10 địa điểm đi chơi Tết Trung thu tuyệt vời ở Hà Nội
Muốn mang đến cho các con một đêm trăng rằm ý nghĩa, các ông bố bà mẹ đang nóng lòng tìm kiếm những địa điểm đi chơi tết Trung thu thật thú vị.
Ngoài rước đèn, phá cỗ, Trung thu còn là dịp đi chơi, ngắm trăng bởi đây là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Ở Hà Nội, dù rằm tháng 8 mới là ngày chính hội nhưng trước đó cả tháng, không khí Trung thu đã tràn ngập khắp các con phố.
Muốn mang đến cho các con một đêm trăng rằm ý nghĩa, các ông bố bà mẹ đang nóng lòng tìm kiếm những địa điểm đi chơi tết Trung Thu thật thú vị. Dưới đây là một số gợi ý:
1. Phố cổ (13 – 19/9/2013)
Cứ vào dịp trung tuần tháng 8 âm lịch, dọc theo các con phố cổ của Hà Nội lại rực rỡ màu sắc của các món đồ Trung thu. Tại các khu vực chính như chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào sẽ liên tục diễn ra các lễ hội dân gian truyền thống.
Tuy nhiên, bạn nên có kế hoạch đến đây từ trước, bởi càng sát đến Trung thu, lượng người đổ về đông đúc tới mức xe cộ hầu như không thể lưu thông vào các khoảng thời gian cao điểm (từ chiều đến tối), điều này sẽ khó làm bạn thưởng thức được hết vẻ đẹp của mùa lễ hội.
2. Tràng Tiền Plaza (19/9/2013)
Với mong muốn mang đến cho các em nhỏ một Tết Trung thu trọn vẹn và nhiều ý nghĩa, ngày 19/9/2013 (tức ngày 15/8 âm lịch), tại TTTM Tràng Tiền, tổ chức cuộc thi “Họa sĩ đèn lồng” cho các em nhỏ.
Chương trình được bắt đầu: Từ 18h đến 21h
Dành cho các bé từ 6 - 7 tuổi
Giải thưởng:
Giải nhất: 1.000.000 (1 giải)
Giải nhì: 500.000 (1 giải)
Giải ba: 200.000 (2 giải)
Giải khuyến khích: 100.000 (10 giải)
Với nhiều phần quà tặng hấp dẫn từ các nhà tài trợ có gian hàng tại Tràng Tiền Plaza.
3. Công viên Hồ Tây (19/9/2013)
Nhằm tạo cho các em thiếu nhi một đêm hội ấn tượng và đáng nhớ nhất, Khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây tổ chức một chương trình nghệ thuật đặc biệt với tên gọi: “Vui hội trăng rằm”.
Thời gian diễn ra chương trình: 19h00 ngày 19/9/2013
Địa điểm: Sân khấu Trung tâm – Khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây
Chương trình “Vui hội trăng rằm” quy tụ rất nhiều ngôi sao nhí:
- Giọng hát Việt nhí năm 2013
- Nhóm múa “Cánh Diều Hồng”
- CLB Họa Mi và MC
- Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đến từ liên đoàn xiếc Việt Nam với các tiết mục: xiếc trăn, ảo thuật đặc sắc.
- Cùng nhiều nghệ sỹ, diễn viên đến từ Đội nghệ thuật 4 mùa – Công viên Hồ Tây.
Không gian của Khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây ngày hôm đó cũng sẽ được trang trí rực rỡ sắc màu, lunh linh huyền ảo với hàng dài những chiếc đèn lồng được treo khắp công viên. Các bé yêu chắc chắn sẽ ngạc nhiên và thích thú khi được nhìn thấy mâm ngũ quả thật lớn cùng rất nhiều bánh trái, hoa quả thơm ngon được những nghệ nhân sắp xếp bài trí đẹp mắt.
Trong một không gian rộng rãi và thoáng mát, dưới ánh trăng sáng, các bé yêu sẽ được thỏa sức tung tăng nhảy múa, vui đùa cùng những chú linh vật hoạt hình ngộ nghĩnh: Vịt Donal, Mickey, Heo mập, Ếch xanh ...
4. Thiên đường Bảo Sơn (19/9/2013)
Vào đúng đêm trăng rằm, Công viên Thiên đường tổ chức chương trình “Ánh sáng Thiên đường”. Chương trình có nội dung là một hoạt cảnh vui nhộn, đầy tính nhân văn và có tính giáo dục cao dựa theo câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ lem. Hoạt cảnh có tên gọi "Xứ sở thần tiên" với sự tham gia của nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long, Kim Oanh và các em nhỏ đến từ CLB Họa My, các nghệ sĩ của Liên đoàn xiếc Việt Nam, cùng với đó là màn bắn pháo hoa và trình diễn công nghệ Laser - nhạc nước, chiếu phim trên màn hình nước vô cùng độc đáo và hấp dẫn.
5. Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, nhà hát Tuổi Trẻ (15/9-19/9)
Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ dạo chợ quê; Ðánh mất mặt trăng; Vầng trăng diệu kỳ và Cổ tích cười - Ðêm hội trăng rằm là bốn chương trình mới Nhà hát Tuổi Trẻ “tung ra” tại rạp Tuổi Trẻ, Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Trong bốn chương trình ấy, Ðánh mất mặt trăng là vở kịch ngoài những yếu tố vui nhộn, hiện đại để hấp dẫn các em còn đặt ra câu hỏi đầy trách nhiệm: Nếu mặt trăng bị biến mất thì sao? Thế là các em đi tìm mặt trăng qua những trò chơi dân gian, những bài vè để tìm lại mâm ngũ quả và màn múa lân trong những đêm rằm tháng 8 ngày xưa.
Đánh mất mặt trăng - vở kịch thú vị với câu hỏi: Con người làm mặt trăng biến mất thì sao nhỉ? (Ảnh: Đức Triết)
Còn với chương trình Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ dạo chợ quê mà Nhà hát Tuổi Trẻ phối hợp với Ðông Ðô Show thực hiện (suất 9h, 18h, 20h ngày 15/9 và 18h, 20h ngày 19/9), các em sẽ được dịp vừa thưởng thức nghệ thuật múa rối, xiếc, kịch vui hay tài nghệ của Mai Ðình Tới với các loại kèn. Đồng thời vừa được thấy, được chơi trong một chợ quê có các gian hàng làm đèn thủ công, nặn tò he, đồ chơi truyền thống, góc ẩm thực...
6. Triển lãm Giảng Võ (14/9-18/9)
“Lễ hội Trung Thu” diễn ra trong 5 ngày từ ngày 14/9 đến ngày 18/9/2013 tại Nhà A2 – Trung tâm Triển lãm Giảng Võ.
Lễ hội tái hiện một lễ hội Trung truyền thống với nhiều hoạt động dân gian như đấu vật, thổi cơm thi, rước đèn, rước ông tiến sĩ giấy, các trò chơi, đồ chơi truyền thống dịp Trung thu. Bên cạnh đó, người tham gia còn được trải nghiệm với các hoạt động làm bánh, vẽ mặt nạ giấy bồi, làm đèn ông sao…
Lễ hội có khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, khu đặc sản ba miền, khu vui chơi cho trẻ em, các trò chơi dân gian, cổng ký ức với góc chụp ảnh trong trang phục xưa, khu đồ lưu niệm cùng nhiều hoạt động bên lề bổ ích, lí thú.
Đây là một sự kiện nhằm giữ gìn các nét đẹp trong văn hóa Việt Nam đồng thời tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp các sản phẩm thuần Việt có cơ hội tiếp xúc với thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, tìm kiếm những đối tác kinh doanh mới.
7. Công viên Thống Nhất (14/9-20/9)
"Hội chợ Trung thu và quà tặng 2013" sẽ được mở cửa từ ngày 14/9 đến hết ngày 20/9 tại Công viên Thống Nhất, cổng chính đường Trần Nhân Tông với các mặt hàng đa dạng như: các sản phẩm dệt may, dụng cụ chăm sóc sắc đẹp, các sản phẩm, thiết bị điện tử, các mặt hàng đồ chơi, bánh kẹo, đồ uống các loại,…
8. Triển lãm Vân Hồ (14 – 19/9/2013)
“Lễ hội Trung thu 2013” diễn ra tại Triển lãm Vân Hồ ở Hoa Lư, Hai Bà Trưng với nhiều hoạt động phong phú phú như trưng bày nghệ thuật sắp đặt chủ đề “Chú cuội trông trăng” với cây đa cách điệu làm bằng chất liệu vải và giấy, cùng với trâu, lân, sư tử, thỏ…được uốn thủ công, bồi giấy màu. CLB diều sáo lựa chọn những cánh diều sáo đẹp nhất từ hơn 20 bộ sưu tập diều sáo nổi tiếng để trưng bày tại lễ hội này.
Ngoài ra còn có các khu trò chơi dân gian: bịt mắt đập niêu, kéo co, nhảy bao bố, các tiết mục múa lân sư, xiếc, hài chọn lọc và nghệ thuật đặc biệt của Nhà hát Tuổi Trẻ.
9. Di tích của phố cổ
Ban quản lý Phố cổ vừa công bố loạt sự kiện đón Tết Trung thu tại 3 địa chỉ văn hóa đình (42-44 Hàng Bạc), đình (38 Hàng Đào) và Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây). Các hoạt động đón Trung thu ở phố cổ gồm giới thiệu đồ chơi bằng giấy bồi như mâm ngũ quả, mặt nạ bồi các loại, trưng bày đồ chơi dân gian làm đồ chơi bằng giấy như đèn ông sao, ông tiến sỹ, ông đánh gậy và đồ chơi bằng gỗ như con quay, nặn tò he…
Tại Ngôi nhà Di sản sẽ trưng bày không gian đón Tết Trung thu truyền thống của một gia đình Hà Nội, giới thiệu tranh dân gian Đông Hồ về đề tài thiếu nhi…
10. Mỹ Đình và bến Hàn Quốc
Những năm gần đây đây là nơi được rất nhiều người lựa chọn để vui chơi dịp Trung thu. Với không gian rộng mênh mông, cách xa khu dân cư sinh sống, đây thực sự là điểm lí tưởng để các ông bố bà mẹ cho các bé thả đèn trời. Nếu không muốn “lách cách” mang đèn đi trên đường thì tại những nơi này bố mẹ cũng có thể mua ngay một chiếc với giá khoảng 20.000 – 25.000đ. Sau đó bạn có thể cho bé viết ước mơ của mình gắn vào đèn, đốt bấc rồi thả đèn lên trời. Theo quan niệm của người lớn thì đèn trời tượng trựng cho ước mơ, đèn bay càng cao, càng xa thì ước mơ của bé càng dễ dàng thực hiện.
Đây là một trong những trò chơi thu hút khá nhiều ông bố bà mẹ bởi không phải chen chúc trong phố xá ồn ào, lại có thể mang đến cho bé niềm vui.