Nhân ngày phát lương bàn chuyện đàn ông nộp hết tiền cho vợ: Tôn trọng ở đâu mà hễ "ting ting" là bắt cống nạp?
Hôm qua share bài “vợ chồng tôn trọng lẫn nhau là nền tảng của một gia đình hạnh phúc”, hôm nay, lại tag chồng vào bài “các lý do khiến đàn ông nên giao hết lương cho vợ”. Tôn trọng chỗ nào?
"Cuộc chiến" đòi chồng cống nạp lương
Những ngày cuối cùng của tháng là dịp để hai giới đàn ông và đàn bà tiếp tục mang câu chuyện “lương của chồng có nên giao hết cho vợ quản lý hay không?” ra mổ xẻ, tranh cãi để giành phần thắng về mình.
Và lúc nào cũng thế, với lý lẽ sắc bén kèm với những bài viết hô hào rao giảng ngán đến tận cổ xuất hiện với tần suất dày đặc tỉ lệ thuận với các cuộc kêu gọi bình quyền đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử loài người, thì phần thắng có vẻ nghiêng về phía chị em.
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, lương tháng của chồng tất nhiên phải giao hết cho vợ quản lý, chi tiêu sinh hoạt.
Đàn ông không giỏi tiết kiệm, chỉ nên lo việc đại sự, còn “tiểu sự” trong nhà để đàn bà lo, mà muốn lo phải đưa cho họ tất cả lương.
Phụ nữ nhạy cảm, tinh tế với tiền, biết cái gì nên và không nên trong việc thu chi, vì thế, đàn ông ấy mà, có lương phải “cống nạp” hết cho vợ.
Đưa hết lương cho vợ là biểu hiện của một người đàn ông tin tưởng vợ, tôn trọng vợ.
Có tiền trong người, đàn ông dễ “hỏng”, cho nên để đề phòng, tốt nhất cứ đưa hết lương cho vợ.
Trên là hàng loạt các lý do phổ biến được kha khá người thuộc “giới cánh mỏng” đưa ra để tranh giành quyền được thụ hưởng toàn bộ lương tháng của chồng. Thoạt nghe có vẻ cũng hợp lý đấy, thú vị và đầy nhân văn đấy, nhưng xem kỹ mới thấy chúng thật khó ngửi vì sặc mùi định kiến, quy chụp.
Trên đời này không có thứ gì đáng sợ hơn định kiến
Thật mâu thuẫn làm sao, vào dịp lễ Tết, “chi hội các bà vợ” trên cả nước cứ kêu ca chồng chả giúp ích gì được cho mình, chỉ biết chè chén xong lăn ra ngủ, tất cả mọi việc trong nhà một tay mình “cân tất”. Vậy mà đến những ngày cuối tháng, lại mang bài ca “anh chỉ việc lo đại sự, đưa hết lương tháng đây, chuyện trong nhà để hết cho em”.
Đấy, để hết cho lo đấy, tiền cũng nắm cả mà đòi thêm cái gì? Lúc đó chồng quay sang bảo “em bảo anh chỉ lo đại sự cơ mà, nên chuyện vặt trong nhà anh đâu có quan tâm” - có phải chết không? Tự mình dõng dạc tuyên bố đòi ôm đồm chuyện nhà cửa con cái, cuối cùng than là than cái gì?
Muốn xóa bỏ định kiến, đồng thời cũng muốn giữ định kiến “đàn bà chỉ lo việc nhà, đàn ông ra ngoài kiếm tiền” như thế thì thật thương cho các ông chồng và cả các bà vợ, chả khác nào “dẫn lửa tự thiêu mình” cả.
Chị em ạ, trên đời này không có thứ gì đáng sợ hơn định kiến đâu, muốn giải quyết nó để đi tìm sự công bằng cho chính mình, hãy thôi vô lý trong việc quy định vai trò của chồng phải như thế này thế nọ đi, nhỏ nhất là cái chuyện lương chồng thuộc về ai. Đã đóng khung đàn ông thì đừng trách tại sao đàn ông đóng khung lại mình.
Ai nói trên đời này, phụ nữ đều giỏi chi tiêu tiết kiệm? Khối người vợ hoang phí, ở nhà rủng rỉnh tiền lại bắt đầu lao vào các trò cờ bạc đến mức ôm nợ kia kìa. Ai nói chồng đưa hết lương cho vợ là tôn trọng vợ? Khối ông xem chẳng khác nào quản gia kia kìa.
Ai nói chồng đưa hết lương cho vợ sẽ không giở thói sinh hư? Đã hư trong tư tưởng thì có trăm đường để qua mặt (và nghịch lý là càng bị kiểm soát vấn đề tiền nong, đàn ông càng muốn lập quỹ đen quỹ đỏ).
Câu chuyện về một cầu thủ giàu có, bỗng chốc trắng tay vì quá... tin tưởng vợ
Chẳng nói đâu xa, câu chuyện của cựu ngôi sao Arsenal - Emmanuel Eboue là một ví dụ điển hình cho việc: Không phải cứ gửi hết lương cho vợ thì cái kết có hậu sẽ đến với mình!
Emmanuel Eboue vốn từng là cái tên lọt top 5 cầu thủ giàu có nhất Bờ Biển Ngà khi chơi bóng tại Anh. Tuy nhiên, vì quá tin tưởng nên anh đã giao hết mọi nguồn thu nhập của mình cho người vợ thân yêu (lên đến 7 triệu euro, tương đương 183 tỷ đồng) với lý do: Không giỏi quản lý tài chính, gửi tiền để vợ tiết kiệm và nuôi nấng 3 đứa con.
Cứ ngỡ với quyết định “đúng đắn” với tất cả tình yêu thương này, Emmanuel Eboue sẽ chẳng phải lo nghĩ gì nhiều cả, cứ tập trung theo đuổi đam mê thôi. Nhưng không, tình yêu và sự tin tưởng của anh đã đặt sai chỗ khiến anh gánh lấy hậu quả trắng tay.
Ngày vợ Emmanuel Eboue quyết định bỏ anh, đến tòa án nghe phán quyết, anh mới vỡ lẽ, toàn bộ tài sản đều đã được người phụ nữ tay ấp má kề âm thầm sang tên. Anh thậm chí còn không có đủ tiền để thuê luật sư theo giúp mình đòi lại công bằng, không còn đủ tài chính để nuôi bất kỳ đứa con nào.
Cứ thế, anh sống trong cảm giác mất mát đến cùng cực, sống trong căn nhà do chính công sức lao động mình đổi lấy nhưng lúc nào cũng thấp thỏm “chẳng biết khi nào sẽ bị tịch thu”. Đã có lúc, Emmanuel Eboue còn nghĩ đến việc tự tử xem như trả giá sự dại dột của bản thân, may mắn vì còn có bạn bè ở cạnh động viên, anh vẫn tiếp tục gắng gượng làm lại từ đầu.
Làm gì có công thức chung nào "bào chế" ra một gia đình hạnh phúc
Thật ra, không có công thức chung nào để bào chế ra một gia đình hạnh phúc huống gì nghĩ rằng hành động chồng giao hết lương cho vợ sẽ tạo dựng được mái nhà thập toàn thập mỹ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh cơ mà!
Vì vậy, chẳng có gì gọi là nên hay không nên cả, lương tháng giải quyết thế nào cho vẹn toàn phụ thuộc vào vấn đề thỏa hiệp và tự nguyện của cả hai vợ chồng, đừng tốn công vô ích theo mớ lý thuyết 3 xu kẻo gặp phản ứng ngược.
Và cũng đừng có kiểu hôm qua share bài viết nào đó có tựa đề “vợ chồng tôn trọng lẫn nhau là nền tảng của một gia đình hạnh phúc”, xong hôm nay, đúng ngày cuối tháng có lương lại tag chồng vào bài “các lý do khiến đàn ông nên giao hết lương cho vợ”, thế chẳng khác nào tự vả vào mặt mình và vả vào mặt chồng đâu. Tôn trọng chỗ nào?
Đàn ông ấy không ai thích chuyện đó và đàn bà càng nhiệt tình share tag chỉ tổ chứng minh công cuộc làm vợ của mình… thất bại. Chỉ có thất bại mới không thể tìm được tiếng nói chung, sự tự nguyện dựa trên cơ sở thấu hiểu lẫn nhau ở vấn đề tài chính trong cuộc sống hôn nhân gia đình mà thôi!