Nỗi lòng phụ nữ sống xa nhà khi năm hết Tết đến: Lấy chồng rồi, ĐƯỢC PHÉP về thăm bố mẹ mấy lần?

Lynk,
Chia sẻ

"Tôi không thể hiểu được. Chồng hay bố mẹ chồng thì cũng đều có cha có mẹ, cũng đều có con. Hầu hết trong số họ đều muốn phụng dưỡng cha mẹ mình và gần gũi con cái mình. Ấy vậy mà tại sao lại mặt nặng mày nhẹ, lời ra tiếng vào, khó chịu ra mặt khi vợ mình, con dâu mình làm điều tương tự?".

Còn chưa đầy 50 ngày nữa là Tết. Cuối năm, phố xá rực rỡ sắc màu đón chào năm mới, đèn hoa lấp lánh, kẻ vui người cười rộn ràng rủ nhau đi mua sắm. Đối với những người con xa nhà, cảnh tượng ấy khiến nỗi nhớ nhà bỗng cồn lên da diết, cảm giác mình thật bé nhỏ giữa thành phố không phải nơi mình sinh ra. Người thì đông đấy, nhưng chẳng thấy bóng dáng bố mẹ, anh chị, hay bất kỳ người thân nào xung quanh.

Đàn ông con trai còn đỡ, đàn bà con gái xa nhà thường hay bộc lộ tâm trạng nhiều hơn. Đi học, rồi đi làm, đâu phải ai cũng may mắn có bố mẹ ở bên đến tận khi trưởng thành. Có khi xa nhà chỉ có vài chục, hoặc vài trăm km thôi, nhưng một ngày không được ăn cơm mẹ nấu, một giờ không nghe bước chân của cha loanh quanh sân nhà, thấy buồn muốn khóc. Kim Oanh cũng thế. Cô gái 25 tuổi xa nhà đã 5 năm, du học tận Thụy Sĩ xa xôi, dù rất cá tính và mạnh mẽ nhưng vẫn không tránh khỏi những phút giây nhớ nhà đến quặn thắt. Giữa trời tây đầy tuyết lạnh, Oanh háo hức xếp đồ vào vali, bởi trước Noel cô sẽ được trở về Việt Nam, sum vầy cùng bố mẹ. Đã gần 2 năm, cô gái Hà Nội xinh đẹp không đáp chuyến bay nào về nhà.

Nỗi lòng phụ nữ sống xa nhà khi năm hết Tết đến: Lấy chồng rồi, ĐƯỢC PHÉP về thăm bố mẹ mấy lần? - Ảnh 1.

Cô nàng du học sinh nhớ nhà, nhớ bố mẹ, vì bận học hành nên gần 2 năm không được về Việt Nam

Nỗi lòng phụ nữ sống xa nhà khi năm hết Tết đến: Lấy chồng rồi, ĐƯỢC PHÉP về thăm bố mẹ mấy lần? - Ảnh 2.

Một năm, một cô gái ở xa hoặc lấy chồng rồi có thể được về nhà với bố mẹ mấy lần?

"Chục ngày nay lười lên mạng, phần vì cuối năm quay cuồng đủ thứ việc, phần vì ốm dặt dẹo mãi không khỏi, nhưng chủ yếu là vì sắp được về nhà nên háo hức, chẳng có tâm trí làm việc gì khác cả. Đây chắc là lần tôi xa nhà lâu nhất - gần 2 năm; chứ hồi trước, hồi còn được bố mẹ bao vé máy bay thì chăm về lắm, một năm phải về ít nhất 2 lần, có khi nhiều hơn. Tự dưng nghĩ vu vơ: nếu trung bình mỗi năm về nhà một lần; thì lẽ nào chỉ còn có thể gặp ba mẹ trên dưới 30 lần nữa. Nghĩ đến đây, rùng cả mình!".

Cảm giác rùng mình của Oanh, có lẽ du học sinh nào cũng hiểu. Chỉ cần cho Oanh một tờ giấy, chắc chắn cô ấy sẽ gấp chiếc máy bay, để gửi hết những tâm tư, yêu thương về cho gia đình nhỏ của mình. Đã 5 cái Tết trôi qua, cô gái trẻ không được về Hà Nội, lên bờ hồ ngắm pháo hoa, nấu cỗ giao thừa cùng mẹ. Đó vừa là thiệt thòi, vừa là thử thách mà Oanh muốn tự mình vượt qua, bởi con số 30 lần còn lại được gặp bố mẹ tưởng là tính vui, nhưng so với thực tế thì vẫn đúng.

Kim Oanh chưa lấy chồng, vẫn còn được tận hưởng cuộc sống độc lập, tự do, thoải mái theo ý thích, nhưng cô nàng đã kịp nghĩ đến những chị em phụ nữ khác, tuy không phải rời khỏi biên giới để theo đuổi ước mơ, nhưng đã vu quy là xác định mình đã trở thành "con gái nhà người ta", không thể tùy ý trở về với bố mẹ đẻ được nữa, dù vẫn chung một thành phố.

Nỗi lòng phụ nữ sống xa nhà khi năm hết Tết đến: Lấy chồng rồi, ĐƯỢC PHÉP về thăm bố mẹ mấy lần? - Ảnh 3.

Oanh cũng không biết sau này làm vợ làm mẹ rồi, có thể thăm bố mẹ thường xuyên được không

"Tôi đã từng nghe những câu chuyện - đối với nhiều người là bình thường, nhưng đối với tôi thật đáng bàng hoàng, hoảng hốt: con gái đi lấy chồng, cách nhà bố mẹ đẻ có vài trăm cây số, có vài tiếng đi tàu xe mà một năm cũng chỉ ĐƯỢC PHÉP về thăm nhà một, hai lần. Có rất nhiều chuyện ngược đời ở Việt Nam, tuy cay đắng nhưng tôi vẫn cố gắng giải thích được; thậm chí có thể thông cảm được. Duy chỉ có một chuyện, dù có vắt óc suy nghĩ tôi cũng không tài nào lý giải được: vì sao lại có rất nhiều người chồng, và cả một bộ phận bố mẹ chồng cảm thấy khó chịu, bực bội, hoặc tồi tệ hơn là cấm cản vợ/con dâu mình chăm sóc, thăm nom, lo lắng cho bố mẹ đẻ của cô ấy nhưng lại đòi hỏi rằng cô phải hiếu thảo, chăm lo cho bố mẹ chồng như ruột thịt?

Chắc sẽ có người trả lời tôi đó là do sự ích kỷ. Không không, không thể đánh tráo khái niệm như thế được. Ích kỷ là khi chỉ muốn vụ lợi cho bản thân; còn gây tổn thương cho người khác; ngăn cản thứ tình cảm tự nhiên và thiêng liêng nhất cuộc đời này là tình mẫu tử, phụ tử thì phải gọi là nhẫn tâm, độc ác chứ ích kỷ cái gì? Những người như vậy tôi vẫn thường gọi họ bằng cụm từ "khuyết tật tâm hồn".

Tôi không thể hiểu được. Chồng hay bố mẹ chồng thì cũng đều có cha có mẹ; cũng đều có con. Và hầu hết trong số họ đều muốn phụng dưỡng cha mẹ mình và gần gũi con cái mình. Ấy vậy mà tại sao lại mặt nặng mày nhẹ, lời ra tiếng vào, cắn ca cắn cảu khi vợ mình, con dâu mình làm điều tương tự?".

Nỗi lòng phụ nữ sống xa nhà khi năm hết Tết đến: Lấy chồng rồi, ĐƯỢC PHÉP về thăm bố mẹ mấy lần? - Ảnh 4.

Tại sao lại phải cấm những người phụ nữ trở về chăm nom bố mẹ đẻ sau khi lấy chồng?

Những suy nghĩ của cô gái 25 tuổi còn độc thân thật sâu sắc và đúng đắn. Nó chạm đến nỗi lòng của biết bao nhiêu phụ nữ Việt. Phải, vì chúng ta vẫn sống trong thời đại nhiều lề thói cũ xưa còn duy trì, lắm phụ huynh vẫn còn tư tưởng con dâu phải một lòng theo nhà chồng. Hàng ngày đọc báo, lướt facebook, có ai đếm được bao nhiêu bài tâm sự nỗi lòng nàng dâu hoặc bao nhiêu status buồn rầu hối hận vì đi lấy chồng của chị em không? Bố mẹ sinh thành, dưỡng dục gần 20 năm, để rồi quá nửa cuộc đời con gái phải sống ở nơi khác, có khi chưa báo đáp được gì đã rời nhà đi làm dâu. Cô gái nào có phước thì được cuộc sống hạnh phúc đủ đầy, còn ai số khổ thì lận đận, vất vả, muốn về nhà thăm bố mẹ cũng khó. Kim Oanh không hề nói suông, văn vẻ gì, bởi cô chứng kiến nhiều câu chuyện có thật trong cuộc sống đời thường. Cùng phận đàn bà, thương cảm lắm chứ, nên cũng tiện đây gửi vài lời đến phái mạnh, đã "cướp" được một người phụ nữ từ tay bố mẹ cô ấy để về theo mình cả đời, thì đừng bao giờ cư xử như một kẻ thấp hèn, hãy để vợ mình được làm điều cô ấy muốn, trọn vẹn chữ Hiếu với mẹ cha.

"Hồi còn ở Việt Nam, tôi hay đi gội đầu ở tiệm của một chị trong ngõ nhà cũ. Nhà có hai vợ chồng thôi. Tôi là khách rất quen, hai chị em hay trò chuyện, lâu dần chị quý và tin tưởng tôi. Thỉnh thoảng chị lại dấm dúi đưa tôi 500, 1 triệu nhờ mang ra bưu điện gửi về cho bố mẹ trong quê. Tôi hỏi sao chị không tự về thăm và biếu tiền các cụ, tiền chị tự làm ra cơ mà? Thì chị nói chồng chị không cho, ổng mà biết chị cho tiền bố mẹ thì chỉ có tan cửa nát nhà.

Câu chuyện của chị cứ ám ảnh tôi mãi những ngày tháng sau này, và nhất là khi biết yêu, biết có bạn trai. Tôi vẫn tin rằng, phụ nữ chưa chắc đã cảm động khi có một anh chàng thắp nến trái tim tỏ tình, khi có một chàng trồng cây si đứng dưới mưa hát tình ca; thậm chí là khi có anh sẵn sàng tặng nàng một món quà xa xỉ, mắc tiền. Nhưng hầu như cô gái nào cũng động lòng khi nhìn thấy 1 người đàn ông tỉ mỉ lựa chọn quà cho cha mẹ mình hoặc ân cần chăm sóc khi họ ốm. Hoá ra, tình yêu đôi lúc chẳng cần mỹ miều, chỉ đơn giản là biết yêu những thứ mà người mình yêu quý trọng, mà gia đình chính là một trong những thứ quý giá nhất!

Đàn ông tốt, chưa cần nói tới tài năng, bản lĩnh; chưa cần nói đến địa vị, tiền tài. Đàn ông tốt, trước hết phải là một người có tâm hồn lành lặn!".

Nỗi lòng phụ nữ sống xa nhà khi năm hết Tết đến: Lấy chồng rồi, ĐƯỢC PHÉP về thăm bố mẹ mấy lần? - Ảnh 5.

Trải lòng của Oanh đã chạm đến góc khuất trong tâm hồn bao người phụ nữ Việt

Từ một khoảnh khắc ngồi xếp vali chuẩn bị lên máy bay về nhà, mà Kim Oanh ngẫm ra được bao nhiêu thứ về sự thiệt thòi của phụ nữ. Những dòng tâm sự của cô gái 25 tuổi như chiếc kim đâm thấu lòng những người mẹ người vợ, nhất là ai đang phải chịu cảnh lấy chồng xa. Kết hôn rồi, cuộc đời sang trang mới, tuy là mở ra hạnh phúc riêng nhưng cũng là cánh cửa khép lại nhiều điều khác, như một sự đánh đổi, để rồi có người tiếc nuối hối hận, người thì vui vẻ chấp nhận. Suy cho cùng, phụ nữ mỏng manh yếu đuối, họ vẫn luôn cần được yêu thương chở che. Khi tổn thương, buồn phiền, họ chỉ muốn được trở về nơi mình sinh ra, không ai tốt với mình bằng cha mẹ, không ai hi sinh cho con vô điều kiện như cha mẹ. Nhưng bố mẹ ơi, con gái lấy chồng một năm không biết được về thăm nhà mấy lần, nếu có lỡ bị giữ lại cho trọn đạo với nhà chồng, xin bố mẹ đừng buồn lòng sinh bệnh. Xin hãy hiểu cho những đứa con gái phải rời xa bố mẹ để làm con nhà người khác, từ đáy lòng con gái vẫn luôn nhớ về bố mẹ mỗi ngày…


Chia sẻ