Nhiều người Việt có 6 kiểu nấu ăn dễ gây bệnh, tăng nguy cơ ung thư này: Thay đổi ngay để tránh gặp họa
Rất nhiều người vô tư nấu ăn theo những cách này mà không biết "sát thủ vô hình" đang rình rập trong nhà bếp.
Nhiều người thích ăn uống và nấu những món ăn ngon. Tuy nhiên, chắc hẳn bạn không hề nghĩ rằng một số thói quen nấu nướng tưởng chừng bình thường hóa ra lại gây hại sức khỏe, thậm chí tăng nguy cơ ung thư.
1. Không vệ sinh chảo sau khi chiên rán và tiếp tục dùng
Nhiều người chiên rán đồ ăn trên chảo xong thường không rửa ngay. Hoặc là lười biếng, hoặc là không thấy cần thiết nhưng thói quen nấu nướng này sẽ gây hại sức khỏe của bạn.
Sau khi chiên rán xong, chảo dù sạch đến mấy cũng sẽ có dầu mỡ, thức ăn bám trên bề mặt. Khi đun nóng ở nhiệt độ cao có thể sinh ra chất gây ung thư như benzopyrene. Nếu tiếp tục chiên rán cho những lần sau mà không rửa sạch chảo, cặn thức ăn còn sót lại dễ bị cháy khét, là mầm mống gây ung thư.
Giải pháp: Sau mỗi lần chiên rán hãy rửa sạch chảo trước khi dùng cho lần tiếp theo.
2. Chỉ xào nấu khi dầu bốc khói
Các loại dầu ăn ngày nay nhìn chung được tinh chế để loại bỏ một lượng lớn tạp chất, dễ sinh khói và có điểm bốc khói tương đối cao.
Khi chảo dầu bốc khói, nhiệt độ dầu có thể đã lên tới trên 200°C. Việc cho thực phẩm vào chảo lúc này không chỉ làm mất đi dinh dưỡng mà còn khiến thực phẩm bị biến đổi chất. Nhất là những thực phẩm giàu chất đạm, béo hay tinh bột, nó sẽ bị biến đổi, sinh ra chất gây ung thư.
Giải pháp: Trong quá trình nấu, tốt nhất bạn nên sử dụng các loại dầu ép lạnh. Những loại dầu này sẽ giữ được trọn vẹn hương vị và giá trị dinh dưỡng của hạt. Phương pháp cũng không sử dụng nhiệt để làm chín các loại hạt trước khi ép nên khá an toàn sức khỏe.
3. Không bật máy hút mùi khi nấu, tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu xong
Dầu ăn sẽ sinh ra khói ở nhiệt độ cao, chứa nhiều chất gây kích ứng, nếu hít phải rất có hại cho cơ thể. Một số người không bật máy hút mùi khi nấu ăn hoặc có thói quen tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu. Trên thực tế, vẫn còn một lượng khí thải còn sót lại trong bếp sau khi nấu nướng, tiềm ẩn nguy cơ ung thư phổi.
Giải pháp: Sau khi nấu, bạn có thể để máy hút mùi tiếp tục hoạt động trong 3 - 5 phút để đảm bảo rằng các khí độc hại đã được hút khỏi nhà bếp.
4. Thêm nhiều gia vị khi nấu ăn
Để có được món ăn ngon, nhiều người có thói quen cho rất nhiều gia vị vào nấu nướng, vô hình trung làm món ăn chứa rất nhiều muối.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, có đến 78,2% số người luôn luôn thêm muối, mắm, gia vị mặn vào thức ăn khi nấu nướng. TS Trần Quốc Bảo (Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế) cho hay, ăn thừa muối là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch nói chung.
Nó cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương...
Giải pháp: Chỉ sử dụng một chút muối hoặc nước tương khi nấu, hạn chế dùng bột nêm, bột ngọt. Bạn có thể tăng hương vị cho món ăn bằng hành, gừng, tỏi, hạt tiêu...
5. Dùng dầu sau chiên rán để xào nấu
Khi được đun nóng đến nhiệt độ cao, các axit béo chuyển hóa và các sản phẩm oxy hóa dầu độc hại được tạo ra. Khi bạn tiếp tục sử dụng loại dầu này để nấu ăn ở nhiệt độ cao, nồng độ chất gây ung thư sẽ tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, dầu đã qua sử dụng còn bị oxy hóa và dễ bị hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách.
Giải pháp: Không tái sử dụng dầu để nấu ăn. Nếu bạn vẫn muốn dùng thì PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), khuyến cáo: Bạn có thể tái sử dụng thêm một lần nữa trong trường hợp chắc chắn dầu của bạn nóng vừa đủ và chưa bị bốc khói.
6. Sử dụng chung thớt cho thực phẩm sống và chín
Khi thái thực phẩm sống, vi khuẩn trong thực phẩm sẽ còn sót lại trên đó và một số thực phẩm sống còn mang theo nhiều trứng ký sinh. Nếu dùng để thái thức ăn đã nấu chín sẽ có nguy cơ lây nhiễm chéo, dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Giải pháp: Nên có 2 chiếc thớt thái đồ sống và đồ chín riêng biệt.