Mẹ kế - con chồng trong mắt người ngoài cuộc: Đâu phải mẹ kế nào cũng khắc nghiệt như "truyền thuyết"
Khi được hỏi về câu nói “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”, rất nhiều người đã chia sẻ cảm nghĩ như sau.
Có nhiều người không may mắn gặt hái được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân lần đầu. Tuy nhiên, họ vẫn không ngừng hy vọng và đi tìm tình yêu, hạnh phúc ở những cuộc hôn nhân sau. Khá nhiều người ngoài cuộc đặt ra cái nhìn ái ngại nếu giữa họ và chồng/vợ cũ đã từng có những đứa con. Người ta vẫn thường đem câu nói "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng" ra để ví von, để răn dạy lẫn nhau.
Nhưng giữa thời đại này, câu nói trên liệu có còn đúng nữa, hay chỉ là một sự cay nghiệt chà đạp lên mọi nỗ lực, cố gắng của những người phụ nữ mang danh mẹ ghẻ, của những người đàn ông mang danh bố dượng?Để tìm hiểu thêm về cảm nghĩ của mọi người xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nho nhỏ sau đây:
Khi được yêu cầu phát biểu cảm nghĩ về câu nói "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng"?, nhiều người tỏ ra quan ngại với tình cảnh mẹ ghẻ - con chồng hoặc cha dượng – con vợ. Những người này cho rằng đó là những câu nói được đúc rút và truyền dạy từ thời xa xưa nên sẽ vẫn mang tính chất đúng đắn tới hiện tại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người cho rằng thời đại này đã khác với thời đại của các cụ ngày xưa. Ngày nay việc "rổ rá cạp lại" và tình trạng con anh, con tôi, con chúng ta không phải là quá hiếm nữa. Có những mái nhà tồn tại mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng hoặc cha dượng – con vợ, nhưng họ vẫn có thể hạnh phúc.
Khi đặt ra câu hỏi liệu rằng câu nói trên có làm tổn thương những người ở trị trí mẹ kế, cha dượng hay không, rất nhiều người cũng cho ra những câu trả lời khác nhau. Phần đông đều đồng ý rằng vào tình cảnh ấy, nghe câu nói có phần phiến diện ấy thì ai mà chẳng chạnh lòng. Có những người họ dùng tâm sức để yêu thương đứa trẻ, nhưng vô tình chỉ vì câu nói đó thôi cũng khiến mọi công sức của họ đổ sông đổ bể.
Tuy nhiên, lại có người cho rằng hãy mặc kệ những khen chê hay dở trên đời, chỉ cần những người mình mẹ kế và cha dượng rộng lòng bao dung hơn với những đứa con của chồng/vợ mình, thì tình yêu thương xuất phát từ trái tim cũng sẽ được đón nhận bởi trái tim. Người ngoài nghĩ sao không quan trọng, gia đình thấu hiểu và yêu thương nhau mới là điều quan trọng nhất.
Còn đối với những đứa trẻ trong những gia đình "rổ rá cạp lại", gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng chúng là đối tượng đáng thương nhất. Đáng thương vì chúng đã không thể có một gia đình trọn vẹn bên bố mẹ ruột của mình. Sau đó, chúng còn buộc phải làm quen và tiếp nhận một người xa lạ xuất hiện trong cuộc đời mình với cương vị là mẹ kế hoặc cha dượng.
Hỏi về việc làm thế nào để bù đắp cho những đứa trẻ đó, mỗi người một quan điểm, mỗi người một cách làm. Nhưng tựu chung lại đều cho rằng người lớn hãy mở rộng lòng mình, đón chào, yêu thương và bao dung với những đứa trẻ. Chính hành động của người trên cương vị bố mẹ mới quyết định hạnh phúc gia đình cũng như sự phát triển tâm hồn của trẻ nhỏ.
Qua đây có thể thấy rằng quan niệm từ xưa tuy vẫn có phần nào đó đúng, nhưng không phải là hoàn toàn. Và những người ngoài cuộc vẫn có cái nhìn rất bao dung với những người vào vị trí mẹ ghẻ, cha dượng. Không phải ai là mẹ ghẻ cũng cay nghiệt và không phải ai làm cha dượng cũng xâm phạm con của vợ mình.
Tất cả mọi người đều mong muốn rằng câu nói có phần phiến diện như "mấy đời bánh đúc có xương" sẽ không có cơ hội trở thành hiện thực ở giữa cuộc đời, và chúng ta luôn hướng tới những giá trị tích cực, tốt đẹp hơn, để gia đình được hạnh phúc bền vững hơn.