Nỗi đau của người đàn bà ung thư xương nuôi chồng tâm thần, con bệnh não úng thủy
“Cuộc đời tôi chưa một ngày nào có được niềm vui trọn vẹn”, đó là lời tâm sự của một người làm con; làm vợ; làm mẹ - bà Trần Thị Thi (sinh năm 1958) sống tại thôn Thượng - xã Trịnh Xá - TP. Phủ Lý - Hà Nam.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Tìm đến nhà bà Thi một ngày lạnh giá mùa đông. Đón chúng tôi là một người phụ nữ với tấm lưng còng rạp và khuôn mặt già nua, khắc khổ. Vừa vào đến sân, hình ảnh đầu tiên bắt gặp đó là một người đàn ông ngơ ngẩn, ngồi cặm cụi nghịch đất rồi tự cười một mình. Bên cạnh là một đứa trẻ đang ngồi xe lăn với ánh mắt và nụ cười ngây dại. Người đàn ông ấy là Ngô Doãn Mạnh (sinh năm 1955, chồng bà Thi) bị mắc bệnh thần kinh. Còn người ngồi xe lăn là đứa con trai út Ngô Doãn Thái (sinh năm 1999) bị mắc bệnh não úng thủy.
Trong cuộc nói chuyện, nét mặt bà Thi đượm vẻ u buồn, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, đôi mắt bà sụp xuống, trực trào nước mắt khi nói về cuộc đời của mình. Bản thân bị bệnh ung thư xương di căn cột sống, bệnh viện đã trả về “chờ chết”, nhưng hằng ngày bà vẫn phải gắng gượng để chăm nuôi người con trai bị não úng thủy gần 16 năm, người chồng bị thần kinh và người mẹ chồng đau yếu nằm liệt giường, đã ngoài 80 tuổi.
Ngày ngày, người đàn bà ung thư xương này phải chăm sóc cho tất thảy các thành viên đau ốm trong gia đình từ mẹ chồng, chồng tới người con trai
Được biết trước đây vợ chồng bà lấy nhau, mẹ chồng đối xử tệ bạc, hành hạ đủ điều, nhưng bà vẫn cam chịu. "Những ngày tháng chịu đựng như thế trôi qua cũng dần quen", bà nói. Sau một thời gian lấy nhau vợ chồng bà sinh được 3 người con: hai gái, một trai. Vì nhà nghèo, không có tiền nuôi nấng, cho con ăn học nên hai người con gái của bà là Ngô Thị Đỗ (sinh năm 1991) và Ngô Thị Lành (sinh năm 1995) ngay từ bé đã được gửi về bên nhà ngoại chăm nuôi hộ, mặc dù bên ngoại cũng không khấm khá gì. Học xong cấp 2, cấp 3 hai người con gái bà hiện đang đi làm thuê kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Bà Thi cho biết: “Số tiền hai đứa con gái tôi làm được gửi về hàng tháng không thấm vào đâu khi cả 4 người ở nhà không làm lụng gì được, bệnh tật đầy mình, tiền thuốc thang còn không đủ".
Gần 10 năm qua, ông Mạnh đã không còn khả năng lao động, mỗi lần lên cơn lại la hét, đập phá rồi bỏ đi lang thang. Còn người con trai bà, khi sinh ra, Thái cũng như những đứa trẻ bình thường nhưng càng lớn chân tay càng co quắp, thể chất chậm phát triển. Bác sĩ chẩn đoán Thái bị bệnh não úng thủy. Bà Thi đã vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho con nhưng chẳng ăn thua. Tuy đã được mổ não 2 lần nhưng Thái vẫn không thể trở lại bình thường. Mọi sinh hoạt của Thái đều phụ thuộc vào bàn tay của người mẹ. Bà Thi nói: “Ai cũng bảo nó không sống nổi nhưng nó đã ở với tôi được từng này năm rồi! Chăm con nhỏ đã khó, nhưng chăm con bệnh tật lại càng vất vả hơn. Nó không biết nói cũng chẳng biết đi, cứ ngờ nghệch như này đấy!”. Kéo vạt áo lau những giọt nước mắt, bà Thi đau xót nhìn đứa con tật nguyền.
Phía nhà dưới là một bà cụ nằm co ro trên chiếc giường nhỏ thỉnh thoảng lại run lẩy bẩy. Những vết thương bầm dập, tím ngắt dưới chân bà cụ càng trở nên đau nhức hơn khi mùa đông đang ở thời điểm lạnh nhất. Ngày nào cũng vậy, ngoài việc lo cho miếng ăn giấc ngủ của chồng con, bà Thi còn phải chăm sóc mẹ chồng đã già yếu nằm liệt giường. Mọi công việc trong nhà chỉ mình bà gồng gánh, lo toan khiến lưng bà ngày càng còng xuống.
Căn nhà hiện gia đình bà đang ở, được công ty của người con gái lớn và thành đoàn tỉnh Hà Nam giúp đỡ xây lên, nay gia đình bà đã có chỗ ở mà không phải lo dột nát, nắng gió xiên vào. Nhưng trong nhà, tài sản cũng chẳng có gì đáng giá. Trên cái giường ọp ẹp, mọt rũa, dán đầy giấy nilon, mấy bộ quần áo đã ngả màu vàng úa được xếp lại làm cái gối đầu, với đệm để chuẩn bị giữ ấm cho con nhỏ khi mùa đông sắp đến cũng rách tươm. Nồi niêu, bát đĩa,... mọi đồ đạc sinh hoạt được xếp dưới gầm giường. Ngỡ tưởng rằng, chồng thần kinh, con bệnh tật, mẹ chồng ốm liệt là đã quá đủ cho những đau khổ của cuộc đời bà. Nhưng một lần nữa, nỗi đau càng thêm chất chồng khi bà bị bệnh viện trả về với căn bệnh ung thư xương di căn cột sống.
Ông Ngô Đức Toàn (sinh năm 1964, trưởng thôn Thượng) cho biết: “Gia đình nhà bà Thi là gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Được vào diện hộ nghèo nhiều năm nay, những khoản trợ cấp hỗ trợ chúng tôi đều ưu tiên cho gia đình bà ấy. Tuy nhiên, với gia cảnh như vậy thì từng ấy vẫn không thấm vào đâu. Chúng tôi chỉ mong sao những tấm lòng hảo tâm sẽ giúp đỡ gia đình bà Thi, cho cuộc sống của họ đỡ khó khăn hơn”.
Rất hiếm khi chồng bà tỉnh táo, những khi trở trời, ông Mạnh la hét, đánh đập vợ con
Gắng gượng sống vì gia đình
Bị bệnh viện trả về “chờ chết” nhưng vì gia đình, bà vẫn gượng sống trong cảnh đau yếu, dật dờ. Từ khi bà bị bệnh, kinh tế gia đình càng trở nên kiệt quệ hơn. Mọi chi phí của gia đình chỉ trông vào 180.000 đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước mà bé Thái nhận được và tiền làm thuê của hai người con gái. Bà Ngô Thị Nhẫn, một người hàng xóm cho biết: “Nhà bà ấy khổ vô cùng. Trước đây còn khỏe thì khổ đằng mẹ chồng, làm cũng không yên, nhưng vẫn còn túc tác cấy được hạt lúa mà ăn. Giờ thì ai cũng bệnh, thật quá khổ và thương tâm"...
Ngày trước, bà Thi còn có thể bế được con, dìu được mẹ già đi lại. Nhưng gần đây, do căn bệnh ung thư xương hành hạ, bà càng trở nên đau yếu. Mẹ chồng bà giờ phải nằm liệt giường khiến bà càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chăm sóc. Có những lúc đau quá, bà đành phải liều nhờ chồng bế con từ giường ra xe lăn.
“Mỗi lần như thế, tôi sợ tới thót tim vì lo nhỡ may chồng đánh ngã con thì khổ”, bà Thi thở dài.
Chứng kiến bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình bà mà ai cũng phải thắt lại. Một bát canh rau cải loãng với bát con muối trắng kề bên, không có được một bát thức ăn. Vậy mà bữa ăn ấy cũng nào có được ngon miệng, chồng thì lúc lúc lại đứng lên ngồi xuống, chạy nhảy làm vương vãi cơm khắp nơi, con thì hét gào… “Tôi chỉ ước gì có sức khỏe để có thể đi làm kiếm đồng tiền mua quả trứng, mớ rau. Tôi thì ăn gì cũng được nhưng nhìn mẹ chồng, chồng và con phải ăn rau tới cả tháng trời tôi thực sự không cầm lòng được, nhưng cũng đành bất lực”. Nói đến đây bà Thi ôm con khóc nghẹn, "nếu còn khỏe chắc tôi sẽ bồng con theo để đi xin ăn, nhưng giờ thì muốn cũng không làm nổi nữa rồi”, bà Thi cho biết thêm.
Bản thân bệnh tật khiến bà càng trở nên bất lực. Lúc nào cũng chỉ ước mong có được sức khỏe để lo cho gia đình, một ước mong quá khó khăn và xa vời với người phụ nữ “khổ trăm bề” như bà. Thỉnh thoảng có những hôm “dở trời”, ông Mạnh cũng có thể dọn hộ bà Thi mâm cơm, bê giúp bà chậu quần áo, còn những hôm ông ấy lên cơn, vừa lo sợ chồng đập phá, chửi bới, bà vừa phải lúi húi nấu cơm, giặt giũ một mình. Đôi lúc khi những cơn đau của chứng ung thư xương bất chợt ập đến làm bà ngã dúi dụi, đau đớn. Nhưng bà vẫn phải gượng đứng dậy bởi nếu không hôm đó mẹ già, chồng con sẽ phải nhịn đói.
Bác Hoàng Thị Điểm, người chị họ ông Mạnh chia sẻ: “Từ khi vợ chồng em tôi lấy nhau chưa bao giờ được một ngày bình yên, hạnh phúc. Số ai cũng khổ khi mà gia đình hết người này đau đến người kia ốm".
Mọi tấm lòng hảo tâm xin được gửi về địa chỉ:
Trần Thị Thi, thôn Thượng - xã Trịnh Xá - TP. Phủ Lý - Hà Nam.