Những sự thật bất ngờ về ngày 23 tháng Chạp xưa, đặc biệt là "tai nạn" cá chép ai cũng sẽ gặp 1 lần trong đời!
Ngày ông Công ông Táo về trời không chỉ có ý nghĩa phong tục, hơn hết nó là dịp để gia đình sum họp khi xuân mới đã cận kề.
Tết xưa - Tết nay luôn đem đến cho tất cả mọi người những cảm xúc bùi ngùi, có cả tiếc nuối và những niềm thương về một thời đã xa. Ngày 23 tháng Chạp như tiếng chuông thỉnh sớm, nhắc nhở các gia đình thời khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới đã cận kề.
Hôm nay ông Táo về trời
Bẩm trình Ngọc đế chuyện đời năm qua...
Ông Công ông Táo - tín ngưỡng văn hóa đặc biệt của người Việt Nam (Ảnh: Internet).
Ngày nay Tết âm lịch chỉ được tính từ ngày mồng Một nhưng với lứa chúng tôi ngày xưa, Tết đã bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp và kéo dài đến hết tháng Giêng. Ngày này ông Công ông Táo lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo công việc của gia chủ trong năm cũ nên tất cả mọi người có quyền được nghỉ ngơi sau cả năm vất vả. Ba anh em tôi luôn được mẹ sai đi chợ xách đồ, dọn nhà và làm cơm cúng, chỉ riêng việc dọn bàn thờ là của bố, không ai được phép tranh.
Không khí đầu xuân rộn ràng với những băng rôn đỏ thắm đơn giản (Ảnh: Internet).
Mẹ tôi năm nào cũng vậy, từ tối 20 âm là đã ngồi lên danh sách những thứ cần chuẩn bị: 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, thịt lợn tươi cắt thành dải gọn ghẽ, thịt lợn xay để làm mọc, cà rốt và su hào, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi, rượu, hoa quả, mũ mão vàng mã và nhất định không thể thiếu cá chép. Dù đã ghi ra giấy nhưng lúc nào mẹ cũng quên một thứ gì đó, khi là ít hoa tươi, khi là gói tiêu xay cho đúng vị, và thế là tôi và anh Vinh lại được dịp lôi nhau ra chợ ngắm nghía, hít hà thứ mùi của chợ phiên ngày giáp Tết.
Chợ ngày cuối năm (Ảnh: Internet).
Nhớ có năm đại gia đình nhà tôi cúng ông Công ông Táo ở nhà bà nội, lúc đó chú tôi mới từ Liên Xô về nên cả nhà tụ họp. Ai dè chú chỉ nhớ là ngày đoàn tụ chứ chẳng nhớ là ngày 23 nên cứ thế đem cá trong chậu đi... rán! Báo hại bà tôi nhìn đĩa cá rán thơm lừng trên bàn mà bốc hỏa, mắng chú té tát. Chú lại cười hề hề đèo tôi ra chợ mua gấp ba con cá cho kịp chiều tà đi thả.
Cầu ông Táo khi về Trời hợp mặt / Xin Ngọc Hoàng cho quốc thịnh dân an / Cho cha mẹ thanh thản chốn suối vàng / Cho tất cả ngập tràn niềm hạnh phúc / (Ngân Phạm, Tiễn Táo về trời).
Ông bà tôi quan niệm thả cá là phải thả ở vùng nước êm nhưng phải rộng và thoáng, thả ra sông để cá có đường ra biển lớn, ao hồ thì tù túng nên không đành. Trước khi thả bà tôi đều nuôi cá trong nhà ít nhất nửa ngày để "lấy vía", bà cấm tiệt mấy đứa cháu nghịch ngợm hất cá từ trên bờ xuống, bà bảo thế là thô bạo bất kính với các cụ: "Mình phóng sinh chứ đâu có phóng tử, thành kính đâu chỉ hương hoa, thả mà thô bạo như thế thì thả làm gì". Vừa thả bà tôi vừa lầm rầm khấn: "Nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật, nam mô A di đà Phật" rồi xoa tay vái ba vái. Bà tự nhận bà là người khấn không theo bài bản, nhưng có sao thì lễ vậy, thành tâm vẫn hơn cả.
Khi cuộc sống còn khó khăn, những thứ có thể mua được ở cửa hàng tạp hóa chỉ là thế này (Ảnh: Internet).
Mấy đứa trẻ con tụi tôi thì chỉ thích ngày này được về nghịch cá ở trong chậu, được ăn bánh đa nem cả năm mới có một lần và được ra chợ nhìn phố phường đông vui. Dẫu ba anh em đã mệt nhoài vì phải lau dọn nhà cửa, mặt mũi lấm lem như đi đào than nhưng đứa nào đứa nấy cười khanh khách vì sướng. Bữa tối nay thay vì ngô khoai độn cơm, cả nhà ta sẽ được ăn cơm trắng với giò và mấy miếng thịt lợn. Thịt đúng nghĩa của thịt chứ không phải là tảng mỡ rán cháy thành tóp rồi ướp nghệ và nước mắm như ngày thường.
Hôm nay tiễn Táo về trời / Gởi bao hy vọng nhờ Người bao dung (Phan Hạnh, Tiễn Táo quân về trời).
Cơm đã cúng xong, bố tôi sẽ đại diện gia đình vái ba vái xin hạ lễ trước cặp mắt hau háu của mấy đứa con. Anh Phúc luôn được bố đặc cách sai đi lấy chậu để đốt vàng mã rồi ba anh em ngồi gẩy lấy gẩy để cho giấy chóng tàn. Dưới ánh lửa hồng bùng lên cùng vụn giấy, mặt ba đứa trẻ đỏ lên vì bị nẻ mùa đông và cũng đỏ lên vì niềm vui xuân mới đang về...
Giữa vòng quay bộn bề của cuộc sống, đôi khi khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ và con cái xa nhau. Đã bao lâu rồi chúng ta chưa ngồi bên bố mẹ để tỉ tê về những chuyện xưa cũ, về những niềm vui và nỗi buồn đã qua?
Chuỗi bài viết Chuyện xưa kể lại đem đến một góc nhìn vừa quen vừa lạ về tình yêu, cuộc sống hôn nhân & gia đình những năm 70, 80 của thế kỷ trước – Thời của đói kém, khó khăn nhưng cũng không thiếu những nguồn vui!
Hãy chậm rãi tận hưởng những con chữ để thêm yêu và thấu hiểu những con người của một thời đã xa chị em nhé.