Những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt vitamin K - vitamin giúp hỗ trợ đông máu và xương chắc khỏe
Dù khá hiếm gặp, tình trạng thiếu hụt vitamin K có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh. Do đó, nếu gặp phải dấu hiệu này, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.
Vitamin K đóng một vai trò quan trọng giúp hỗ trợ đông máu và duy trì xương chắc khỏe. Do đó, thiếu hụt chất này sẽ khiến những vết thương trên cơ thể lâu lành hơn. Theo chuyên gia dinh dưỡng Clare McKindley tại Trung tâm y tế Ronald Reagan UCLA, California (Hoa Kỳ), nam giới cần bổ sung 120 mcg vitamin K mỗi ngày. Con số này là 90 mcg đối với phụ nữ. Rau chân vịt, súp lơ xanh, cải xoăn, quả việt quất, phô mai, thịt, đậu nành và trứng là những nguồn cung cấp vitamin K dồi dào.
Dù khá hiếm gặp ở người trưởng thành, tình trạng thiếu hụt vitamin K có thể xảy đến ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm loét đại tràng, loét dạ dày, không dung nạp gluten và hội chứng ruột kích thích.
Thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống đông máu cũng có thể gia tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu vitamin K:
Vitamin K đóng một vai trò quan trọng giúp hỗ trợ đông máu và duy trì xương chắc khỏe.
Dễ chảy máu và bầm tím
Vitamin K ảnh hưởng lớn tới quá trình đông tụ máu. Do đó, dễ chảy máu là một trong những triệu chứng cơ bản của tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng này. Andrew Stemer, chuyên gia y khoa kiêm giám đốc Bệnh viện Sinus trực thuộc Đại học MedStar Georgetown cho biết, chảy máu có thể xảy đến ở trong hoặc bên ngoài cơ thể. Bạn có khả năng bị chảy máu chân răng và chảy máu cam thường xuyên.
Hơn nữa, chảy máu quá mức ở những vết thương nhỏ cũng là dấu hiệu của tình trạng này. Thiếu hụt vitamin K cũng có thể làm xuất hiện những vết bầm tím trên da.
Nôn ra máu
Thiếu hụt vitamin K có thể gây nên tình trạng chảy máu trong dạ dày, từ đó làm bạn nôn ra máu. Nếu mắc phải triệu chứng nguy hiểm này, bạn đến trung tâm y tế càng sớm càng tốt. Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây nên tình trạng này, các bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Thiếu hụt vitamin K có thể gây nên tình trạng chảy máu trong dạ dày, từ đó làm bạn nôn ra máu.
Chảy nhiều máu trong kì kinh nguyệt
Phụ nữ bị thiếu hụt vitamin K có thể ra máu nhiều hơn trong kì kinh nguyệt hàng tháng. Ngoài ra, theo Eve Espey, giáo sư kiêm trưởng khoa phụ khoa tại Trường Y thuộc Đại học New Mexico, bạn cũng phải thường xuyên thay băng vệ sinh nhiều hơn bình thường một ngày. Ra nhiều máu trong kì kinh nguyệt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu và gây nên các triệu chứng tiêu cực như chán nản mệt mỏi.
Ra máu khi đại tiện và tiểu tiện
Máu xuất hiện trong phân hoặc nước tiểu cũng là dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt vitamin K. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy máu trong phân hoặc các đốm máu trên giấy vệ sinh. Hơn nữa, Rusha Modi, ThS, bác sĩ chuyên khoa dạ dày ruột kiêm trợ lý giáo sư y học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Keck ở California cho biết, máu có thể làm nước tiểu chuyển sang màu đỏ, hồng hoặc màu nâu sậm. Nếu nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng này, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Máu xuất hiện trong phân hoặc nước tiểu cũng là dấu hiệu của tình trạng thiếu hụt vitamin K.
Dễ buồn ngủ và nôn mửa
Trong trường hợp nặng, thiếu hụt vitamin K có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết xung quanh hoặc trong não trẻ sơ sinh. Hiện tượng này khiến trẻ ngủ nhiều hơn bình thường. Nôn mửa cũng có thể đi kèm với hiện tượng co giật ở một số người không bổ sung đủ chất dinh dưỡng này.
Ngoài ra, các vấn đề về sức khỏe khác cũng có thể liên quan tới tình trạng thiếu hụt vitamin K, từ đó gây nên những triệu chứng nguy hiểm.
Suy giảm sức khỏe xương
Vitamin K tham gia vào quá trình hình thành xương khớp. Do đó, thiếu hụt chất này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe xương. Trên thực tế, một nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Memorial Hermann ở Houston, Texas cho thấy, bổ sung nhiều vitamin K có thể giảm nguy cơ bị gãy xương hông. Các chuyên gia cho rằng, thiếu hụt vitamin này có khả năng hạn chế quá trình canxi hóa của xương và góp phần gây loãng xương. Một số dấu hiệu của chứng loãng xương bao gồm đau lưng, giảm chiều cao và dễ gãy xương khi vận động.
Vitamin K tham gia vào quá trình hình thành xương khớp.
Tức ngực và tim đập nhanh
Một số nghiên cứu đến từ Đại học Yale, New Haven (Mỹ) đã chỉ ra, cơ thể hấp thụ nhiều vitamin K có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Chất dinh dưỡng này có thể ngăn ngừa quá trình vôi hóa mạch máu và tránh mạch máu trở nên hẹp và cứng. Tức ngực là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh tim mạch vành. Cơn đau này có thể xuất hiện do căng thẳng hoặc hoạt động mạnh. Ngoài ra, khó thở hoặc tim đập nhanh cũng là triệu chứng khác của tình trạng này.
Xuất hiện dấu hiệu liên quan đến bệnh tiểu đường
Theo Lori Zanini, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng kiêm người sáng lập chế độ dinh dưỡng 7 ngày cho người bệnh tiểu đường, những người sở hữu hàm lượng vitamin K thấp có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn người khác. Chất này có thể tăng cường khả năng kháng insulin và chuyển hóa glucose. Các triệu chứng của bệnh tiểu đường bao gồm tiểu tiện nhiều, thường xuyên khát nước, mệt mỏi, mờ mắt và giảm cân bất thường.
Những người sở hữu hàm lượng vitamin K thấp có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn người khác.
Đau và viêm khớp
Một vấn đề về sức khỏe khác có liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin K là viêm xương khớp. Bệnh này có thể gây đau và viêm nhiễm ở các khớp xương mỗi khi di chuyển hay hoạt động. Những bệnh nhân gặp phải tình trạng này còn có khả năng bị cứng khớp không cử động được trong một thời gian.
(Nguồn: Curejoy)