Suốt 4 tiếng bác sĩ gồng mình giữ chân, cứu mạng người đàn ông bị máy xúc đè lúc nửa đêm
Xác định nguy cơ bệnh nhân có thể mất chân và mất cả tính mạng nếu không được phẫu thuật kịp thời, các bác sĩ đã gạt đi những thủ tục không cần thiết để làm nên ca mổ ngoạn mục lúc nửa đêm.
Bác sĩ Trần Chí Khôi, khoa Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, vừa qua anh cùng các cộng sự đã trải qua một ca mổ rất cam go lúc nửa đêm để cứu một bệnh nhân bị tai nạn trong lúc lao động rất nặng. Người đàn ông bị chiếc máy xúc đè ngang chân gây nên vết thương ghê rợn.
Chiếc chân bị chấn thương rất nặng của bệnh nhân.
Gạt mọi quy trình không cần thiết, đưa ngay bệnh nhân vào cấp cứu
Hồ sơ bệnh án ghi nhận lúc 23h ngày 1/8, một bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới ở Bình Dương vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Nhận tín hiệu cảnh báo bệnh nhân đang bị choáng chấn thương có khả năng nguy hiểm đến tính mạng, hầu hết nhân lực của tua trực cấp cứu dồn toàn bộ sự tập trung vào nạn nhân này.
Bệnh nhân được truyền tĩnh mạch, thở oxy, dùng thuốc, đo huyết áp, lấy máu và nước tiểu để xét nghiệm.
Nhân viên y tế người xả garot để tiến hành garot lại nhằm hạn chế mất máu cho nạn nhân, người liên lạc ngay với khoa xét nghiệm để xin kết quả khẩn cũng như dự trù máu truyền cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Đồng thời, phòng mổ cũng được thông báo điều tiết các ca mổ nhẹ khác nhằm mục đích phải có phòng mổ trống để đưa bệnh nhân này vào.
"Bỏ qua khâu thủ tục hành chánh vòng ngoài không cần thiết, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng cấp cứu. Một nhóm điều dưỡng có nhiệm vụ tiếp xúc người nhà đề khai thác thủ tục hành chính vì chắc chắn bệnh nhân này sẽ phải được đưa vào phòng mổ khẩn cấp sau khi có kết quả xét nghiệm.
Mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng được thực hiện rất nhịp nhàng và chính xác. Các bác sĩ trực hội chẩn toàn tua trực, thăm khám kỹ để đảm bảo không chi tiết nào bị bỏ qua, siêu âm mạch máu tại giường, các y lệnh liên tục được đưa ra" - bác sĩ cho biết.
Ảnh chụp tình trạng chấn thương cẳng chân của bệnh nhân.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân là người đàn ông 41 tuổi, khi đang lái xe cuốc đất từ thùng xe tải xuống thì xe xúc bị lật đè vào chân.
Bệnh nhân được đưa vào sơ cứu tại tuyến dưới và chuyển lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vào giờ thứ 3 với vết thương dập nát đùi cẳng bàn chân trái rất dơ, lộ hẳn khớp gối ra ngoài.
Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân được bù dịch tốc độ nhanh, thuốc kháng sinh phổ rộng, giảm đau đa mô thức, chích ngừa và dùng thuốc cầm máu.
4 tiếng đắn đo "dũng cảm" để giữ chân, giữ mạng bệnh nhân
Sau khi hội chẩn toàn bộ bác sĩ tua trực và bác sĩ trực lãnh đạo bệnh nhân được chẩn đoán vết thương dập nát chân trái, trật hở khớp gối trái, đe dọa choáng chấn thương.
Bác sĩ Khôi nhận định, đây là một tổn thương chi nghiêm trọng do năng lượng chấn thương rất cao gây tổn thương nặng nề phần mềm và xương khớp của bệnh nhân. Môi trường tai nạn rất dơ vì có rất nhiều đất cát, dầu nhớt và các loại ngoại vật khác xâm nhập vào cơ thể.
Bệnh nhân được chẩn đoán vết thương dập nát chân trái, trật hở khớp gối trái.
Đôi khi những trường hợp này để cứu tính mạng của bệnh nhân, đội ngũ y tế phải chấp nhận đoạn chi ngay thì đầu vì nếu để lâu hội chứng thuyên tắc cũng như hội chứng sốc nhiễm trùng và nhiễm độc sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của bệnh nhân.
Nhưng bệnh nhân còn trong độ tuổi lao động, sau lưng bệnh nhân còn cha mẹ, con và người vợ đang mang thai sắp sanh. Nếu mất chân chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lao động nuôi gia đình.
Đây là một tình huống rất khó để đưa ra một quyết định điều trị mang tính nhân văn cho cả bệnh nhân và cho đội ngũ y tế.
"Về mặt pháp lý người nhà bệnh nhân phải ký vào giấy chấp nhận bỏ chân nếu trường hợp xấu nhất xảy ra thì mới được phẫu thuật.
Tuy nhiên lúc này chỉ có bạn bè của bệnh nhân, người nhà phải 2 tiếng nữa mới đến kịp mà thời gian bây giờ chỉ tính bằng phút. Chúng tôi bắt buộc bỏ qua khâu pháp lý để đưa bệnh nhân vào phòng mổ và chấp nhận để người nhà ghi hồ sơ sau" - bác sĩ kể tiếp.
0 giờ ngày 2/8 sau khi được phòng xét nghiệm "thông báo miệng" các chỉ số không có gì bất thường và máu cùng nhóm máu của bệnh nhân đã sẵn sàng, bệnh nhân lập tức được đưa vào phòng mổ.
Trên đường di chuyển vào phòng mổ, bạn bè bệnh nhân liên tục năn nỉ rằng bằng mọi giá nhờ BS cứu chân của bệnh nhân đã vô tình tạo một áp lực rất lớn lên ekip phẫu thuật gây mê hồi sức. Bác sĩ gây mê "dũng cảm" đưa bệnh nhân lên bàn mổ và chọn phương pháp đặt nội khí quản thay vì tê tủy sống khi chưa có kết quả xét nghiệm vào hồ sơ.
Ekip điều trị xác định bằng mọi giá phải gây mê càng sớm càng tốt vì bệnh nhân được phẫu thuật sớm giờ nào thì khả năng giữ lại chân càng cao. Nếu để lâu, tình trạng trật khớp gối đè ép lên mạch máu vùng gối kéo dài thì chân càng dễ bị hoại tử.
Trong quá trình phẫu thuật, ekip mổ không đặt garot cầm máu như thường quy vì sợ rằng garot làm nặng hơn tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ mất thêm nhiều máu trong lúc mổ và tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nếu không bù máu kịp.
Chiếc chân sau khi được phẫu thuật cắt lọc hoại tử, nắn trật khớp gối.
Bệnh nhân được bơm rửa với khoảng 15 lít nước muối pha betadin. Sau khi rửa xong, dưới thau rửa đóng một lớp đất cát dày khoảng hơn 1cm.
Các bác sĩ đã cắt lọc cẩn thận mô dập nát, nắn trật lại khớp gối và xuyên đinh cố định khớp gối. Ekip thở phào nhẹ nhõm vì tình trạng tưới máu chân phục hồi khả quan. Ca mổ hoàn tất lúc 3 giờ sáng. Bệnh nhân được truyền gần 2 lít máu.
Chân sau 1 tuần phẫu thuật.
"Lúc này chúng tôi mới thấy mệt. Cái mệt len lỏi vào từng thớ thịt trên cơ thể. Thật sự chỉ muốn nằm xuống tại chỗ để ngủ, nhưng ánh mắt của từng nhân viên phòng mổ thì rạng ngời vì mừng rỡ. Có lẽ ông trời không nỡ phụ lòng người" - bác sĩ Khôi tâm sự.
Hiện tại sau hơn 10 ngày điều trị, chân của bệnh nhân đã chắc chắn giữ được. Tuy nhiên theo các bác sĩ, người đàn ông còn phải trải qua một vài lần phẫu thuật cắt lọc và ghép da nữa để hồi phục một cách tốt nhất.