Thứ 5 xin nghỉ, thứ 7 nằng nặc đòi lương, nàng công sở bị dân mạng mắng té tát vì thiếu chuyên nghiệp
“Làm gì mà mới nộp thứ 5 đến thứ 7 đã đòi lương rồi. Tôi nộp đơn nửa tháng trời mà không thấy động tĩnh gì, hỏi sếp thì nhận được câu trả lời là anh chưa ký”.
Câu chuyện lương lậu sau khi nghỉ việc vẫn luôn là đề tài muôn thuở, gây nên nhiều uất hận cho dân công sở. Đối với những công ty lớn, làm việc có quy trình rõ ràng, quy định rành mạch thì không cần nói tới; tuy nhiên, vẫn tồn tại một số công ty, doanh nghiệp có “sở thích” kỳ kèo từng đồng lương của nhân sự đã nghỉ việc. Điều này ít nhiều gây nên những ấn tượng không mấy tốt lành giữa người lao động và công ty sau khi “chia tay” nhau.
Tiếp nối mạch câu chuyện “đòi lương” sau khi nghỉ việc, mới đây trong một hội nhóm quy tụ đông đảo người dùng mạng là nhân viên văn phòng, một thành viên đã có dịp chia sẻ sự ức chế đến cùng cực vì bị công ty kỳ kèo lương sau khi nghỉ việc. Cụ thể, thành viên này tâm sự:
“Mình vừa xin nghỉ luôn hồi hôm thứ 5 vừa rồi mà tới hôm qua mình gọi lên công ty, ông Sếp vẫn chưa ký tờ giấy xin nghỉ cho mình. Hôm thứ 7, mình chờ tờ giấy ấy được ký để lấy lương mà bên nhân sự vừa cười vừa bảo quên đưa ký. Hôm qua, mình gọi thẳng ông Sếp, hỏi đã ký giùm chưa thì ông ấy còn lơ mơ bảo để kêu tụi lính đem lên ký.
Nghe vậy, mình nói khi nào xong thì nhờ bên nhân sự gọi mình lên nhận. Ông ấy cũng ậm à ậm ờ, nghe phát mệt (sở dĩ mình gấp đến như vậy là vì thứ 5 mình bay đi nhận việc chỗ khác mà giờ trong túi không còn 1 đồng). Tóm lại, các bạn cho mình ý kiến phải nên làm gì đây, lên thẳng công ty gọi tiếp cho ông sếp hay như thế nào chứ cứ thế này mãi mình thấy kém sang lắm”.
Ngay sau khi được đăng tải, những dòng chia sẻ của “khổ chủ” ngay lập tức nhận được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Rất nhiều bình luận đã được để lại; tuy nhiên, không phải là những lời động viên hay chia sẻ mà thay đó là rất nhiều ý kiến chỉ ra cái sai của chủ nhân bài viết trong trường hợp này:
“Tính từ ngày nộp đơn nếu công ty không giải quyết thì cứ chờ đủ 30 ngày rồi lên đòi tiền. Ở đây công ty bạn trả lời theo kiểu ậm ờ nên nhiều khi gây ức chế cho người lao động, chứ thực ra bạn nộp đơn xin nghỉ vào thứ 5 mà thứ 7 đòi tiền lương với thứ 2 gọi Giám đốc thì đại đa số công ty thủ tục còn chưa ký xong chứ đừng nói tới chuyện tất toán tiền lương”.
“Làm gì mà mới nộp thứ 5 đến thứ 7 đã đòi giải quyết rồi. Tôi nộp đơn nửa tháng trời mà không thấy động tĩnh gì, hỏi sếp thì nhận được câu trả lời là anh chưa ký”.
“Nhưng nghỉ đúng thì cũng phải một tháng hay như nào chứ, chứ nghỉ gấp mấy ai trả lương”.
Như dân mạng đã chỉ ra cũng như có những phân tích rất xác đáng, nếu đúng như những gì chủ nhân bài đăng đã kể, thì thời hạn xin nghỉ việc chỉ vừa mới diễn ra có vài ngày. Trong khi đó, theo như luật định, người lao động cần báo trước 30 đến 45 ngày tùy theo thời hạn hợp đồng.
Về phần mình, công ty trên cũng không phải không có điều gì đáng trách. Trong công việc, cấm kỵ nhất chính là sự qua loa, mập mờ nhưng công ty đã ậm ờ và chưa thật sự phối hợp chặt chẽ với nhau để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Về phần mình, chẳng may có bị công ty kỳ kèo lương sau khi nghỉ việc, chị em cũng nên bình tĩnh để có thể giải quyết tuần tự một cách chuyên nghiệp. Bởi sự chuyên nghiệp không chỉ cần được thể hiện trong quá trình chúng ta làm việc mà những ngày sau đó cũng vậy.