Những thức quà dân dã chỉ nghe tên đã "cảm được vị" của mùa thu Hà Nội
Mùa thu đối với Hà Nội quá đỗi hào phóng, nào là tiết trời lãng đãng dịu dàng, nào là hồng, cốm, sấu chín - những món quà thu ngon đến gây nhớ thương.
Cũng giống như tính cách lãng đãng của mình, mùa thu thường chạm ngõ Hà Nội bằng những cú va nhẹ đầy ngẫu hứng. Mới hôm qua thôi, trời còn oi ơi là oi, thế mà qua một trận mưa đêm, tự nhiên sáng dậy thấy trời xanh và cao hơn, tiết trời dìu dịu, gió mát mơn man. Tiết trời ấy khiến tâm hồn ta thư thái, đôi mắt nhìn cái gì cũng thấy đẹp hơn. Đấy là lúc ta hay mùa thu - mùa lãng mạn nhất đã "khăn gói" về lại Thủ đô sau một năm xa cách.
Cách mùa về Hà Nội rất lạ. Nó không chỉ báo hiệu bằng cái dịu dàng của thời tiết mà đôi khi còn bằng... một cô gái bỗng dưng mè nheo đòi người thương mua cho vài thức quà rất thu. Như thể một vài lạng sấu chín đầu mùa vàng ươm mà cô tình cờ trông thấy khi lướt trên phố cổ trong một sáng có nắng xiên tuyệt đẹp.
À, ừ, thì mùa thu Hà Nội, từ bao lâu nay vẫn gắn liền với những thức quà thu mà. Thế nên mùa thu tới, một cách tự nhiên thôi, người ta lại nghĩ đến hồng, đến cốm, đến bánh trung thu, đến gánh thị vàng rực, thơm nức một góc đường. Những thức quà ấy quen thuộc và thân thương đến độ, nếu không có chúng, mùa thu sẽ chẳng còn là mùa thu Hà Nội nữa.
Nhắc đến quà thu Hà Nội, chắc chắn không thể thiếu bộ ba cốm - chuối - hồng. Thường thì người đời vốn ghét các cuộc tình tay ba lắm. Nhưng riêng với cuộc tình tay ba này thì dù có muốn hay không, người ta vẫn đành nhắm mắt cho qua, bởi dù là chuối hay hồng, khi sánh đôi cùng cốm cũng đều thật vẹn toàn cả về sắc lẫn hương.
Quả thực, khi đặt lên bàn cân, thật khó để khẳng định sắc vàng hay sắc đỏ của chuối hay hồng ăn ý hơn với màu xanh mộc của cốm. Chỉ biết rằng, thứ chuối tiêu ăn với cốm thì bùi, dẻo, hợp giọng vô cùng. Mà hồng ăn cùng cốm thì chứ như Vũ Bằng đã viết đấy "Một thứ thì giản dị mà thanh khiết, một thứ thì chói lọi mà vương giả; nhưng đến lúc ăn vào thì vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, kết thành một sự ân ái nhịp nhàng".
À, nhắc đến cốm, phải thừa nhận, mùa thu Hà Nội tình hơn bởi có cốm. Thứ cốm Vòng gói trong lá sen, chỉ mở gói đã thấy thơm nức nở. Cốm bản thân nó vốn là thức quà thanh tao, thế nên dù tham ăn đến mấy không thể đưa cả vốc cốm vào miệng. Không, chẳng ai ăn cốm như thế cả, vì nó sẽ hỏng hết hương vị món quà quý mùa thu.
Ăn cốm đúng cách phải là nhẩn nha bốc một nhúm dăm ba hạt xanh biếc ấy cho vào miệng chầm chậm nhai. Khi ấy bạn mới cảm được cái dẻo, cái thơm thanh tao của cốm được ủ trong lá sen, cảm được cái ngọt của những hạt non căng sữa.
Người ta thường thích khám phá những thứ mới mẻ, cầu kỳ, nhưng để yêu thương, gắn bó, người ta thường chọn thứ bình dị nhất. Cốm mộc chính là minh chứng cụ thể. Dẫu kết hợp hoàn hảo với cả chuỗi lẫn hồng, nhưng ngay cả khi đứng một mình, chất mộc nó vẫn khiến người ta phải tương tư, mong ngóng.
"Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm. Chả biết tay ai làm lá sen..."
Và mùa thu Hà Nội mà không ăn lấy vài quả sấu chín thì có lỗi với bản thân quá. Sấu, thứ quả vốn khiến chị em mê mẩn, nay khi vào cữ chín vàng lại càng khiến người ta xốn xang. Chỉ nhắc đến sấu chín, chấm muối ớt, thì dù là người không ưa của chua đi nữa, vẫn cứ ứa nước miếng như thường. Vì rằng, cái chua, ngọt, giòn của quả sấu chín nó hoàn hảo quá.
Miếng sấu chín thơm nức, chấm thêm chút muối ớt khi nhai vị chua, ngọt, cay, mặn, giòn như một bản hòa ca trong khoang miệng khiến người ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc gật gù rồi nhón tay bốc thêm miếng nữa, rồi miếng nữa.
Cũng mang cốt cách của Thu, sấu chín không dành cho người nóng vội. Vì rằng thứ quả hấp dẫn ấy muốn ăn nhất định nên cạo vỏ rồi dùng dao sắc cắt xoáy trôn ốc mới được. Chứ nếu hấp tấp muốn cầm quả sấu chín còn nguyên vỏ đưa lên miệng ăn ngay thì thế nào bạn cũng phải trả giá. Phần thịt quả cắn chẳng được bao nhiêu, lớp vỏ dai khiến miếng sấu chát lại mất độ giòn.
Sấu chín thuộc hàng quà thời vụ, nhanh đến nhanh đi, khi đã rộ, chỉ cần xuống phố là thấy các cô hàng gồng gánh ngay. Lúc đó hãy tranh thủ mà ăn, cho đã thèm. Cảm giác một chiều thu mát trời, được ngậm trong miếng sấu chín ngon thần sầu mới biết hạnh phúc thực ra cũng chỉ đơn giản đến thế mà thôi.
Sẽ là thiếu sót vô cùng nếu nói đến thu mà quên bẵng đi bánh nướng, bánh dẻo, thức quà vẫn được trông đợi trong mùa Trung thu. Nhiều người hay than, bánh trung thu ngọt, trót ăn miếng bánh lại tốn biết bao thời gian tập luyện cho giảm kalo.
Thế nhưng mùa thu đến mà không thưởng lấy một miếng bánh thì có lỗi với bản thân, với mùa thu lắm. Cắt miếng bánh nhỏ, nhai chậm rãi, chiêu một ngụm trà để cái chát đắng của trà trung hòa cái ngọt, cái béo của nhân bánh. Tự nhiên hồi ức những tuổi thơ ùa về với những Trung thu cũ háo hức cùng lũ trẻ trong xóm thắp đèn ông sao, đi phá cỗ. Mới rõ, chiếc bánh chẳng hẳn là miếng ăn mà còn là cả bầu trời ngập tràn hồi ức.
Và cuối cùng, mùa thu sẽ khó mà trọn vẹn nếu không có hương thị thơm thảo. Mùa thị ngắn thôi, nhưng sự xuất hiện của những gánh thị dưới phố như một thông báo bằng mùi hương rõ ràng nhất rằng, "Này, mùa thu đã tới rồi". Những gánh thị vàng như nắng, đi cách xa một đoạn đường đã thấy gió đưa mùi.
Trong những ngày thu đến con gió cũng thơm, nhìn thấy gánh thị tình như thế, tội gì mà không dừng lại mua ngay lấy vài quả đặt mang đến văn phòng, bày trong phòng khách lấy thơm hay tặng cho cho bạn bè lấy thảo. Cũng là một cách dịu dàng để trao tặng mùa thu cho những người mình yêu thương.