Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen

Hạ Uyên ,
Chia sẻ

Lời khen như con dao hai lưỡi, nó vừa có tính khích lệ nhưng cũng có thể khiến cho người ta bị thụt lùi hoặc chính những lời khen sẽ trở thành rào cản tách họ khỏi cuộc sống bình thường.

* Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Khen ngợi như là cách để cha mẹ gieo hạt mầm tạo nên động lực cho trẻ hành động, cũng như nuôi dưỡng sự tự tin ở bản thân. Thế nhưng lời khen cũng như một hạt giống - tùy cách gieo khác nhau mà sẽ nảy mầm hay bị sâu mọt.

Là bà mẹ hai con đang sống tại Hà Nội, đồng thời có nhiều bài viết sâu sắc về quan điểm nuôi dạy con, nhà văn Lê Thanh Ngân cho rằng, việc khen ngợi cũng chính là một nghệ thuật. Nếu khen con sai cách, nó có thể khiến con bạn cảm thấy cuộc sống thật quá mệt mỏi khi cố gắng để trở thành những người hoàn hảo giống như những lời khen của cha mẹ dành cho mình.

"Lời khen cũng có mặt trái. Nó vốn là để chia vui, để động viên khích lệ tinh thần phấn đấu của con. Đừng để lời khen trở thành tảng đá đè nặng lên đôi vai của trẻ. Đừng để sự kỳ vọng lấp ló sau những lời khen tặng", chị nói.

Xin được chia sẻ quan điểm đang được nhiều phụ huynh đồng tình này của nữ nhà văn này.

Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen  - Ảnh 1.

Nhà văn Lê Thanh Ngân.

MẶT TRÁI CỦA LỜI KHEN

Đoạn tin nhắn dưới đây là của một cô bé học lớp 9. Câu chuyện của cháu khiến tôi rất buồn nhưng tôi xin phép không kể vì đó là nguyện vọng của cháu. Nhưng bạn có để ý tới câu nói này không?

"Cháu là niềm tự hào của họ"

Dù có đầy đủ bố mẹ, sống trong một điều kiện khá tốt nhưng khi bản thân gặp vấn đề, cô bé lại phải tìm đến sự trợ giúp của người lạ. Chỉ bởi vì đã trót là niềm tự hào của bố mẹ nên không muốn họ bị thất vọng bởi những sai lầm mình mắc phải. Đọc tâm sự của cô bé, sống mũi tôi cay cay. Thực ra, tình huống cô bé nhờ tôi tư vấn cũng không phải vấn đề gì quá lâm li bi đát nhưng, tôi buồn, bởi vì cô bé quá cô độc. Cô bé cô độc bởi chính tài năng của mình và những lời khen ngợi của cha mẹ.

Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen  - Ảnh 2.

Đoạn tin nhắn của một cô bé học lớp 9.

Là người có nhiều trải nghiệm với việc nhận được nhiều lời khen ngợi mỗi ngày. Và vì thế, tôi hiểu, lời khen như con dao hai lưỡi, nó vừa có tính khích lệ nhưng cũng có thể khiến cho người ta bị thụt lùi hoặc chính những lời khen sẽ trở thành rào cản tách họ khỏi cuộc sống bình thường, trở nên độc lập một cách cô độc, sợ bị bộc lộ những yếu kém, thiếu sót của bản thân. 

Nhà văn Lê Thanh Ngân

Cố gắng xây dựng hình ảnh cá nhân sao cho xứng đáng với những lời khen ngợi, thực ra là một việc làm rất căng thẳng và áp lực.

Những lời khen cứ đẩy họ lên cao, đôi khi khiến họ không có cơ hội được quay đầu. Cố gắng xây dựng hình ảnh cá nhân sao cho xứng đáng với những lời khen ngợi, thực ra là một việc làm rất căng thẳng và áp lực.

Tôi cũng từng thỉnh thoảng nói với Ri, Boi rằng "Mẹ tự hào về con", bọn trẻ cũng tỏ ra rất thích thú khi được khen như vậy. Nhưng, trong một số lần con chủ động hỏi "Mẹ, con làm thế mẹ có tự hào vì con không?" thì tôi bắt đầu nhận thấy có gì đó không ổn trong mục đích công việc mà bọn trẻ làm. 

Chúng đang cố gắng làm được một việc tốt nào đó chỉ để cho mẹ cảm thấy tự hào. Đó không phải là mục đích mà tôi hướng đến. Tất cả những gì chúng làm phải xuất phát từ mong muốn của bản thân chúng, chứ không phải vì mong muốn của cha mẹ hay để thỏa mãn niềm vui sướng, tự hào của cha mẹ.

Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen  - Ảnh 3.

Cũng kể từ đó, tôi bắt đầu để ý hơn tới thái độ của bọn trẻ khi nhận được những lời khen của người lớn và những biểu hiện của chúng sau khi được khen ngợi. Tôi nhận ra rằng khen ngợi cũng cần đúng trọng điểm, đúng liều lượng, với cách thức hợp lý chứ không phải cứ thoải mái ca tụng hết lời để khiến bọn trẻ vui sướng.

Dưới đây là những bài học tôi đúc kết được từ những trải nghiệm của bản thân.

1. Đừng liên tục khen con thông minh mà hãy khen sự nỗ lực và cách giải quyết vấn đề của con. Vì thông minh là bẩm sinh nhưng nghị lực mới là yếu tố quyết định tới sự phát triển của mỗi người. Khen con thông minh cũng dễ khiến bọn trẻ nảy sinh tâm lý chủ quan dẫn tới cẩu thả hoặc là hoang mang lo sợ khi gặp ai đó có biểu hiện thông minh hơn mình. Tập trung khen ngợi vào những nỗ lực vể mặt tinh thần, lý trí của con thì dù con bạn có không quá thông minh, bé cũng sẽ có một ý chí vượt khó đáng nể.

Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen  - Ảnh 5.

2. Thay vì khen con xinh gái thế, đẹp trai thế, trắng trẻo đáng yêu quá… Hãy khen "bộ váy này rất hợp với con", "Con buộc tóc thế này nhìn gương mặt rất sáng sủa", "mỗi khi con cười tươi như vậy, nhìn con rất duyên dáng"… (Những lời khen này chúng ta có thể dành tặng cho mọi đứa trẻ kể cả những em bé có ngoại hình không nổi trội như các bạn khác). 

Tại sao phải như vậy? Bởi vì nếu chỉ thấy con xinh đẹp mới khen và khen xinh đẹp đơn thuần, bọn trẻ dễ bị áp lực bởi những lời khen đó, dễ dẫn tới nhận thức lệch lạc "phải có ngoại hình xinh đẹp, đáng yêu mới được yêu quý" và khi chúng thấy mình không được xinh đẹp (quá mập mạp, quá ốm yếu, quá đen hay quá thấp bé…) sẽ ngay lập tức chuyển sang trạng thái tâm lý tự ti về ngoại hình của mình.

3. Khen quá trình, đừng chú tâm vào khen thành tích và điểm số. Nếu theo tiêu chí đó, thì dù điểm số của con có không cao nhưng con đã cố gắng hết mình, đó vẫn là một tinh thần đáng khen ngợi và cổ vũ. Dần dần, đứa trẻ cũng hình thành nhận thức về việc coi trọng giá trị thực tế mình nhận được hơn là điểm số cao hay thấp.

Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen  - Ảnh 4.

Khen quá trình, đừng chú tâm vào khen thành tích và điểm số.

4. Đừng khen "con khiến bố mẹ rất tự hào" dù trong thâm tâm bố mẹ có cảm thấy như thế thật. Thay vào đó, có thể nói rằng "Với những gì mà con đang làm, mẹ tin là sau này con sẽ có những bước phát triển tốt. Sẽ thực hiện được ước mơ mà con mong muốn". Bởi vì những gì con đang làm, trước tiên nó cần xuất phát từ ý muốn của con. Bố mẹ cần thể hiện cho con thấy rằng: con đang xây dựng cuộc đời mình chứ không phải sinh ra để thỏa mãn ý muốn của bố mẹ.

5. Đừng khen tặng con bằng hiện vật, thay vào đó hãy dành cho con những cái ôm, những nụ cười thể hiện tình yêu thương, sự chia sẻ. Mục đích của việc học hỏi, khám phá là để tích lũy vốn sống, kinh nghiệm sống và kỹ năng cho bản thân, không phải để đạt các món đồ bằng hiện vật. Làm như vậy, cha mẹ sẽ vô tình hạn chế tầm nhận thức của trẻ và khi trẻ không còn được khen thưởng bằng hiện vật nữa, chúng sẽ nảy sinh tâm lý chán nản không muốn phấn đấu.

6. Khi khen ngợi, hãy khen một cách thật tâm, đừng khen qua loa, cũng đừng quá tâng bốc hay có thái độ đùa cợt. Khen qua loa, trẻ sẽ thấy bố mẹ không mấy bận tâm tới câu chuyện của mình, quá tâng bốc hoặc sẽ khiến trẻ tự mãn hoặc sẽ khiến trẻ nghi ngờ những lời khen ngợi của cha mẹ.

Nhà văn Lê Thanh Ngân: Nhiều đứa trẻ cô độc, ngày càng thụt lùi vì "được" bố mẹ khen  - Ảnh 5.

Khi khen ngợi hãy khen một cách thật tâm, đừng qua loa, cũng đừng quá tâng bốc hay có thái độ đùa cợt.

7. Đừng gặp ai cũng khoe mẽ thành tích của con, nó giống như thể bạn đang thao thao bất tuyệt tự hào về chính mình vậy. Và con bạn có thể sẽ không thích điều đó. Ở một số trường hợp, tôi còn gặp những người mẹ khen con như thế này "Đấy, con thấy chưa? Làm theo mẹ cái là đạt kết quả cao ngay". Đừng cố gắng "chiếm dụng" thành tích của con trẻ. Hãy lùi lại làm người hướng dẫn, con bạn mới chính là người thực hiện nó cơ mà. Hãy để cho con có cơ hội được tự hào về chính mình.

Khen ngợi cũng chính là một nghệ thuật. Lời khen vốn là để chia vui, để động viên khích lệ tinh thần phấn đấu của con. Đừng để lời khen trở thành tảng đá đè nặng lên đôi vai của trẻ. Đừng để sự kỳ vọng lấp ló sau những lời khen tặng. Nó khiến con bạn cảm thấy cuộc sống thật quá mệt mỏi khi cố gắng để trở thành những người hoàn hảo giống như những lời khen của cha mẹ dành cho mình.

Chia sẻ