Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như câu chuyện này

Min,
Chia sẻ

Những người cha như anh Quốc Tuấn được lên tivi, được lên khắp các mặt báo thì sự vĩ đại là có thật. Nhưng đâu đó ngoài kia, vẫn còn người cha vĩ đại theo một cách khác, lặng thầm và vô danh.

Mấy ngày gần đây, câu chuyện xúc động của cha con anh Quốc Tuấn đã vắt khô tuyến lệ của hàng triệu người Việt Nam. Có người cho đây là một phép màu giữa đời sống, có người nói quả thật anh Quốc Tuấn là một người cha vĩ đại, rằng anh đã là biểu tượng của tình phụ tử thiêng liêng, đã bền bỉ yêu con theo cách mà không phải người đàn ông nào cũng thấu hiểu được.

Tuy nhiên, cũng có một vài người giật mình suy nghĩ, những người cha như anh Quốc Tuấn được lên tivi, được lên khắp các mặt báo thì sự vĩ đại là có thật. Vậy liệu đâu đó ngoài kia, có còn người cha nào như thế không? Những câu chuyện tương tự về tình cha, không được kể, không được thấy, không được nghe thì có vĩ đại, theo một cách khác hay không?

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 1.

Câu chuyện có thật về tình cha con được một nữ nhà thơ kể lại gây xúc động mạnh trên mạng xã hội. (Ảnh: Facebook)

Để trả lời câu hỏi đó, xin mượn câu chuyện của nữ nhà thơ Bình Nguyên Trang vừa kể để khắc họa rõ hơn về tình cha con giữa bộn bề cuộc sống, về cái sự thật mà nếu không được kể, được nghe và được thấy thì có lẽ ít người trong chúng ta có thể công nhận nó. Câu chuyện được đăng tải ít lâu đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng với hàng ngàn lượt like, share và bình luận. Toàn bộ câu chuyện có nội dung như sau:

"Tôi xin chia sẻ câu chuyện về một người cha tôi không biết tên, nhưng ám ảnh tôi mấy năm qua. Khi con gái tôi bắt đầu vào trường Tiểu học, tôi thường đưa con đến trường mỗi sáng. Ở cổng trường của con, những sáng mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, tôi chú ý đến một người cha. Anh đi một chiếc xe máy cũ, hai bên xe là hai chiếc sọt lớn. Tôi đoán anh làm nghề bán rau, giống như những người buôn bán rau ở chợ đầu mối tôi gặp. Trên xe anh là hai đứa trẻ. Cậu con trai lớn chừng học lớp 3 lớp 4 gì đó. Còn cô em gái thì nhỏ lắm, chắc đang học trường mẫu giáo.

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa, tác giả: Vu Thuy Linh)

Anh thường tắt máy xe, dắt bộ, hai đứa trẻ vẫn ngồi vắt vẻo trên yên xe, bọn chúng thò chân vào hai cái sọt hai bên. Cả 3 bố con ăn mặc tuềnh toàng. Anh nghiêng cái xe cho thằng cu anh xuống trước. Rồi anh quay người nhấc bổng con bé con xuống sau. Hai đứa thường đứng im cạnh chiếc xe, trong khi ông bố tất tả chạy lại mấy cửa hàng bán xôi, bán bánh mì gần đó, mua cho thằng anh một gói, con em một gói.

Hai đứa đứng cạnh bố, sung sướng bốc xôi hoặc gặm bánh mì. Trong khi đó người bố đứng nhìn 2 con ăn, gương mặt trìu mến, tay chân không ngừng chỉnh trang áo quần, cặp sách cho bọn trẻ. Người bố thường mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ, và chân anh luôn luôn là đôi dép lê mòn vẹt. Anh hơi ngượng nghịu trước một rừng bố mẹ cũng hối hả đưa con đến trường vào buổi sáng, phần lớn là dân công sở, ai cũng ăn mặc chỉnh tề, đẹp đẽ lịch sự.

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa, tác giả: Dewan Irawan)

Từ vài lần tình cờ gặp bố con anh ở cổng trường tôi đã rất chú ý đến họ. Phần vì tôi là người viết có thói quen hay quan sát, phần vì tôi rất ấn tượng với cách anh chăm chút 2 đứa nhỏ. Có hôm tôi đưa con đến cổng trường, nhìn thấy cảnh anh đang xin lỗi một vị phụ huynh. Cái xe của anh có hai cái sọt khá to, và khi anh dắt xe lách ngược chiều qua dòng phụ huynh tất tả, hình như một cái sọt đã mắc vào áo len dài của một phụ huynh nữ đi xe máy SH đắt tiền.

Vị này lớn tiếng cau có, khó chịu, xót xa cái áo, còn anh thì cứ liên tục "Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi". Con bé con vẫn ngồi sau xe bố, vai đeo chiếc ba lô cũ rích có hình con thỏ, hai chân đút vào hai bên sọt, mặt sợ hãi khi thấy có người trách mắng bố, còn thằng anh chắc đã ung dung trong lớp rồi. Có một số phụ huynh tỏ ra cảm thông với anh và có ý trách móc vị phụ huynh nữ đang cằn nhằn kia.

Một năm đó tôi luôn gặp ba cha con họ ở cổng trường, từ mùa đông, sang mùa hè. Nhưng hết hè năm đó, vào năm học mới, tôi vẫn đưa con tới trường nhưng không gặp cha con họ nữa. Thỉnh thoảng trong đầu óc tôi vẫn hiện ra hình ảnh của họ với rất nhiều câu hỏi, không biết thằng cu lớn đã vào cấp 2 chuyển trường rồi hay còn vì lý do nào khác nữa mà họ không xuất hiện?

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 4.

Câu chuyện của cha con anh Quốc Tuấn cũng là một ví dụ điển hình về tình phụ tử vĩ đại. (Ảnh chụp màn hình từ chương trình Điều ước thứ 7)

Có lúc tôi lo, nhỡ đâu anh ấy quá nghèo không đủ tiền đóng học phí cho con và thằng bé phải nghỉ học. Rồi ý nghĩ đó bị mờ đi khi tôi hình dung lại các cử chỉ người cha dành cho hai đứa con nhỏ của mình. Anh ấy chắc chắn là một người cha yêu con bậc nhất và sẽ làm tất cả vì bọn trẻ. Tôi tin trong hoàn cảnh của mình, dù anh lựa chọn như thế nào thì bọn trẻ sẽ luôn nhận được sự bảo bọc, chở che vô điều kiện của cha.

Thỉnh thoảng tôi cứ nhớ về họ, nhất là lúc tôi đứng cổng trường đợi con tôi tan học.

Có liên quan hay không liên quan tôi không biết, nhưng từ khi xem, đọc, nghe về câu chuyện cha con anh Quốc Tuấn, tôi nhận ra rằng chính hình ảnh của anh đã trở thành thước đo giúp mỗi người chúng ta hiểu thêm về chiều cao, độ sâu của tình cha, cũng như những ảnh hưởng mạnh mẽ của người cha đối với cuộc đời những đứa con. Ta thêm tin rằng phép màu có thật và không phải điều gì khác, chính là tình yêu lớn lao vô điều kiện của người cha đã tạo ra phép màu.

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 5.

"Khi nghĩ về người cha, tôi thường nghĩ đến một cái cây cổ thụ. Thâm trầm, vững chãi, im lặng bao dung tỏa bóng che chở cho những đứa con". (Ảnh chụp màn hình từ chương trình Điều ước thứ 7)

Khi nghĩ về người cha, tôi thường nghĩ đến một cái cây cổ thụ. Thâm trầm, vững chãi, im lặng bao dung tỏa bóng che chở cho những đứa con. Không phải đến lúc cắp sách tới trường, đứa trẻ mới có thầy, mà người cha thực sự là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của nó. Tình yêu của người cha là một trường học lớn. Cách mà người cha đối mặt, vượt qua sóng gió cuộc đời chính là những bài học sâu sắc mà những đứa con có thể lĩnh hội để trưởng thành.

Thời thơ ấu của một người sẽ êm đềm biết bao khi có sự bảo vệ của người cha. Sự có mặt của người cha cũng là bảo chứng mạnh mẽ khích lệ tinh thần một đứa trẻ, để chúng lớn lên như một con người đúng nghĩa".

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa, tác giả: James Quang)

Người ta hay nói đến hai từ "thiên chức" nhưng nó chỉ được dùng cho phụ nữ, cho những bà mẹ, còn cha, cha của chúng ta có thiên chức hay không? Có đấy, thiên chức của một người cha không hay được mang ra so sánh với sự tảo tần của các bà mẹ, mà nó nhỏ nhẻ trong những hành vi đời thường tưởng chừng như bình thường như cái chuyện ông bố trong câu chuyện trên tất tả đi mua đồ ăn sáng cho con, trìu mến nhìn con, hoặc nó cũng nằm trong sự nghiêm khắc của những ông bố khi con học hành bị điểm kém, khi con đi chơi về muộn… mà những người con khi còn bé nào hiểu được mà cho rằng tất cả những người bố đều khó tính và "dữ tợn" như nhau.

Vậy thì từ câu chuyện nhỏ ở trên và câu chuyện về cha con anh Quốc Tuần, chúng ta có lẽ thấm thía hơn về tình cha. Dù cho nó không được thể hiện nhiều như tình mẹ, không phô bày để được ca ngợi muôn đời nhưng suy cho cùng, nó là có thật và sự vĩ đại của thứ tình cảm thiêng liêng ấy là có thật.

Ngoài Quốc Tuấn, ngoài kia cũng còn nhiều người cha vĩ đại theo một cách khác, như cha nghèo chở con đi học này - Ảnh 7.

(Ảnh minh họa, tác giả: Phạm Vũ - Tiến Long)

Cuối cùng, người ta nói câu chuyện về cha con anh Quốc Tuấn là một phép màu, nhưng phép màu đó chúng không nằm trong thứ tình yêu vĩ đại mà anh dành cho con, bởi loại tình yêu sản sinh ra từ cái gọi là thiên chức của những người bố, xuất phát từ con tim thì nghiễm nhiên nó đã muôn đời như thế, chúng có thật cơ mà. Nếu giả sử thay anh bằng một người cha khác khi thấy con mình lâm vào hoàn cảnh tương tự thì tin chắc rằng, bất kỳ ai cũng sẽ làm hết sức mình. Vậy phép màu nằm ở đâu?

Phép màu nằm ở chúng ta, nằm trong những người nghe, thấy và cảm nhận được câu chuyện của anh. Để theo một bản năng nào đó chúng ta sẽ giật mình và nhìn lại người cha của mình, cũng như những người cha khác của nhân loại, điển hình là người cha trong câu chuyện trên, để trân quý họ hơn, yêu thương họ hơn và công nhận một sự thật vĩnh hằng rằng tình phụ tử là có thật, thiên chức người cha là có thật và chúng cũng vĩ đại, cũng như là có một sức mạnh to lớn lắm.

Chia sẻ