Mẹ già mù nuôi con tâm thần mong ngày có ba bữa cơm chín
Hơn 80 tuổi, lưng còng, mắt mù, nhưng cụ Chung vẫn phải lặn lội, lê lết ra chợ bán từng bó rau, mò mẫm từng con ốc, con cua, kiếm từng đồng để sống qua ngày nuôi người con gái 43 tuổi mắc bệnh tâm thần.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, không giống như những người phụ nữ khác, cuộc đời cụ Chung chưa một ngày hạnh phúc trọn vẹn, biết bao năm cụ phải sống trong bóng tối với cảnh mù lòa. Ấy vậy mà cụ vẫn luôn là chỗ dựa cho đứa con tâm thần, ngây dại chỉ biết lảm nhảm cả ngày với những câu chuyện không đầu, không cuối.
Cám cảnh mẹ mù, con “ngơ”
Hỏi thăm nhà cụ Lê Thị Chung sống tại thôn Thượng - xã Trịnh Xá - TP.Phủ Lý, người dân nơi đây không ai là không biết đến gia cảnh khốn khó này. Căn nhà cũ nát, trong nhà trống huếch, trống hoác với một vài chiếc áo quần cũ bẩn, rách rưới, được treo vứt lung tung trên những mảng tường bám đầy cáu bẩn đen kịt.
Không một vật dụng gì đáng giá trong nhà. Ngồi một mình thu lu trên chiếc giường đơn, cụ Chung đầu thỉnh thoảng lắc lắc, dáng vẻ còm cõi, cứ run lên bần bật như lúc nào cũng trực đổ xuống. Chị Hà, con cụ Chung, ngồi ngoài hiên nhà đang thẫn thờ, cười nói một mình.
Cụ Chung và người con gái 43 tuổi điên dại
Biết nhà có người tới, cụ Chung quơ quơ bàn tay mời khách ngồi. Mắt tuy không nhìn thấy gì nhưng vẫn hiện rõ vẻ u sầu, cụ Chung chia sẻ: “Tôi lập gia đình năm 18 tuổi. Sau 1 thời gian, tôi sinh ba người con gái: Quyền Thị Thủy (sinh năm 1964), Quyền Thị Hà (sinh năm 1972) và Quyền Thị Đông (sinh năm 1974). Nhưng không may người con thứ 2 mắc bệnh tâm thần. Người chồng chán nản nên bỏ 4 mẹ con tôi để đi lấy vợ hai. Trước đây còn khỏe, tôi đi làm thuê, làm mướn kiếm miếng cơm mẹ con rau cháo qua ngày, vất vả nhưng tôi cố được nhưng giờ sức khỏe ngày càng yếu...”.
Sau khi chồng bỏ đi, một mình cụ Chung gắng gượng nuôi 3 đứa con, chạy vạy làm ăn khắp nơi nhưng cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám chặt lấy gia đình cụ, thêm phần đôi mắt cứ ngày một mờ đi cho đến lúc cụ chẳng còn nhìn thấy gì. Đến tuổi trưởng thành 2 người con gái của cụ cũng lập gia đình nhưng cuộc sống của họ cũng vô cùng khốn khó. Chị Thủy - con gái đầu lòng của cụ lấy chồng trong làng nhưng gia cảnh nghèo khó, chồng chị Thủy không may mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông cách đây vài năm. Còn chị Đông - cô con gái út thì lấy chồng nhà nghèo lại xa cụ nên chẳng có điều kiện về thăm.
Được biết, chị Hà sinh ra và lớn lên cũng bình thường như bao người khác, nhưng tới khi 7 tuổi, chị bắt đầu có các triệu chứng không bình thường, đập phá, la hét, bỏ đi lang thang. Dù có tiết kiệm, vay mướn chữa trị cho chị Hà nhưng mọi nỗ lực của cụ đều bế tắc. Thương con, nhưng lực bất tòng tâm, cụ đành cố gắng hết sức mình có thể của mình để "hai mẹ con no đói qua ngày".
Bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con chỉ là một bát cơm cháy xin từ nhà hàng xóm hoặc chẳng có gì. Mấy hôm nay, chị Hà lại phát bệnh nặng hơn, cụ nói: “Dù con tôi thiệt thòi, nhưng nó vẫn là người, vẫn là đứa tôi đứt ruột đẻ ra, khổ cực mấy tôi cũng chịu được, khổ nỗi giờ mắt tôi chẳng nhìn thấy gì, chỉ lo cho đứa con gái khờ dại của mình. Tôi chỉ có một tâm nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt là có ai đó có thể giúp đỡ, nuôi nấng đứa con thiệt thòi của mình…”.
Trò chuyện với chị Thủy (con gái cụ Chung), chị cho biết: “Mẹ tôi bị mù từ hồi tôi còn nhỏ, tôi nghĩ chắc do bố tôi bỏ đi khiến cụ suy nghĩ, khóc nhiều nên thành ra mắt mới ra nông nỗi như vậy. Giờ mỗi khi trái gió trở trời, mẹ hay bị ho ra máu mà nhà thì nghèo, chẳng có điều kiện đưa mẹ đi chữa bệnh. Cuộc đời mẹ tôi cực khổ quá, phận làm con như tôi chẳng giúp gì được cho mẹ...”.
Hơn 80 tuổi, lưng còng, mắt mù, cụ Chung luôn đau đáu một nỗi niềm "nếu sau này mình mất, ai sẽ là người chăm sóc con gái mình.
Ước mong ngày ba bữa cơm
Cụ Chung kể về đứa con tâm thần của mình như thế này: “Có lần khát nước, Hà múc nước ao cho tôi uống. Nhiều hôm đói, mẹ con không có gì ăn phải uống nước trừ bữa. Mà bụng đói thì khó chịu lắm! Hôm nào ai có bát cơm đem cho thì còn đỡ, phải những hôm có tý gạo mà để cái Hà nấu thì… không sống cũng khê. Nhiều lần Hà còn chẳng đổ nước, đun cháy cả nồi, mẹ con lại phải vừa nhịn đói mà vừa tiếc của”.
Cụ cho biết thêm:“Tôi già rồi đói chết còn đỡ, chỉ khổ cho Hà, nhiều lúc đói, nó đi lang thang lấy đồ của người ta. Có lần đói quá nó bốc cả đất, lá cây... để ăn. Giá mà tôi còn nhìn thấy được thì chắc con tôi còn đỡ chịu khổ".
Trước đây khi còn sức khỏe cũng nai lưng ra làm để đủ cái ăn cho các con nhưng giờ cụ già rồi, mắt hoàn toàn không nhìn thấy nữa thì cả nhà luôn trong tình trạng đói ăn. Ông Ngô Đức Toàn - trưởng thôn Thượng - cho biết: “Thuộc diện vào hộ đặc biệt khó khăn nên mỗi năm hai mẹ con cụ Chung cũng được nhà nước cho mấy chục cân gạo nhưng không thấm tháp gì khi cả hai mẹ con chỉ sống dựa vào nhau và nhờ sự giúp đỡ thương tình của bà con chòm xóm. Chúng tôi mong các cá nhân tổ chức xã hội cùng chung tay giúp đỡ động viên mẹ con bà Chung phần nào vơi bớt khó khăn".
Bác Loan, hàng xóm nhà cụ Chung, chia sẻ: “Hôm nào hàng xóm sang nấu cơm hay con gái lớn của cụ ở xóm trên mang cơm xuống cho thì ăn cơm chín còn cái Hà mà nấu thì toàn tro, bụi, có hôm ăn gạo sống. Đến khổ cho gia cảnh nhà cụ Chung".
Chia sẻ về mong muốn lớn nhất của mình bây giờ, cụ Chung nói: “Mẹ con tôi bây giờ chẳng mong gì, chỉ mong một ngày được ăn ba bữa cơm chín”.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin được gửi về địa chỉ: Cụ Lê Thị Chung sống tại thôn Thượng - xã Trịnh Xá - TP.Phủ Lý.