Nữ nhà văn chỉ ra sự khác biệt tạo nên một đứa trẻ ngoan hay một đứa trẻ hư và sai lầm của phương pháp "dạy con ngược" mà nhiều phụ huynh đang mắc phải
Nhiều bố mẹ hời hợt trong việc dạy dỗ con khi chúng còn nhỏ và o bế khi chúng trưởng thành vì cho rằng giai đoạn trẻ còn nhỏ không có gì đáng lo ngại. Sai lầm bắt đầu từ đó.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Tại sao lại có những đứa trẻ hư và những đứa trẻ ngoan. Liệu có phải "cha mẹ sinh con trời sinh tính"? Là mẹ của hai con, đồng thời luôn có những quan điểm dạy con mới lạ được nhiều phụ huynh đồng tình và yêu thích, nhà văn Lê Thanh Ngân mới đây đã có bài viết xoay quanh vấn đề này.
Tù những câu chuyện về gia đình xung quanh, cô đưa ra những quan điểm thẳng và thật về giáo dục con cái khiến nhiều người suy ngẫm.
Những đứa trẻ cô đơn dù sống giữa cha mẹ mình
Một người chị của mình có con gái năm nay đã học lớp 11 nhưng chưa bao giờ chị để con tự đến trường một mình dù nhà chỉ cách trường chưa đến 300 mét. Đơn giản chỉ bởi vì chị ấy thiếu sự tin tưởng ở cô bé.
Quay ngược thời gian trở lại những năm trước đây khi con gái chị còn nhỏ, cô bé phải ở với ông bà ngoại ngay từ khi vừa dứt sữa để vợ chồng chị sang Đài Loan kiếm kế sinh nhai. Ngày chị về nước, con bé đã 6 tuổi. Chị từng nói với mình "điều khiến chị hối hận nhất chính là xa con khi con còn quá nhỏ". Bởi vì hiện tại, chị thấm thía hơn ai hết cái được và cả cái mất của quyết định ấy. Dù có cố gắng vun đắp thế nào đi chăng nữa, giữa chị và con bé vẫn luôn có một khoảng cách vô hình. Hoàn toàn không gần gũi được như chị và cô con gái út.
Tuy nhiên trong trường hợp của chị vẫn có thể xem là vì hoàn cảnh xô đẩy mà phải chịu cảnh chia lìa. Thực tế cuộc sống vẫn tồn tại những trường hợp gia đình dù hoàn cảnh không hề éo le, thậm chí rất khá giả, nhưng những đứa trẻ vẫn cứ cô đơn dù sống giữa cha mẹ mình.
Từng có một chị bạn nói với mình rằng "phụ nữ mà cứ cắm mặt vào bếp núc, con cái là dại. Phải tự giải phóng mình đi chứ!". Và với quan niệm đó, chị ấy thuê giúp việc về làm việc nhà, con cái nay gửi bà nội mai gửi bà ngoại; đi học thì đã có cô giáo lo, ngày lễ Tết biếu cô phong bì hậu hĩnh là xem như việc học đã ổn.
Năm nay con chị ấy học lớp 8. Bỗng một ngày chị ấy tá hoả hỏi mình phải làm sao khi thằng bé biết yêu sớm? Làm sao để nó nghe lời mình? Làm sao để nó hết bướng? Làm sao để nó kể cho mình nghe những gì diễn ra ở trường? Làm sao để nó coi mình như bạn?
Những câu hỏi đó có phải là đã hơi muộn rồi không?
Đây chính là mấu chốt của những rắc rối phát sinh trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Thay vì hãy dồn thật nhiều sự quan tâm sâu sát đến con, cận kề bên con, dìu dắt hướng dẫn, rèn giũa uốn nắn những thói quen tốt cho con trong những năm đầu đời và buông dần tay khi chúng lớn lên thì rất nhiều bậc phụ huynh lại đi ngược lại hành trình đó.
Họ hời hợt trong việc dạy dỗ con khi chúng còn nhỏ và o bế chúng khi chúng trưởng thành. Bởi họ cho rằng giai đoạn trẻ còn nhỏ không thực sự quan trọng, hoàn toàn không có gì đáng lo ngại khi chúng vốn dĩ chỉ có thể luẩn quẩn xung quanh mình. Tất cả mọi hoạt động của chúng đều trong tầm kiểm soát.
Thiếu niềm tin vào con cái bởi chính bạn vốn cũng không hiểu con mình
Hãy tưởng tượng bạn trồng một cây hoa dây leo. Khi cây hoa vừa trồi lên khỏi mặt đất, bạn ngay lập tức bắc giàn sẵn, uốn thân cây vòng theo chiếc cọc dẫn lên giàn. Đúng như sự sắp đặt của bạn, càng lớn cây hoa càng men theo đó mà leo lên.
Việc ở bên cạnh con những năm tháng ấu thơ và rèn luyện cho con những thói quen tốt, những cách tư duy tích cực, cách nuôi dưỡng niềm vui vẻ cũng giống như cách bạn bắc giàn cho cây hoa leo lên vậy. Giai đoạn khi trẻ từ 0 - 6 tuổi hoặc 8 tuổi, chậm nhất là 10 tuổi chính là giai đoạn bạn xây dựng sẵn cho con mình chiếc xương sống để sau này chúng sẽ men theo đó mà bồi da đắp thịt vào.
Bởi vậy, những năm tháng đầu đời của con chính là giai đoạn then chốt mang tính quyết định đến cả một chặng đường đời rất dài sau này của chúng. Tất nhiên, nếu con bạn là một đứa trẻ tài năng, tư duy xuất chúng thì dù bạn có bỏ mặc nó cũng vẫn đi đúng hướng, toả sáng bằng cách này hay cách khác. Nhưng nếu con bạn chỉ là một đứa trẻ bình thường, làm ơn đừng vội vã buông tay.
Có lần Ri con mình sang hàng xóm chơi và về kể với mẹ là: Bác hàng xóm cầm dây điện đánh anh K (con trai) vì anh ấy mải chơi điện thoại không chịu ra ăn cơm. K năm nay học lớp 6. Mình lại nhớ tới những lần tình cờ đi ngang qua cửa hàng bán đồ điện của hàng xóm và lần nào cũng thấy K đang ngồi cắm mặt vào điện thoại chơi điện tử để bố mẹ bán hàng. Năm đó K chỉ mới 3 tuổi. Có lần mình có góp ý với hàng xóm về việc không nên để bé chơi điện thoại nhiều quá nhưng chỉ nhận được cái chẹp lưỡi của hai vợ chồng họ:
- Ôi giời ơi, thằng này mà không dí cho nó cái điện thoại thì không làm ăn gì được. Nó cứ hỏi liên mồm suốt ngày đau đầu không thể chịu được. Mà nghịch như cướp ấy.
Bố cậu bé K. là điển hình cho những bậc phụ huynh không bỏ nhiều tâm sức cho việc giáo dục con cái nhưng lại luôn kỳ vọng vào kết quả con sẽ ngoan.
Tiếc là không có bất kỳ đứa trẻ nào trên đời tự nhiên ngoan, tự nhiên hư, cũng không có đứa trẻ nào lớn lên tự nhiên thông tuệ hay tự nhiên lại bất tài vô dụng. Giống như ta gieo một hạt giống, chẳng mấy khi tưới nước bón phân nhưng lại than vãn rằng cùng là giống cây đó mà tại sao nhà hàng xóm quả sai trĩu trịt còn cái cây nhà mình thì gầy gò ốm yếu không có lấy một bông hoa.
Mọi sự trên đời đều vận hành tuân theo mối quan hệ nhân quả. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Bỏ ra bao nhiêu công sức, thu về bấy nhiêu thành quả. Nếu ai đó nói rằng tôi bỏ ra nhiều mà thu về chẳng được bao nhiêu thì ấy là do họ đã làm sai cách mà thôi. Giống như thể bạn gồng mình bắt con cá leo cây trong khi nó chỉ có thể sống được dưới nước vậy.
Nhiều bố mẹ hy vọng ở con nhưng lại không đồng hành cùng con
Những ông bố bà mẹ bất lực vì con ngoài kia có không ít. Chỉ bởi vì họ đã không cùng con lớn lên. Ở cạnh con nhưng lại không thực sự để tâm đến con. Hy vọng ở con nhưng lại không đồng hành cùng con. Muốn con ngoan nhưng lại chưa một lần dạy con cách đối nhân xử thế, mong con thành công nhưng lại chưa từng nói rằng con phải làm sao để đạt được điều đó.
Bởi vì họ luôn gấp gáp, luôn vội vã mỗi khi ở cạnh con. Luôn muốn hưởng thành quả nhưng lại lười bỏ công sức. Thay vì ngồi lại giảng giải cho con lợi ích của việc ăn uống hay cùng con chơi những trò vận động để bé nhanh cảm thấy đói bụng thì cầm một cây roi vung lên, phồng mồm trợn má mà quát "mày có há mồm không?" lại mang tính hiệu quả tức thời hơn nhiều. Cái lợi ấy là cái lợi trong ngắn hạn. Nó chỉ đáp ứng được bài toán tốc độ nhưng lại chẳng có ích lợi về lâu về dài.
Tại sao có những ông bố có thể ngồi bên màn hình máy tính để chơi game thâu đêm, cũng có những bà mẹ dành hàng giờ chỉ để lướt mạng xã hội nhưng thời gian dành cho con mình lại luôn thiếu thốn tới vậy?
Câu trả lời không phải là họ thiếu thốn thời gian mà chỉ bởi họ thiếu kiên nhẫn mà thôi. Bởi vì, dạy con vốn là một việc vô cùng vô cùng khó. Một công việc không phải là việc chuyên môn - nơi mà chúng ta thoả sức phát huy năng khiếu, sở trường.
Giáo dục con cái cũng giống như xây nhà. Móng chưa xây xong sao có thể đổ mái? Mái chưa đổ sao có thể xây lên cao tầng? Móng càng vững thì nhà càng chắc chắn. Móng ọp ẹp, nhà đổ biết kêu ai? Nhà có thể đập đi xây lại nhưng nhân cách của con người sửa đi sửa lại liệu có thành méo mó hay không?
Hãy để ý mà xem, càng những bậc phụ huynh lười dạy dỗ con những năm tháng đầu đời thì con càng lớn, họ sẽ càng mệt vì con. Càng những bậc phụ huynh đầu tư tâm sức giáo dục con khi còn nhỏ thì con càng lớn, bố mẹ lại càng nhàn.
Có những trẻ khi bước vào cấp 2, tinh thần tự lập đã rất cao, bố mẹ không còn phải ngày đêm thúc giục nhắc nhở việc cá nhân của con nữa thì lại có những trẻ thời điểm bước vào cấp 2 lại chính là thời điểm bọn trẻ càng trở nên lười nhác, chống đối, dễ bị hút bởi những lối sống tiêu cực do chính bản thân chúng vốn không có một lý tưởng sống, mục tiêu sống rõ ràng.
Và thế là những đứa trẻ "hư" đó càng lớn lại càng không có được sự tôn trọng của bố mẹ. Hai thế hệ luôn trong trạng thái đối kháng nhau. Còn những đứa trẻ "ngoan", lúc nhỏ thì sống trong kỷ luật và nguyên tắc, càng lớn lại càng được bố mẹ tôn trọng.
Thấy được bố mẹ tôn trọng, chúng lại càng sống có trách nhiệm hơn, tự giác hơn. Tuổi teen của những đứa trẻ "ngoan" trôi qua một cách êm đềm vì chúng vốn nhận thấy nổi loạn là việc thừa thãi, bố mẹ vốn hiểu và tôn trọng chúng sẵn rồi. Còn tuổi teen của những đứa trẻ "hư" là những lời xỉ vả, những trận đòn roi, những giọt nước mắt, càng muốn được tôn trọng lại càng bị cấm đoán, càng muốn được thừa nhận thì lại càng bị xem thường.
Nhưng, có mấy ông bố bà mẹ chịu nhìn nhận lại bản thân và thừa nhận sai lầm trong cách dạy con của mình. Sai một ly, đi một dặm, họ lại thường đỗ toàn bộ lỗi lầm ấy lên đầu những đứa con "hư" và cho rằng cha mẹ sinh con trời sinh tính. Con hư là do mình vô phúc còn con ngoan ngoãn giỏi giang là do may mắn, phúc phần mà đẻ được đó thôi, đen thôi đỏ quên đi!