Rộn ràng lễ trung thu khắp các nước Châu Á
Tết trung thu không chỉ được trông đợi ở Việt Nam mà còn rất có ý nghĩa ở nhiều quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Việt Nam
Tết Trung thu là ngày tết vô cùng quan trọng ở Việt Nam. Tổ chức vào đúng ngày ngày 15 tháng Tám âm lịch hàng năm, Tết trung thu ở Việt Nam được coi như tết của trẻ em, là dịp các em nhỏ được người lớn tặng đồ chơi. Những chiếc đèn ông sao, mặt na, bánh dẻo bánh nướng là những hình ảnh quen thuộc của Tết trung thu tại Việt Nam.
Cùng với thời gian, trung thu ngày nay đã hiện đại hơn rất nhiều nhưng nhiều nơi vẫn đón Tết trung thu theo tập tục truyền thống, nhà nhà quay quần bên mâm cỗ cúng rằm, phá cỗ xong cùng nhau rước đèn ngắm trăng.
Trung Quốc
Một trong những nước ăn tết Trung thu "to có tiếng" ở Châu Á chính là Trung Quốc. Có nhiều sự tích khác nhau về tết Trung thu ở Trung Quốc, chỉ biết rằng kể từ khoảng đời Đương, vua chúa Trung Quốc làm lễ tế trăng vào dịp ngày rằm tháng 8 hàng năm. Ở Trung Quốc, tết trung thu còn được có tên là Bát nguyệt hội, và cũng được coi như là Tết đoàn viên.
Người dân nước Trung quốc thường đón tết Trung thu bằng cách lập bàn thưởng trăng, mọi người chúc tụng với nhau những lời tốt đẹp. Đây cũng là một tết đoàn viên trong mỗi gia đình người Trung Quốc.
Tết Trung thu ở Hàn Quốc là một trong hai dịp lễ lớn nhất năm, người dân Hàn Quốc luôn được nghỉ 3 ngày mỗi dịp rằm tháng Tám. Ngày lễ Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là chuseok bắt nguồn từ thời vương quốc Silla (cách đây hơn 2000 năm) với ý nghĩa mừng mùa màng bội thu, là ngày sum họp của toàn bộ các thành viên trong đại gia đình. Người dân Hàn Quốc thường chuẩn bị mâm cúng cho ngày Tết trung thu rất thịnh soạn và cầu kỳ.
Nhật Bản
Giống như người Hàn Quốc, ngày lễ trung thu tại Nhật Bản cũng mang ý nghĩa như một dịp bày tỏ lòng biết ơn với trời đất cho một mùa gặt thàng công. Ngày lễ trung thu ở Nhật Bản gắn liền với sự tích về chú thỏ trắng và bánh gạo là món bánh truyền thống mỗi dịp rằm tháng Tám.
Mặc dù, sau thời Minh Trị Duy Tân (khoảng cuối thế kỷ 19), Nhật Bản đã hủy bỏ nông lịch, đổi thành dương lịch, nhưng cho đến nay khắp nơi trên đất nước Nhật Bản vẫn còn gìn giữ tập tục ngắm trăng vào đêm Trung thu, một vài tự viện và đền thờ vẫn tổ chức hội ngắm trăng đặc biệt vào dịp lễ này.
Thái Lan
Quay trở lại với những nước trong khu vực Đông Nam Á, đất nước láng giềng Thái Lan cũng rộn ràng đón “Tết cầu trăng” vào ngày này. Trên khắp đất Thái người ta tổ chức lễ cúng trăng và mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu.
Người Thái cũng tổ chức lễ Trung thu vào đúng ngày 15/8 âm lịch.
Theo quan niệm của người Thái, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang quả đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác, đồng thời chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người. Người Thái thường ăn bưởi trong dịp Tết trung thu vừa bởi đúng mùa thu hoạch vừa là tượng trưng cho sự viên mãn, sum vầy.
Myanmar
Ở Myanmar, Tết Trung thu, hay còn được gọi là "Lễ trăng tròn" hay “Tiết quang minh”. Đêm rằm, đèn lồng được thắp sáng rực khắp thành phố và mọi nhà, đồng thời với đó là nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt, những buổi biểu diễn lớn vào ngày này.
Malaysia
Malaysia cũng là một trong những nước tổ chức lễ hội chào đón ngày rằm với các hoạt động như rước đèn lồng, múa lân… Tại thủ đô Kuala Lumpur, trung thu thường diễn ra trong một bầu không khí vô cùng náo nhiệt với sự tham gia của đông đảo người dân. Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8.
Singapore
Ở Singapore, lễ hội Trung thu thường được tổ chức bởi những người gốc Hoa. Tiệc đón trung thu của họ rất linh đình với những chiếc đèn lồng rực rỡ được trang trí khắp nơi, đi kèm với đó là những hoạt động thú vị như lễ hội thả đèn hoa đăng, đi cà kheo, nhảy múa, ca hát.
Trung thu rộn ràng nơi khu phố người Hoa tại Singapore.