'Phớt lờ' chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân suýt mất mạng vì vỡ mạch máu não
Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được bác sĩ chẩn đoán bị vỡ mạch máu não. Theo bệnh sử, người bệnh bị cao huyết áp nhưng không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Ngày 26/6, BS.Phạm Định Chương, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị đột quỵ. Bệnh nhân là bà L.T.B. (63 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, lơ mơ, yếu nửa người bên phải.
Bà B. được chẩn đoán bị cao huyết áp đã nhiều năm qua, nhưng bà không uống thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ mà chỉ sử dụng thuốc khi có biểu hiện đau đầu, chóng mặt.
Từ các kết quả kiểm tra hình ảnh sọ não, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện lượng nhiều, lan tỏa cả hai bán cầu kèm ổ xuất huyết não thái dương bên trái. Kết quả chụp CT mạch máu não cho thấy nguyên nhân xuất huyết là do túi phình động mạch cảnh trong bên trái của bệnh nhân bị vỡ.
BS.Chương nói: “Đây là trường hợp đột quỵ não rất nặng và nguy hiểm, người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Sau hội chẩn, chúng tôi đã tiến hành can thiệp nội mạch cấp cứu, đặt coil (vòng xoắn kim loại) để tắc túi phình mạch máu não. Sau can thiệp, hình ảnh chụp DSA kiểm tra cho thấy túi phình đã được tắc hoàn toàn. Qua 2 tuần điều trị, người bệnh đã qua nguy kịch có thể tự đi lại”.
BS.Chương cảnh báo, người bệnh tăng huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng. Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong. Bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các biến chứng như đột quỵ, tổn thương thận, suy tim, biến chứng ở mắt, phình mạch máu, bóc tách động mạch chủ, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ…
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần uống thuốc đều đặn theo chỉ định, theo dõi mức huyết áp (huyết áp mục tiêu thông thường là ≤ 130/80 mmHg) khi điều trị. Người bệnh cần duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.