Hàng chục bệnh nhân đột quỵ mỗi ngày liên quan đến nắng nóng
Liên quan tới thời tiết nắng nóng khắp cả nước những ngày gần đây, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội – khuyến cáo đây chính là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đột quỵ.
"Thời tiết quá nóng, quá lạnh hoặc điều kiện khắc nghiệt khác làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn", PGS Chi nói.
Theo bác sĩ này, hiện mỗi ngày Bệnh viện Bạch mai tiếp nhận khoảng vài chục bệnh nhân đột quỵ. Đây được xem là nơi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất khu vực miền Bắc, thậm chí cả nước. Trong những ngày nắng nóng, số bệnh nhân được ghi nhận tăng lên.
PGS Chi phân tích thời tiết nắng nóng không phải nguyên nhân gây ra đột quỵ mà là một yếu tố thuận lợi. (Ảnh: Tùng Anh)
PGS Chi phân tích thời tiết nắng nóng không phải nguyên nhân gây ra đột quỵ mà là một yếu tố thuận lợi. Trong khi đó, đột quỵ phải có yếu tố nguy cơ, các điều kiện mới xảy ra. Các yếu tố nguy cơ là cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rối loạn nhịp tim, hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì...
"Nếu bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, gặp điều kiện thời tiết nắng nóng, dễ bị đột quỵ".
PGS Chi cho biết
Ngoài ra, khi thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám... dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên. Nhiều bệnh nhân không kiểm soát các yếu tố nguy cơ càng làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ.
"Hiện mô hình bệnh tật ở nước ta khá giống các nước phát triển, khi bệnh nhiễm trùng giảm, không nhiễm trùng tăng lên. Những người trẻ cũng mang các yếu tố nguy cơ không khác người lớn tuổi. Do đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng tương tự", chuyên gia này cảnh báo.
Do đó, khi nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng, người dân nên tạm dừng hoạt động làm việc. Người dân cần lưu ý tránh thời gian cao điểm 12-16h, đồng thời chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ khi ra ngoài hoặc làm việc.
Đặc biệt, hiện đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng bị.
Khi có các dấu hiệu sớm của đột quỵ như méo mặt, liệt mặt, khó nói, tê cứng chân tay, dáng đi thay đổi,… cần sớm liên hệ cơ sở y tế, tuyệt đối không cố gắng cứu chữa, cho bệnh nhân uống thuốc. Người bệnh cần tranh thủ giờ vàng, đến viện càng sớm cơ hội chữa càng cao và ngược lại.