Thực phẩm nhà làm bủa vây thị trường Tết, khách mua bằng... niềm tin
Đủ loại thực phẩm nhà làm đang được bán tràn lan trên thị trường Tết, không hề bị kiểm soát chất lượng, hạn sử dụng, làm dấy lên mối lo thiếu an toàn.
Thời điểm Tết Nguyên đán 2023 cận kề, vô số loại thực phẩm nhà làm đang bùng nổ, "làm mưa, làm gió" trên chợ mạng và cả các quầy hàng với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn như: "Thực phẩm nhà làm, bao ngon, bao rẻ", "Thực phẩm nhà làm - ngon, vệ sinh, không chất bảo quản, không phẩm màu", "Nhà làm nên yên tâm về chất lượng, giá cả"...
Chị Nguyễn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) rất vui vẻ khi đặt mua được 2 cây giò mỡ của một người bạn của bạn trên mạng xã hội Facebook. Chị tin tưởng vì người bán là người chị quen biết. Thế nhưng, chỉ vài hôm sau, chị lại bắt gặp chính sản phẩm ấy đang được quảng cáo với nội dung tương tự trên một fanpage chuyên về thực phẩm thủ công.
“Tôi thấy cả hình ảnh và những lời quảng cáo đều y đúc những gì người bạn kia giới thiệu về sản phẩm nên đặt mua thêm một cây giò nữa về để so sánh. Không ngờ là từ kiểu dáng, mùi vị đều như nhau. Chỉ khác một điều là người bạn kia thì nói rằng vì đây là giò nhà tự làm nên số lượng có hạn, trong khi Fanpage bán hàng kia thì nói rằng muốn mua bao nhiêu cũng có" , chị Thanh nói.
Không chỉ được rao bán trên chợ mạng, tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Nam Trung Yên, chợ Ngã Tư Sở…và các quầy hàng, đủ loại sản phẩm nhà làm như giò thủ, giò mỡ, xúc xích…cũng được bán tràn lan. Các chủ sạp đều giới thiệu rằng các thực phẩm là đặc sản ngày Tết này đều được họ tự làm, đảm bảo về chất lượng và chỉ bán trong dịp Tết.
Chị Hoàng Linh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có mua món xúc xích nhà làm tại một cửa hàng gia truyền và khi ăn thì phát hiện trong xúc xích có cả mẩu túi nilon. Từ đó tôi bỏ, không dám mua dùng tiếp nữa. Tôi phải chọn sản phẩm khác trong siêu thị để dùng thay".
Trên thực tế, dù là hàng bán online hay bán trên thị trường thì đặc điểm chung của các loại thực phẩm nhà làm là hầu như đều không ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì. Nghĩa là người tiêu dùng hoàn toàn “mù tịt" những thông tin này. Việc mua bán vì thế chỉ được cam kết qua sự tin tưởng lẫn nhau.
"Các loại thực phẩm tôi hay mua thường là những món như thịt kho, giò, lạp sườn...Ban đầu khi chưa quen được nơi mua, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng, hỏi ý kiến người đã từng mua, còn khi đã mua quen một người rồi thì hay mua chỗ đó. Không ít lần tôi mua phải những sản phẩm trên mạng quảng cáo bắt mắt nhưng khi nhận về lại không như mong đợi, không dám sử dụng vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Đến lúc hỏi lại thì người bán lại trả lời vòng vèo rồi chặn liên lạc" , chị Thu Trang một người tiêu dùng ở Đống Đa (Hà Nội) nói.
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm từng không ít lần cảnh báo người tiêu dùng về chất lượng, tính an toàn của các loại thực phẩm nhà làm vì người mua không thể đánh giá được chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào của các loại thực phẩm này, còn cơ quan chức năng cũng không thể giám sát, kiểm tra. Đặc biệt, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, những hành vi vi phạm càng dễ xảy ra do nhu cầu tăng đột biến, còn người bán luôn muốn hưởng lợi nhuận lớn.
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, dù ý thức của người dân về an toàn thực phẩm trong những năm gần đây đã được nâng cao song cũng không ít hộ kinh doanh, có thể vì mục đích lợi nhuận hoặc do không hiểu hết quy định về sử dụng phụ gia, hóa chất nên sử dụng quá liều lượng cho phép. Vì thế, người tiêu dùng cần cảnh giác để tự bảo vệ sức khỏe của mình, người thân và cộng đồng.