Những món ăn ngày Tết có thể làm đường huyết tăng vọt, người tiểu đường nên hỏi bác sĩ trước khi ăn
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, có những thực phẩm mà người tiểu đường nhất định phải thận trọng khi tiêu thụ vào ngày Tết.
Vào ngày Tết, bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) khuyên bệnh nhân tiểu đường phải cẩn trọng khi ăn uống. Ngoài việc từ chối ăn nhiều đường và một số loại trái cây quá ngọt thì họ phải cẩn thận hơn với những món chứa yếu tố gây tăng đường huyết.
Tăng đường huyết là hiện tượng lượng đường trong máu tăng quá cao vượt mức bình thường, điều này có thể khiến người bệnh gặp một số biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, dễ gặp nhất là mất thị lực, tổn thương tim, não, thận...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người tiểu đường nhất định phải thận trọng khi tiêu thụ những thực phẩm sau đây vào ngày Tết. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng, tần suất trước khi tiêu thụ.
Những món ăn ngày Tết có thể làm đường huyết của bạn tăng vọt
1. Các loại củ giàu tinh bột: Khoai tây, khoai môn
Với một số gia đình, mâm cỗ Tết Nguyên Đán lúc nào cũng không thể thiếu một bát canh khoai tây, khoai môn hay củ cải... Tuy chúng đều là rau củ tốt cho sức khỏe, nhưng lại được xếp vào nhóm rau củ giàu tinh bột. Tinh bột sau khi vào cơ thể sẽ nhanh chóng chuyển hóa thành đường và hấp thụ vào máu khiến tuyến tụy phải làm việc năng suất hơn, điều đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo cho hay, người mắc bệnh tiểu đường nên tiêu thụ rau củ nhiều tinh bột theo khuyến cáo của bác sĩ. Người khỏe mạnh khi ăn đồ nhiều tinh bột nên kết hợp với rau xanh, thịt nạc để cân bằng. Thay vì ăn các loại củ trên, bệnh nhân có thể ăn bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải và rau diếp.
2. Các loại trái cây khô
Hộp bánh kẹo ngày Tết thường có nho khô, mận khô... nhưng không phải vì thế mà người bệnh có thể ăn tùy tiện. Bởi các loại quả khô đều chứa đường ở dạng cô đặc, do đó có nhiều carbohydrate.
Khi ăn các loại quả khô, chúng ta thường cảm nhận trái cây khô có nhiều vị chua nhưng bạn có biết rằng trái cây ở bất kỳ dạng nào khác với dạng tự nhiên như nước trái cây hoặc làm khô đều có lượng đường gấp đôi, có thể khiến đường huyết của bạn tăng cao chóng mặt.
3. Dưa muối, thịt muối
Các loại thực phẩm như dưa muối, thịt muối, cá muối... có chứa lượng muối rất cao. Khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, hơn nữa còn làm tăng hàm lượng glucose trong huyết tương, nếu tiêu thụ trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Vì vậy, bác sĩ Li Aiguo nhắc nhở mọi người nên kiểm soát lượng muối ăn vào hàng ngày. Ngoài ra, những gia vị nhiều muối như xì dầu, dầu hào, bột ngọt, tương,… thì cũng nên giảm bớt. Mỗi người chỉ nên dùng 5gr muối/người/ngày, tương đương với khoảng một muỗng cà phê muối theo đúng khuyến cáo của WHO.
4. Miến dong
Canh miến là món ngon không thể thiếu trong ngày Tết. Thậm chí có nhiều người còn cho rằng miến có nguồn gốc từ thực vật nên giàu chất xơ, tốt cho đường huyết và vì thế có thể ăn thoải mái.
Tuy nhiên theo chuyên gia, điều này là không đúng. Theo chuyên gia dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198): Miến thậm chí là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết còn cao hơn gạo tẻ. Nếu như của miến GI=95 thì của gạo tẻ chỉ là 83. Nếu ăn cùng 1 khối lượng thì lượng tinh bột lẫn đường huyết mà cơ thể sẽ hấp thu từ miến cũng nhiều hơn cơm.
Chính vì vậy, việc lạm dụng miến thay cơm sẽ khiến đường huyết tăng cao. Khiến bệnh nhân tiểu đường có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, hoại tử chi, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân tiểu đường nên ăn miến theo số lượng bác sĩ chỉ định (tùy thuộc vào thể trạng từng bệnh nhân), hơn nữa khi ăn miến nên kết hợp cùng nhiều loại rau xanh.
5. Món lẩu
Món lẩu tuy ngon nhưng lại dễ khiến bệnh nhân tiểu đường tiêu thụ lượng calo vượt mức cho phép. Vì trong một nồi lẩu thường chứa nhiều muối, dầu ăn và mỡ động vật... chúng đến từ phần nước lẩu, thịt ba chỉ bò, viên thả lẩu... tất cả đều có thể làm tăng đường huyết nhanh.
Bệnh nhân tiểu đường khi ăn lẩu chú ý chọn loại nước lẩu chay, cố gắng ăn thật nhiều rau, nên hạn chế dùng quá nhiều đồ nhúng lẩu giàu chất béo. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn.