Sản phẩm dưỡng trắng da "thị phi" nhất Tiktok: Bảng thành phần khiến người mua phải "suy nghĩ lại"?
Mạng xã hội đang diễn ra tranh luận liên quan đến 2 chai lotion có xuất xứ từ Thái Lan, giúp dưỡng trắng da, nhìn bề ngoài khá giống nhau.
Sở hữu làn da trắng sáng, mịn màng là mong ước của nhiều phụ nữ. Vậy nên không có gì khó hiểu, cứ vào mùa hè, những sản phẩm được quảng cáo làm trắng da lại được quảng cáo và bán rất nhiều tại nước ta.
Hiện nay, mạng xã hội đang diễn ra tranh luận liên quan đến 2 chai lotion có xuất xứ từ Thái Lan, giúp dưỡng trắng da. Nhìn bề ngoài chúng khá giống nhau nên nhiều người lo lắng, muốn tìm hiểu đâu là hàng thật, đâu là hàng fake (hàng giả).
Precious Skin Alpha Arbutin 3 Plus+ Collagen và Alpha Arbutin Perfect Skin Lady: Đâu là hàng fake?
Gần đây sản phẩm dưỡng thể Alpha Arbutin xuất hiện một phiên bản hơi khác so với phiên bản Precious Skin mọi người thường dùng. Đó là sản phẩm dưỡng thể có tên Perfect Skin Lady.
Nhìn bề ngoài, 2 chai sữa dưỡng thể giúp làm trắng da này khá giống nhau. Nhiều người cho rằng, sản phẩm Perfect Skin Lady là hàng fake (hàng nhái) vì như nhận xét thì dưới đáy chai Perfect Skin không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, bên ngoài vỏ hộp không có mã QR code.
Tuy nhiên, một số Tiktoker khác lại cho rằng 2 chai sản phẩm dưỡng thể này của 2 công ty khác nhau, không có cái nào là hàng fake, thậm chí Precious Skin ra đời năm 2020 và Perfect Skin Lady còn ra đời trước đó - năm 2017 và chứa nhiều chất dưỡng hơn.
Thậm chí Tiktoker có tên S.C.Q còn chia sẻ: "Bảng thành phần chưa phải là thứ đánh giá đúng 100% nhưng mọi người cứ nhìn kỹ giùm mình bảng thành phần của 2 thương hiệu này đã nhé. Với Perfect Skin Lady, đứng đầu là hoạt chất Alpha Arbutin, còn Precious Skin thì đứng cuối bảng thành phần mới là hoạt chất này thì đương nhiên nồng độ cao hơn mới được xếp ở đầu bảng thành phần. Chưa kể, Skin Lady còn chứa nhiều hoạt chất chống oxy hóa khác nữa cũng đứng ngay đầu bảng, giúp hỗ trợ sáng da tốt hơn. Còn Precious Skin có thêm glutathione nhưng cũng xếp cuối bảng thành phần. Skin Lady cũng chứa nhiều chất dưỡng hơn Precious Skin".
Tiktoker đưa bảng thành phần của 2 sản phẩm lên "bàn cân" so sánh. (Ảnh chụp màn hình)
Thông tin mập mờ, bảng thành phần không rõ ràng và trò quảng cáo "lố"?
Với sản phẩm dưỡng trắng da Perfect Skin Lady, mặc dù chưa được xác nhận có phải là hàng fake của Precious Skin hay không nhưng nhưng bảng thành phần của nó cũng là thứ gây nhiều tranh cãi.
Perfect Skin Lady được nhiều người bán hàng quảng cáo là "có chất Alpha Arbutin đứng đầu danh sách nên làm trắng da nhanh hơn".
Trong khi đó, một Tiktoker có tên là V.T.B khẳng định một điều rằng: Nói ra câu này thì ngay cả người bán cũng không hiểu rõ về sản phẩm. Có 2 điểm bất thường ở bảng thành phần này mà bạn chưa biết: Bảng thành phần sai, chấm phẩy vô tội vạ, đến cả những tên khoa học của chất trên bảng thành phần cũng không được ghi đúng, ví dụ như Gluta là cái gì? Thứ hai, bảng thành phần này lặp đi lặp lại quá nhiều lần, ví dụ như vitamin E xuất hiện 2 lần, có vitamin C, xuống dưới lại có axit ascorbic...
Tiktoker chia sẻ ngẫu nhiên bảng thành phần của 4 sản phẩm dưỡng trắng da, đến từ những hãng khác nhau, được sản xuất tại Thái Lan. (Ảnh chụp màn hình)
Và để có cái nhìn khách quan, Tiktoker V.T.B cho rằng đã quyết định chia sẻ ngẫu nhiên bảng thành phần của 4 sản phẩm dưỡng trắng da, đến từ những hãng khác nhau, đều được sản xuất tại Thái Lan.
"Hầu hết những chất làm trắng da đều đứng giữa hoặc gần cuối trong danh sách bảng thành phần. Đó là lý do tại sao người bán sản phẩm quảng cáo lố thành phần làm trắng da đứng đầu danh sách là Alpha Arbutin cho hiệu quả làm sáng da nhanh hơn", anh cho biết.
Cũng đề cập đến bảng thành phần của sản phẩm dưỡng thể Skin Lady, Tiktoker M.R đã đưa ra những phân tích thiết thực giúp mọi người có thêm cân nhắc khi định chọn mua. Theo Tiktoker M.R thì:
1. Bảng thành phần của sản phẩm này ghi chung chung, như vậy là vi phạm quy định pháp luật về cách thức biểu diễn thành phần mỹ phẩm
Trong bảng thành phần mỹ phẩm, tên các nguyên liệu không được ghi chung chung như vitamin E, C... mà phải ghi rõ tên danh pháp quốc tế của các nguyên liệu đó. Nó là loại dẫn xuất nào? Cấu trúc hóa học của nó có tên gọi là gì? Ví dụ vitamin E trong mỹ phẩm là Tocopherol hay là Tocopheryl acetate? Vitamin B thì là loại vitamin B3, B5 hay B8 thì sẽ biểu diễn với những cái tên khác nhau trong bảng thành phần.
Bảng thành phần vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về cách thức biểu diễn thành phần mỹ phẩm được Tiktoker chỉ rõ. (Ảnh chụp màn hình)
Việc ghi chung chung như vậy khiến người đọc không biết rõ nó là cái gì. Trong khi quy định pháp luật về cách thức biểu diễn thành phần mỹ phẩm ở Thái Lan, Việt Nam hay bất cứ nước nào ở Đông Nam Á là như nhau. Không có chuyện sản phẩm thực hiện theo cách quy định bên Thái Lan nên mới viết như vậy.
Ngoài ra, sản phẩm lotion nền nước nhưng không chứa nước bên trong bảng thành phần, trong khi collagen đứng vị trí thứ hai trên bảng thành phần. Nếu người điều chế thực sự làm theo bảng thành phần này thì kết cấu sẽ giống cục slime chứ không thể nào ở dạng sữa lỏng được.
2. Không đánh mã lô sản xuất
Tiktoker chỉ ra những thông tin sơ sài về sản phẩm, khuyến cáo mọi người không nên tin dùng. (Ảnh chụp màn hình)
Việc đánh số lô sản xuất trong cùng một mẻ sản xuất mỹ phẩm là việc vô cùng quan trọng, phục vụ việc quản lý chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất, nhãn hàng và cơ quan chức năng. Dù sản phẩm được sản xuất ở Thái Lan, Việt Nam hay bất cứ đâu, bên trên sản phẩm đều phải có ký tự đánh dấu số lô.
3. Thông tin bao bì sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng theo quy định pháp luật chung của các nước Asian trong quản lý mỹ phẩm
Sản phẩm không có website, số điện thoại liên hệ trực tuyến... Vậy thì bao nhiêu khách hàng có thể đến địa chỉ này để tìm công ty, trong khi cũng không biết liệu có phải địa chỉ mua hay không?
Ngoài ra các thông tin về hướng dẫn cách bảo quản, hướng dẫn hạn sử dụng, cảnh báo an toàn... thì sản phẩm này cũng không hề có. Nó thể hiện năng lực sản xuất, sự thiếu chuyên nghiệp của thương hiệu này.
Hiện, cuộc tranh cãi xoay quanh 2 sản phẩm lotion dưỡng trắng da có xuất xứ Thái Lan này vẫn nhận được hàng trăm hàng nghìn bình luận từ các bài đăng khác nhau trên mạng xã hội Tiktok. Precious Skin Alpha Arbutin 3 Plus+ Collagen và Alpha Arbutin Perfect Skin Lady thậm chí còn được bình chọn là 2 chai lotion dưỡng trắng da "thị phi" nhất Tiktok, tính đến hiện tại. Là người tiêu dùng thông minh, bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua bất kì sản phẩm nào.
DS Khuê Vũ (chuyên gia về dược mỹ phẩm, làm việc tại Hà Nội) cho biết, nhìn từ bảng thành phần, người tiêu dùng thông minh sẽ thấy thông tin chất lặp đi lặp lại, thành phần chất viết sai theo quy định...
"Với một sản phẩm đến từ những nhãn hàng không rõ về nguồn gốc xuất xứ thì bảng thành phần không chuẩn, viết sai tên, viết lặp tên... cũng không có gì khó hiểu", chuyên gia khẳng định.
DS Khuê Vũ khuyên, chị em mua lotion dưỡng trắng da hay bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào, tốt nhất nên mua ở những hãng lớn, nổi tiếng và uy tín. Sản phẩm nào khi dùng lên da cũng cần có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có công ty phân phối tại Việt Nam. Giá của những sản phẩm này cũng sẽ cao hơn hàng khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ.
"Còn lại, nếu bạn có bất cứ vấn đề gì về da, muốn dưỡng da như thế nào theo nhu cầu thì tốt nhất hãy tìm đến bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ xem tình trạng rồi kê sản phẩm phù hợp nhất, giúp bạn trị liệu da như mong đợi", DS Khuê Vũ cho hay.