Ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn hoa hồng đầy nắng và ngát hương thơm của chàng trai Lâm Đồng
Khu vườn hoa hồng này có tổng diện tích 200m² đủ để chàng trai trẻ "tất bật" chăm sóc, tạo cho mình một không gian tuyệt đẹp với trăm hoa đua nở, khoe hương sắc mỗi ngày.
Chàng trai tên Thiện, chủ nhân của khu vườn có tình yêu đặc biệt đối với hoa hồng. Bén duyên với loài hoa quyến rũ và ngọt ngào này từ chị gái, chàng trai hàng ngày vẫn dành thời gian tìm hiểu về hoa, chăm chút từng gốc hồng giúp cho khu vườn đẹp hơn, khoe sắc hương mỗi ngày.
Khu vườn trước đây là một bãi cỏ, không có cây gì đặc biệt. Chị gái của Thiện là người khởi xướng, mang tình yêu hoa hồng đến cho cuộc sống của chàng trai trẻ này.
Mua hồng về trồng và khi cây bắt đầu nở hoa, cảm thấy vui và hạnh phúc khi được ngắm nghía thành quả, Thiện cảm thấy vui và có thêm cảm hứng để tìm hiểu, trồng thêm các loại hồng mà mình yêu thích.
Vì muốn khu vườn trồng đa dạng các loại hồng nên Thiện đã cùng với chị gái trồng thêm nhiều loại. Vườn hồng với diện tích 200m² hiện tại đã trồng khoảng 50 gốc hồng cả nội lẫn ngoại. Trong các loại hồng, chàng trai trẻ yêu thích nhất là hai giống hồng nội: hồng cổ Hải Phòng và hồng cổ Sapa. Ngoài hoa hồng, Thiện còn trồng một số loại hoa như ngũ sắc tím, thạch thảo, nhất chi mai, cúc...
Đủ loại hoa hồng khoe sắc trong vườn.
Để có được không gian vườn đẹp lãng mạn và quyến rũ với những gốc hồng mà mình yêu thích, chàng trai trẻ đã dành nhiều thời gian chăm sóc. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, vô số những khó khăn gặp phải, Thiện dần dần hiểu hơn về loài hoa này cũng như đặc tính từng giống hồng mà mình trồng.
Thiện tâm sự: "Khi mới trồng, mình rất hoang mang vì hồng có nhiều bệnh ảnh hưởng tới cây như bệnh nấm lá và nấm rễ. Hồng cũng là loài cây dễ bị côn trùng tấn công như rệp sáp, rệp phân, rệp xanh... Bệnh làm ảnh hưởng tới vẻ đẹp của hoa như bọ trĩ cánh cứng và các loại sâu.... Mỗi vấn đề gặp phải trong quá trình trồng đều được mình tham khảo, tìm hiểu kỹ lưỡng để giúp cây thêm tươi tốt, hoa nở sai và đúng form".
Theo kinh nghiệm của chàng trai trẻ, hồng quan trọng về giá thể vì cây cần phần giá thể giữ ẩm tốt, thoát nước tốt. Cây hồng rất sợ bị ngập úng. Cây nếu bị ngập có thể ảnh hưởng tới rễ. Giá thể luôn phải giữ ẩm tốt để tránh bị quá khô. Giá thể nếu bị khô hạn quá sẽ dẫn đến việc cây bị rụng lá, nếu úng quá cây cũng sẽ bị nấm rễ.
Nhận biết được những vấn đề cơ bản ấy, Thiện chú ý đến việc chăm sóc cây nhiều hơn. Chàng trai trẻ thường xuyên tưới nước vào buổi sáng sớm và chỉ tưới khi ngày đó có nắng tốt. Nếu trong giai đoạn mùa mưa thì sẽ hạn chế tưới.
Về bón phân, Thiện thường một tuần bón phân tổng hợp NPK với hàm lượng ít và tuần sau sẽ bón thêm phân hữu cơ. Bã cà phê Thiện tự ủ bổ sung kali cho cây ra hoa. Phân bò chủ yếu cung cấp đạm tốt cho thân và chồi. Phân hữu cơ của Hà Lan để bổ sung vi sinh và chất dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, Thiện phun thêm đạm cá để bón cho lá hoa hồng 2 tuần 1 lần khi hoa bắt đầu có nhiều chồi và ra nụ hoa.
Chàng trai trẻ chia sẻ về cách phòng bệnh: "Bệnh nấm lá và nấm rễ là hai bệnh thường xuyên của hoa hồng. Về nấm rễ, mình dùng chế phẩm sinh học Tricodema để phòng, dầu neem oil để phòng nấm lá và thuốc sinh học để phun nấm lá.
Mình thường xuyên phun 7 - 15 ngày 1 lần nếu trời nắng, vào mùa mưa thường phun 7 - 10 ngày 1 lần. Về côn trùng, mình thường dùng vòi xịt mạnh lá và chồi nhằm hạn chế bọ nhện và rệp xanh bám trên cây và lá cây ảnh hưởng tới hoa hồng. Đối với bọ trĩ sâu ăn lá, mình phun thuốc sinh học nếu bị quá nhiều và nặng hoặc sử dụng hỗn hợp tỏi, gừng ủ để phun phòng bệnh".
Niềm vui của Thiện mỗi ngày là buổi sáng thức dậy thật sớm, ngắm nhìn khu vườn, chăm sóc từng gốc cây, từng cành lá. Buổi chiều cũng là lúc chàng trai thư thả, thong dong dạo bộ, ngắm nhìn thành quả của mình để thêm yêu vườn hoa, thêm yêu cuộc đời.
Nguồn ảnh NVCC