Nhân viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111: Người ta chất vấn chúng tôi sao không lập tức có mặt ở hiện trường như trên phim

Bài viết: Phong Linh - Thiết kế: Hà Mĩ,
Chia sẻ

“Các anh chị đã ở đâu khi trẻ em bị xâm hại?”, "Sao không tống bọn ấu dâm vào tù?", “Các anh chị là bù nhìn à?”... là nhiều câu hỏi quen thuộc và đau đớn mà các nhân viên Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em phải nghe, mỗi khi có những vụ việc tấn công tình dục, bạo hành mà nạn nhân là trẻ em được phanh phui.

Hàng ngàn câu hỏi đặt ra như thế, nhưng có trò chuyện với họ mới biết những nỗi trăn trở trong nghề tâm sự với trẻ em. Chị Vũ Kim Nga là 1 trong 6 trưởng ca của Tổng đài 111, thuộc Cục Trẻ em, Bộ Lao động thương binh và Xã hội. Gắn bó với Cục Trẻ em và Tổng đài ngót 15 năm, trải qua hàng nghìn ca tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, chị Nga ví nghề của mình như làm dâu trăm họ, tưởng "đơn giản" nhưng chất chứa bao nhiêu nỗi niềm.

Tâm sự của nhân viên Tổng đài 111

box1

1

8 tiếng liên tục ngồi trong phòng trực điện thoại, mỗi ngày tiếp nhận và tư vấn hàng chục cuộc điện thoại từ tâm sự tâm sinh lý cho đến báo tin bạo hành, xâm hại trẻ em, đó là công việc chính của những tư vấn viên Tổng đài 111. Với những trưởng ca như chị, công việc trong ca trực còn là can thiệp kết nối, chịu trách nhiệm chất lượng tư vấn trong ca, quản lý công việc nội bộ và những việc phát sinh khác.

DSC09684

Tổng đài 111 hiện có khoảng 25 người, 2 - 3 cộng tác viên và 2 - 3 cố vấn giám sát chất lượng tư vấn cũng như cố vấn chuyên môn hỗ trợ giải quyết những ca khó. Họ đều là những người có chuyên môn tư vấn tâm lý, trình độ đại học trở lên; phải trải qua thi tuyển cực kỳ gắt gao, qua 2 - 3 vòng phỏng vấn, được đào tạo chuyên sâu cầm tay chỉ việc 1 tháng lý thuyết, 1 tháng thực hành; được đánh giá lại trước khi được nhận vào làm thử việc 6 tháng; được ban cố vấn giám sát chất lượng suốt 6 tháng rồi sau đó có quyết định nhận hay không. Có thể nói, họ đã được trui rèn qua nhiều áp lực mới có thể trụ lại ở Tổng đài, ngồi ở phòng máy để trò chuyện với các thân chủ của mình.

2

Mức lương của họ, theo chị Nga tiết lộ, là lương được trả theo đúng hệ số quy định dựa trên bằng cấp và thâm niên. "Nếu chỉ làm vì tiền, chắc không ai trụ được lâu với công việc này. Tất cả nhân viên của Tổng đài 111, tôi tin rằng đều say nghề, yêu công việc của mình, yêu cơ quan và quan trọng nhất là yêu trẻ em, muốn đồng hành cùng sự phát triển của trẻ em".

DSC09632

DSC09678

"Suốt 15 năm làm nghề, can thiệp hỗ trợ nhiều ca chỉ thông qua điện thoại, không gặp nạn nhân, nhưng có những trường hợp mà ai trong chúng tôi, khi cúp máy, khép lại hồ sơ rồi vẫn còn rất trăn trở. Đó thường là những trường hợp trẻ bị xâm hại từ rất lâu, không còn bằng chứng, không còn dấu vết, dù bé bị rối nhiễu, sang chấn tâm lý rất nặng nề, chúng tôi cũng làm hết sức để kết nối với các cơ quan liên quan, nhưng không thể thay đổi được gì, không thể đưa hung thủ ra pháp luật được. Tôi nhớ có một ca, em bé ở Quảng Bình và có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, bé bị xâm hại, nhưng tôi chỉ có thể hỗ trợ về tâm lý, giúp bé cảm thấy khá hơn thôi.

Cũng có những trường hợp, các nạn nhân bị xâm hại, bị bạo hành ở các tỉnh xa tìm đến, chúng tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ bằng cách đưa lên trung tâm trị liệu - bộ phận khác của Tổng đài để hỗ trợ trị liệu miễn phí rối nhiễu tâm lý cho trẻ. Đau lòng nhất là có những trẻ bị bạo hành, mẹ cũng bị bạo hành, mà tình trạng kéo dài lâu, sang chấn tâm lý nặng, trẻ lại ở tỉnh xa, nên chúng tôi thường kết hợp với "Ngôi nhà bình yên" của Hội Phụ nữ hoặc các tổ chức khác có nơi tá túc, để họ vừa được hỗ trợ chỗ ăn ở vừa được tư vấn tâm lý, trị liệu miễn phí".

DSC09640

Với nghề nghe trẻ em tâm sự như chị Nga và các nhân viên Tổng đài 111, việc mỗi ngày phải tiếp cận với quá nhiều thông tin tiêu cực, những vụ việc có tính chất gây sốc, chị cho biết, đôi khi bản thân các tư vấn viên cũng rơi vào hai trạng thái tâm lý: bị chán nản, xuống tinh thần hoặc bị chai lì cảm xúc.

Nhưng hiếm khi trạng thái này tồn tại lâu, bởi theo chị Nga bật mí, các tư vấn viên của Tổng đài cũng thường xuyên được tư vấn bước 2, được họp chuyên môn, chuyên đề, được các giáo sư tiến sĩ hỗ trợ tư vấn để giữ được sự cân bằng, tránh trạng thái cảm thấy "bình thường", dửng dưng cũng như tránh đồng cảm quá mức vào câu chuyện.

3

Trong quá trình thực hiện chiến dịch "Quyền an toàn", aFamily nhận được nhiều lời "thú nhận" của những phụ nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tâm sự rằng họ từng bị xâm hại, bị tấn công tình dục, nhưng người được họ chia sẻ không tin, cho rằng họ bịa chuyện, tưởng tượng, thậm chí cho rằng họ thật hư hỏng khi nói ra điều đó.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Kim Nga cho hay, đó là một vấn đề có thật, và không hề cá biệt. Chị kể, chị biết rất nhiều trường hợp nạn nhân nói ra nhưng không được tin tưởng, bị gạt đi, từ đó mà tạo thành tâm lý xấu hổ, giấu giếm. Khi người mà mình tin tưởng nhất là mẹ cha đã không tin rồi, còn ai tin mình nữa? Đó là tâm lý chung của rất nhiều nạn nhân. Nạn nhân không nói ra, không kể với ai nữa nhưng nỗi đau không vì thế mà biến mất. Họ chôn nỗi đau trong lòng, và rồi tiếp tục là nạn nhân, không chỉ một lần.

4

"Ở Tổng đài, tất cả cuộc gọi tư vấn cũng như ở ngoài đời, chúng tôi luôn khuyến khích trẻ nói ra vấn đề của mình. Chúng tôi khuyến khích trẻ, nếu gặp vấn đề, đặc biệt là khi bị xâm hại, nên nói với người mình tin tưởng, người mình nghĩ rằng sẽ hiểu mình và tin mình, nếu không phải người này thì sẽ có người khác tin. Nếu bố mẹ không tin thì còn giáo viên, còn bạn bè, người thân khác… Có nhiều vụ bạo hành, xâm hại được tố giác bởi hàng xóm, bạn học, giáo viên chứ không phải người thân trong gia đình trẻ.

Tôi muốn nói với nạn nhân rằng, ngoài việc chuẩn bị cho mình kỹ năng, biết cách bảo vệ mình, quan trọng nhất là trẻ phải kể ra được, phải diễn đạt được mình đã bị làm hại như thế nào, chắc chắn sẽ có người đứng lên bảo vệ trẻ, đừng bao giờ giữ lại trong mình, vì sẽ tiếp tục là nạn nhân" - chị Nga tâm sự.

5

Chị cũng nhấn mạnh, trên thực tế, có những phụ huynh khi con nói con bị xâm hại, họ từ chối tin con mình. Không hẳn là vì họ nghĩ con nói dối, mà là họ không thể chấp nhận sự thật kinh khủng đó, muốn phủ nhận đi và vờ như chẳng có chuyện gì. Nhưng sự thật là trẻ sẽ không thể quên. Trừ những trường hợp rất ít trẻ có trí tưởng tượng hoặc vừa nghe thông tin, xem clip trẻ em khác bị xâm hại và nói rằng mình bị thế, nhưng khi trẻ đã nói mình bị người khác làm hại 1 lần trở lên, chắc chắn điều đó xảy ra, và đó là điều mà tất cả người nghe phải tin.

6

Gần đây, sự phát triển là lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội đã tạo sức ép lên rất nhiều kênh. Tổng đài 111 cũng chịu "bão tố" không nhỏ khi hàng loạt vụ ấu dâm, hiếp dâm trẻ em được phát lộ ra từ nguồn mạng xã hội. Chị Kim Nga chia sẻ, chị cho rằng mạng xã hội rất lợi hại khi có độ phủ cao, đưa thông tin nhanh và rộng, đôi khi có những thông tin mà người địa phương không biết. Điều này phần nào giúp trẻ em được bảo vệ, Tổng đài cũng như các cơ quan chức năng tiếp cận thông tin nhanh, vào cuộc nhanh, kịp thời, công bằng.

DSC09653

DSC09681

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng tạo áp lực ngược về Tổng đài, vì đôi khi người dùng mạng chia sẻ thông tin nhưng kèm theo cảm xúc cá nhân hoặc đánh giá chủ quan vào, khiến sự việc bị lệch lạc, không hoàn toàn chính xác.

Chị Nga kể, bản thân chị và nhiều đồng nghiệp của mình từng nghe người dân mắng, có người gọi hẳn lên Tổng đài chất vấn chuyện tại sao Tổng đài, tại sao Cục Trẻ em không có mặt ngay lập tức ở hiện trường, hệt như lực lượng phản ứng nhanh hay nhân viên xã hội nước ngoài mà thường thấy trên phim, lập tức đưa trẻ đến nhà an toàn, bảo vệ trẻ khỏi việc giáp mặt với kẻ phạm tội hoặc gia đình kẻ phạm tội trực tiếp thương lượng hay đe dọa nạn nhân… Đó cũng là điều mà chị mong muốn và trăn trở.

7

"Ai cũng có quyền mong muốn điều tốt đẹp nhất, nhưng chúng tôi chỉ làm những việc trong giới hạn chức năng mà pháp luật quy định. Tôi cũng biết dư luận lên tiếng, hỏi rằng không biết chúng tôi ở đâu mà để xảy ra việc này việc kia. Tôi chỉ nghĩ, làm việc tốt, với người này là tốt, người kia thấy chưa đủ, đó là chuyện hết sức bình thường. Cá nhân tôi cảm thấy Cục trẻ em và tổng đài đã cố gắng làm hết sức có thể.

Khi Tổng đài nhận được thông tin, chúng tôi lập tức làm việc luôn. Giống như nghề làm dâu trăm họ, không thể vừa lòng hết tất cả. Nhưng tất cả những sự việc ấy Cục Trẻ em và Tổng đài phải giải quyết theo đúng quy trình pháp luật. Chúng tôi không bận tâm nhiều đến chuyện người ta nói là chúng tôi ở đâu hay ở đó. Chúng tôi luôn luôn ở bên cạnh trẻ em. Xã hội cần biết đến Tổng đài 111, rằng chúng tôi luôn ở đây, lắng nghe và hỗ trợ trẻ em".

box2

Chia sẻ