá vào giảng viên, cho rằng cô không nên đánh học viên của mình như thế. Có nhiều cách dạy dỗ chẳng cần đến bạo lực. Hơn nữa, học trò sai thì mình nên tận tình chỉ bảo thay vì khoáy sâu vào sai lầm đó.
Vậy theo chị em vị giảng viên đã hành động đúng hay sai?
Câu hỏi trên vẫn gây tranh cãi khó đi tới hồi kết. Nhưng có một sự thật chẳng thể phủ nhận, nghề vũ công nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nói chung không phải mảnh đất dành cho những kẻ ưa sống an toàn.
Góc khuất sau nghề vũ công
Với riêng vũ công, để có một màn biểu diễn 3-5 phút trên sân khấu, họ mất tới hàng tháng, thậm chí hàng năm trời tập luyện khổ cực. Tập luyện nhiều chưa chắc thành công, đã vậy người vũ công còn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về sức khỏe như chấn thương, tai nạn khi biểu diễn dẫn tới cả sự nghiệp đổ sông đổ bể.
Chỉ cần nhìn những giọt mồ hôi mặn chát, những ngón chân ứa máu, những gương mặt thất thần mệt mỏi trên đây là chúng ta có thể hiểu nghề này vất vả cỡ nào. Dưới ánh đèn sân khấu, những gì khán giả thấy chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Có thể khoảnh khắc thăng hoa nhất của người nghệ sĩ thực chất là cái cắn môi chịu đựng hay giọt nước mắt chảy ngược vào trong.
Để có được thành công như vậy, không thể không kể đến công lao của người giảng viên dìu dắt, giúp đỡ. Nếu họ không nghiêm khắc, học trò sẽ không thể khá hơn, phát triển trở thành nghệ sĩ hoàn hảo được. Hi vọng qua những tấm ảnh chân thực trên, chị em sẽ tự có một câu trả lời cho chính mình rằng liệu người giảng viên vụt học trò là đúng hay sai.