Mẹ chồng tôi - người phụ nữ suốt đời hy sinh
Cứ thế, cả đời bà mải miết chăm sóc, hy sinh cho các em, các con rồi lại đến các cháu...
Mẹ chồng tôi khá đẹp, cho đến bây giờ khi tuổi đã cao, nhưng những nét đẹp của thời con gái ấy vẫn còn lưu lại trên gương mặt của bà. Và phải chăng những phụ nữ đẹp thường gặp trắc trở trong hôn nhân? Mẹ chồng tôi thường bảo, cái tuổi của bà nó thế, dù thế nào thì cũng không tránh được.
Bà đã từng có một tình yêu đẹp kết thúc viên mãn bằng hôn nhân và kết quả là một cậu con trai - chồng của tôi bây giờ. Thế nhưng cuộc sống hôn nhân ấy lại gặp khá nhiều sóng gió và kết thúc không mấy tốt đẹp. Từ ngày về làm con dâu của mẹ, tôi cũng có được nghe một vài câu chuyện buồn của cuộc hôn nhân ấy từ những người họ hàng; nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe thấy một lời oán trách hay thù hận nào từ mẹ chồng tôi, mặc dù tôi biết trong tâm trí của bất kỳ ai cũng thật khó để quên đi những chuyện buồn ấy. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện giữa hai mẹ con, bà có nhắc đến cuộc hôn nhân ấy, nhưng chỉ kể toàn những điều tốt đẹp.
Mẹ chồng tôi là chị cả trong gia đình có 8 anh chị em. Và như một người chị, người mẹ, bà chăm sóc cho các em, các cháu rất tận tình. Cho đến bây giờ, khi mà 8 anh chị em của bà đều đã lập gia đình, có tổ ấm riêng của mình, nhưng cuối tuần nào cũng rủ nhau về chơi với bà. Và những lúc ấy, mẹ chồng tôi lại tất bật cơm nước, nghĩ ra đủ món cho các em, các cháu ăn; tất bật lo hết cơm trưa rồi lại đến cơm chiều. Hình ảnh của bà gắn liền với cái bếp đến nỗi đứa con gái mới 2 tuổi của tôi khi ai đến nhà hỏi "Bà nội đâu" thì câu trả lời đầu tiên của nó cũng là: "Bà ở dưới bếp". Tuy bận rộn, vất vả, nhưng tôi thấy dường như bà vui hơn, hạnh phúc hơn khi được làm điều gì đó cho những người thân của mình.
Các dì và các cậu tôi, mỗi lần có việc bận hoặc phải đi đâu xa, đều đưa con đến nhờ bà chăm sóc. Mẹ chồng tôi - như một người bà ngoại.
Vốn là một bác sĩ, vì vậy mà cứ khi nào trong gia đình, họ hàng có người ốm đau phải nằm viện là bà lại "như một chiến sĩ", sẵn sàng khăn gói vào bệnh viện chăm sóc cả tuần, cả tháng mà chưa bao giờ bà kêu ca một tiếng mệt mỏi hay phiền phức.
Tôi nhớ ngày tôi sinh con, vì vợ chồng tôi ở riêng nên ngày nào bà cũng tự đun nước rồi đèo can to can nhỏ nước sôi để nguội xuống nhà để tắm cho cháu. Bà bảo trẻ sơ sinh vốn quen với môi trường vô khuẩn trong bụng mẹ, chưa quen với môi trường sống bên ngoài nên phải tắm bằng nước đun sôi để nguội cho an toàn.
Cứ thế, cả đời bà cứ mải miết chăm sóc, hy sinh cho các em, các con rồi lại đến các cháu.
Bây giờ mẹ chồng tôi đã về hưu, nhưng người phụ nữ ấy ít khi chịu ngơi chân ngơi tay và vẫn không ngừng học hỏi. Bà chăm chỉ đi chùa hàng tháng, tìm đọc và học hỏi kinh Phật, tham dự lớp yoga để giữ gìn sức khỏe, đều đặn mỗi sáng dậy đi bộ dù mùa đông hay mùa hè. Bà bảo, phải khỏe thì mới có sức để làm nhiều việc khác và không ốm đau, con cháu đỡ vất vả.
Quen với hình ảnh mẹ chồng lúc nào cũng tất bật với đủ mọi việc, vì vậy tôi yêu những khoảnh khắc bình yên khi thấy bà ngồi đọc kinh Phật hay đôi lúc hiếm hoi nằm nghe những Anh Thơ, Thu Hiền hát những bài hát gắn liền với thời của bà.
Bà đã từng có một tình yêu đẹp kết thúc viên mãn bằng hôn nhân và kết quả là một cậu con trai - chồng của tôi bây giờ. Thế nhưng cuộc sống hôn nhân ấy lại gặp khá nhiều sóng gió và kết thúc không mấy tốt đẹp. Từ ngày về làm con dâu của mẹ, tôi cũng có được nghe một vài câu chuyện buồn của cuộc hôn nhân ấy từ những người họ hàng; nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe thấy một lời oán trách hay thù hận nào từ mẹ chồng tôi, mặc dù tôi biết trong tâm trí của bất kỳ ai cũng thật khó để quên đi những chuyện buồn ấy. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện giữa hai mẹ con, bà có nhắc đến cuộc hôn nhân ấy, nhưng chỉ kể toàn những điều tốt đẹp.
Mẹ chồng tôi là chị cả trong gia đình có 8 anh chị em. Và như một người chị, người mẹ, bà chăm sóc cho các em, các cháu rất tận tình. Cho đến bây giờ, khi mà 8 anh chị em của bà đều đã lập gia đình, có tổ ấm riêng của mình, nhưng cuối tuần nào cũng rủ nhau về chơi với bà. Và những lúc ấy, mẹ chồng tôi lại tất bật cơm nước, nghĩ ra đủ món cho các em, các cháu ăn; tất bật lo hết cơm trưa rồi lại đến cơm chiều. Hình ảnh của bà gắn liền với cái bếp đến nỗi đứa con gái mới 2 tuổi của tôi khi ai đến nhà hỏi "Bà nội đâu" thì câu trả lời đầu tiên của nó cũng là: "Bà ở dưới bếp". Tuy bận rộn, vất vả, nhưng tôi thấy dường như bà vui hơn, hạnh phúc hơn khi được làm điều gì đó cho những người thân của mình.
Các dì và các cậu tôi, mỗi lần có việc bận hoặc phải đi đâu xa, đều đưa con đến nhờ bà chăm sóc. Mẹ chồng tôi - như một người bà ngoại.
Vốn là một bác sĩ, vì vậy mà cứ khi nào trong gia đình, họ hàng có người ốm đau phải nằm viện là bà lại "như một chiến sĩ", sẵn sàng khăn gói vào bệnh viện chăm sóc cả tuần, cả tháng mà chưa bao giờ bà kêu ca một tiếng mệt mỏi hay phiền phức.
Tôi nhớ ngày tôi sinh con, vì vợ chồng tôi ở riêng nên ngày nào bà cũng tự đun nước rồi đèo can to can nhỏ nước sôi để nguội xuống nhà để tắm cho cháu. Bà bảo trẻ sơ sinh vốn quen với môi trường vô khuẩn trong bụng mẹ, chưa quen với môi trường sống bên ngoài nên phải tắm bằng nước đun sôi để nguội cho an toàn.
Cứ thế, cả đời bà cứ mải miết chăm sóc, hy sinh cho các em, các con rồi lại đến các cháu.
Bây giờ mẹ chồng tôi đã về hưu, nhưng người phụ nữ ấy ít khi chịu ngơi chân ngơi tay và vẫn không ngừng học hỏi. Bà chăm chỉ đi chùa hàng tháng, tìm đọc và học hỏi kinh Phật, tham dự lớp yoga để giữ gìn sức khỏe, đều đặn mỗi sáng dậy đi bộ dù mùa đông hay mùa hè. Bà bảo, phải khỏe thì mới có sức để làm nhiều việc khác và không ốm đau, con cháu đỡ vất vả.
Quen với hình ảnh mẹ chồng lúc nào cũng tất bật với đủ mọi việc, vì vậy tôi yêu những khoảnh khắc bình yên khi thấy bà ngồi đọc kinh Phật hay đôi lúc hiếm hoi nằm nghe những Anh Thơ, Thu Hiền hát những bài hát gắn liền với thời của bà.