Bác sĩ Sài Gòn chạy xe luồn lách hẻm nhỏ cứu người phụ nữ 37 tuổi, mang thai lần 4 bị xuất huyết lâm nguy

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Cận ngày sinh, thai phụ 37 tuổi bất ngờ xuất huyết, đau bụng dữ dội nhưng nhà cô lại ở trong hẻm nhỏ, xe cấp cứu lớn khó mà đến kịp. Trước tình hình cấp bách, hai y bác sĩ đã quyết định dùng xe máy để tìm đến cứu mạng bệnh nhân.

Đó là trường hợp của chị Mai (37 tuổi, ngụ quận 4, tên đã thay đổi).

Thời điểm xảy ra sự việc, người phụ nữ đang mang thai đứa con thứ tư ở tuần 31 nhưng bất ngờ xuất huyết và đau bụng dữ dội.

Tuy nhiên, nhà bệnh nhân lại ở trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, xe cứu thương không thể vào nhanh. Nếu tự đưa đến bệnh viện (BV), e rằng mọi thứ đã quá muộn.

Bác sĩ Sài Gòn chạy xe luồn lách hẻm nhỏ cứu người phụ nữ 37 tuổi, mang thai lần 4 bị xuất huyết lâm nguy - Ảnh 1.

Xe cấp cứu hai bánh thí điểm tại BV Đa khoa Sài Gòn.

Nhận được tin báo và xác định tình huống bệnh nhân lâm nguy, BV Đa khoa Sài Gòn đã cử đồng thời cả xe máy lẫn ô tô cứu thương lên đường. 

Hơn 5 phút, 2 nhân viên y tế đi xe máy được trang bị đầy đủ dụng cụ cấp cứu cơ bản đã có mặt ở nhà bệnh nhân.

Sau khi thăm khám, các BS xác định thai phụ bị dọa sinh non, nhau tiền đạo và tình trạng càng nguy hiểm khi đã mang thai nhiều lần. 

Ekip điều trị tiến hành đánh giá sinh hiệu, đặt đường truyền bù dịch hạn chế sốc mất máu, xử trí sơ cứu ban đầu. Lúc này sau khi tình trạng đã cải thiện, xe ô tô cứu thương cũng kịp thời đến đưa bệnh nhân vào BV Từ Dũ.

Bác sĩ Sài Gòn chạy xe luồn lách hẻm nhỏ cứu người phụ nữ 37 tuổi, mang thai lần 4 bị xuất huyết lâm nguy - Ảnh 2.

Một ca đỡ đẻ cho sản phụ mang máu hiếm tại BV Từ Dũ.

BS Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn cho biết, đây là một trong hàng chục trường hợp bệnh nhân được hỗ trợ bằng xe cứu thương hai bánh mà BV thử nghiệm trong vài tuần nay.

Cụ thể từ ngày 7/11 đến nay, nơi đây tiếp nhận 67 trường hợp cấp cứu ngoại viện, trong đó 26 trường hợp xuất xe máy. 

Với những ca cấp cứu xe máy, có 9 trường hợp xử trí sơ cứu, kê toa tại chỗ, còn lại 17 ca phải chuyển đến các BV bằng xe ô tô cứu thương.

Bác sĩ Sài Gòn chạy xe luồn lách hẻm nhỏ cứu người phụ nữ 37 tuổi, mang thai lần 4 bị xuất huyết lâm nguy - Ảnh 3.

Sau vài tuần thí điểm, 26 trường hợp xe máy cứu thương tiếp cận cứu bệnh nhân.

Khi người nhà gọi cấp cứu báo bệnh rất nặng, cần có mặt xử trí kịp thời nhưng nhà ở đường nhiều hẻm hoặc trong giờ cao điểm, kíp trực cử đồng thời cả xe 2 bánh lẫn 4 bánh.

Điều này để đảm bảo bác sĩ tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất và sẵn sàng phương tiện chuyển viện sau đó. Thời gian tiếp cận bệnh nhân bằng xe máy khoảng trong 5 phút.

"Người dân TP HCM ban đầu tuy có ngỡ ngàng, ngạc nhiên nhưng sau đó đều đồng tình, ủng hộ đội cấp cứu bằng xe máy vì luôn có mặt nhanh chóng. Có người khi gọi điện cấp cứu đã chủ động yêu cầu đội bác sĩ đi bằng xe 2 bánh" - BS Vui nói.

Trước hiệu quả bước đầu của xe cứu thương hai bánh, nhiều BV trên địa bàn TP.HCM cũng mong muốn được thí điểm loại hình này.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 chia sẻ, hiện nay số cuộc gọi cấp cứu đến viện tăng nhanh, địa bàn nhiều hẻm chằng chịt, kẹt xe ở các cửa ngõ xung quanh khiến 3 chiếc ô tô cứu thương của viện chưa thể đảm bảo.

Bác sĩ Sài Gòn chạy xe luồn lách hẻm nhỏ cứu người phụ nữ 37 tuổi, mang thai lần 4 bị xuất huyết lâm nguy - Ảnh 4.

Loại hình cấp cứu xe máy thể hiện rõ ưu thế trong việc tiếp cận hiện trường nhanh, tiết kiệm được chi phí.

Có hôm trời mưa gió, không còn xe cấp cứu, y bác sĩ phải xách túi dụng cụ lên taxi đến nhà bệnh nhân giải quyết sơ cứu trước rồi đợi xe của viện đến sau.

Hiện BV Quận 2 đã đặt may 30 bộ đồng phục cấp cứu, đảm bảo đủ nhân lực y bác sĩ nếu tăng cường cấp cứu xe máy.

Các BV khác như BV quận Thủ Đức, Quận 1, Quận 4 cũng bày tỏ mong muốn được triển khai thí điểm cấp cứu bằng xe máy vì số cuộc gọi đến viện tăng, chưa đáp ứng nhu cầu người dân, kẹt xe...

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM cho biết tiêu chí của trung tâm là tiếp cận cấp cứu người dân trong 10 phút trở lại nhưng nhiều trường hợp vẫn chưa thể đảm bảo do các trạm vệ tinh còn quá thưa, trở ngại giao thông... Xe cấp cứu hai bánh được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể thời gian tiếp cận bệnh nhân.

Bác sĩ Sài Gòn chạy xe luồn lách hẻm nhỏ cứu người phụ nữ 37 tuổi, mang thai lần 4 bị xuất huyết lâm nguy - Ảnh 5.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM lưu ý khi thời tiết xấu và đêm tối, BV cần xuất xe cấp cứu 4 bánh để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế.

Hiện các xe máy cấp cứu được trang bị một số thuốc, thiết bị cần thiết cấp cứu như nẹp cổ, máy hút đàm, máy đo đường huyết, máy sốc điện... 

Thời gian tới, xe máy cấp cứu có thể được trang bị thêm máy đo điện tim, miếng pad sốc điện tự động, đồng phục mũ bảo hiểm, áo khoác cho đội cấp cứu xe máy...

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định sau 3 tuần triển khai, loại hình cấp cứu xe máy thể hiện rõ ưu thế trong việc tiếp cận hiện trường nhanh, tiết kiệm được chi phí, về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. 

Tuy vậy ông Thượng chỉ đạo các đơn vị cần tiếp tục thí điểm trong 1-2 tháng để hoàn thiện quy trình, tính toán giá cả hợp lý trước khi có thể triển khai chính thức toàn thành phố. Ngoài ra y bác sĩ lái xe hai bánh cần tuân thủ luật lệ giao thông khi di chuyển. 

Trong điều kiện thời tiết xấu, đêm khuya cần huy động ô tô để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế.

Chia sẻ