Người đàn ông lên cơn đột quỵ sau khi tự ý bỏ thuốc
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay ở Việt Nam có tới 80% người bệnh tự ý bỏ thuốc, 20% tuân thủ. Điều này rất nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng gần đây.
Một nam bệnh nhân từng bị đột quỵ và được chữa thành công. Ông ổn định suốt 2 năm và tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó, ông bị bạn bè trêu chọc và tỏ ra lo ngại khi chứng kiến ông uống thuốc. Họ cho rằng bác sĩ chắc chắn bị điên hoặc không giỏi chuyên môn khi bắt một người khỏe mạnh như vậy uống thuốc.
Thấy bạn nói có lý, người đàn ông này đã lẳng lặng bỏ thuốc. Kết quả chỉ 3 tháng sau, ông lên cơn đột quỵ rất nặng. Kể lại trường hợp này, PGS Chi khẳng định đối với các bệnh nhận mạn tính, có tiền sử mắc bệnh đột quỵ, thuốc là cách duy nhất phòng bệnh tái phát. Việc người bệnh có thể ổn định hoàn toàn là nhờ thuốc. Việc nghĩ rằng khi đã khỏe lại không cần uống thuốc là sai lầm tai hại hiện nam bệnh nhân trên tái phát.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, cho hay ở Việt Nam có tới 80% người bệnh tự ý bỏ thuốc, 20% tuân thủ.
Hiện, mỗi ngày khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 30-40 ca đột quỵ. Do đó, chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng, tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo chỉ dẫn.
Bác sĩ Đào Việt Phương - khoa Cấp cứu A9, cho biết thêm trong số những bệnh nhân đột quỵ gần đây, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
"Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, dự phòng cấp một là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Khi được xuất viện, người bệnh phải dự phòng cấp 2 bằng cách sử dụng thuốc, biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng hơn", bác sĩ Phương nói.
Các bác sĩ cũng lưu ý, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. Các dấu hiệu của bệnh là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội…
Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tiếp đó, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở.