Tâm sự của người mẹ 2 năm trời nuôi con bệnh tim nặng: "Nếu không có phòng công tác xã hội, con tôi khó sống đến giờ"
Mang bệnh tim bẩm sinh, đã có thời điểm con trai chị Thu bị nhiễm trùng máu nặng. Biết được hoàn cảnh gia đình chị, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã tìm mọi cách hỗ trợ bệnh nhi qua giai đoạn ngặt nghèo.
3 tháng tuổi, Nguyễn Ngọc Nhã Uyên (2 tuổi, quê Khánh Hòa) phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Kể từ đó, chị Nguyễn Thị Thu bắt đầu hành trình chữa bệnh cho con đầy gian nan. Từ quê nhà, người phụ nữ đưa bé gái đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) điều trị nhưng tình trạng không mấy khả quan.
Tháng 8/2017, chị Thu quyết định chuyển bé Uyên đến BV Chợ Rẫy, khi kinh tế gia đình ngày một kiệt quệ. Biết được tình cảnh của hai mẹ con, phòng Công tác xã hội (CTXH) của BV đã tìm cách hỗ trợ họ.
Bé Uyên đã có 2 năm điều trị bệnh tim bẩm sinh.
"Lúc đó biết chuyện, phòng CTXH đã giúp bé Uyên chi phí phẫu thuật van động mạch phổi cho bé. Tới tháng 12 khi con tôi bị nhiễm trùng máu nặng, anh trưởng phòng CTXH gọi điện xuống tận nơi hỏi han, tạo điều kiện hết mình để tôi làm giấy xin giấy xác nhận khó khăn, sau đó hỗ trợ viện phí mua thuốc, chích kháng sinh. Nếu phòng CTXH không có tâm, con tôi chắc khó sống được" - chị Thu tâm sự.
Ngồi tại sảnh lãnh thuốc bảo hiểm y tế, chị Trần Thị Mai (44 tuổi, quê Bình Phước) bày tỏ lòng biết ơn vô hạn các y bác sĩ BV. Bé Thái Nhật Hồ (10 tuổi, con trai chị Mai) đã có 7 năm điều trị tại khoa Phẫu thuật tim của BV. Vợ làm công nhân, chồng làm mướn lại phải nuôi thêm con trai lớn đang tuổi ăn học, gia cảnh của chị vô cùng khó khăn.
Nhờ truyền thông kêu gọi, bé Thái Nhật Hồ đã có chi phí cho ca phẫu thuật mới đây.
Biết chuyện, phòng CTXH đã nhờ báo đài đến ghi nhận hoàn cảnh. Nhờ vậy, bé Hồ đã có chi phí để thực hiện ca phẫu thuật mới đây. Sau mổ, sức khỏe bé ổn định, nhịp tim dần bình thường lại.
Đó là câu chuyện của hai trong hàng trăm bệnh nhân đến tham dự ngày Chủ nhật chia sẻ yêu thương lần 7, cũng là dịp kỷ niệm ngày CTXH Việt Nam, diễn ra vào sáng 18/3.
Nhân viên phòng CTXH trao những phần sữa cho bệnh nhân.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH, BV Chợ Rẫy chia sẻ, với phương châm làm những gì có lợi nhất cho người nghèo, nơi đây đã trở thành điểm tựa cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm, mạnh thường quân với người bệnh nghèo.
Chương trình Chủ nhật chia sẻ yêu thương lần 7 tại BV Chợ Rẫy.
Trong 9 năm qua, phòng CTXH đã vận động được 53,4 tỷ đồng từ hơn 3.000 nhà hảo tâm, giúp đỡ hơn 17.000 lượt người bệnh với tổng số tiền giúp đỡ là 70 tỷ đồng, hỗ trợ 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày...
9 năm qua, phòng CTXH đã giúp đỡ cho hàng ngàn trường hợp bệnh nhân.
Trong năm 2017, phòng CTXH đã tổ chức thành công 5 chương trình Chủ nhật chia sẻ yêu thuơng, thực hiện định kỳ 2 tháng/lần. Bên cạnh tổ chức tại sảnh tầng trệt, các tình nguyện viên đã đến tận giường bệnh nhân tại các khoa Chấn thương sọ não, Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Ngoại thần kinh để cắt tóc, gội đầu cho những bệnh nhân nặng.
Các tình nguyện viên cắt tóc cho bệnh nhân.
Giáo sư Nguyễn Văn Khôi, người xuyên suốt và chỉ đạo phòng CTXH từ ngày đầu thành lập đến nay tâm sự, ông nhớ mãi trường hợp một cụ ở miền Bắc vào đây điều trị bệnh. Dù rất nghèo nhưng sau khi khỏe mạnh trở về quê, năm nào ông cũng cố gắng gởi 1 thùng mì tôm cho phòng CTXH. Dần dần, đã có rất nhiều tổ chức đến BV quyên góp giúp đỡ.
Bệnh nhân được gội đầu sạch sẽ, gọn gàng hoàn toàn miễn phí.
Nhiều người cho biết đây mới là lần đầu tiên họ nhìn thấy hoạt động ý nghĩa này trong BV.
Cô gái Nguyễn Thị Thúy Linh sefie khi vừa gội đầu xong.
"Ngày xưa tôi ước bệnh nhân lớn tuổi, tha hương, khó khăn phải nằm hành lang được cắt tóc, được cắt móng tay gội đầu, được chia sẻ từng việc nhỏ nhất. Ngày nay anh Hiển đã làm được qua chương trình Chủ nhật chia sẻ yêu thương và thậm chí còn có những suất ăn đặc biệt cho họ.
Mới đây, một ca cần ghép tim nhưng trong người chỉ có vỏn vẹn 30 triệu đồng. Khi các y bác sĩ nói với tôi rằng bệnh nhân muốn bán nhà chữa bệnh tôi ngăn cản ngay, bảo rằng chuyện tiền nong tính sau, phải lo mạng họ trước đã. Nhờ nỗ lực kêu gọi, bệnh nhân sau đó được cứu" - GS Khôi kể.
Suốt những năm đã qua, phòng CTXH BV Chợ Rẫy luôn làm theo phương châm của GS Nguyễn Văn Khôi: Không để người bệnh bán bàn thờ để chữa bệnh.
Theo GS Khôi, với bệnh nhân đã nằm trên giường, bận áo blouse trắng thì phải kính trọng, dù đó là người lớn tuổi hay chỉ là một cậu bé. Ông luôn nhắc nhở các nhân viên CTXH phương châm cuộc đời mình, rằng “Không để người bệnh bán bàn thờ để chữa bệnh”.