Nghỉ việc theo diện tinh giản nhận tiền trợ cấp thôi việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có phải đóng thuế thu nhập không?

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 178/2024 “Về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.

Trong Nghị định 178 cũng như Nghị định 67 sửa đổi bổ sung có nhiều quy định về chế độ trợ cấp hưu trí một lần, trợ cấp thôi việc, trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp theo số năm nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp một lần với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở.

Với mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho những người chịu ảnh hưởng, những Nghị định này mang đến nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đối với đối tượng hưởng chính sách Nghị định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách cũng thắc mắc việc được nhận các loại trợ cấp này thì có phải đóng Thuế thu nhập cá nhân hay không?

Nghỉ việc theo diện tinh giản nhận tiền trợ cấp thôi việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, căn cứ theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012, 2014, 2024), Điều 4 Luật này quy định về 14 loại thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân, trong đó bao gồm tiền lương hưu do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả.

Vì chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định 67 sửa đổi, bổ sung Nghị định 178 vẫn áp dụng quy trình chi trả chế độ thông qua Quỹ Bảo hiểm xã hội, cho nên các khoản lương hưu mà những đối tượng nghỉ hưu trước tuổi nhận sẽ thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn được quy định theo từng trường hợp cụ thể:

Trường hợp nghỉ hưu sớm được hưởng: Trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm; Được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và số năm nghỉ sớm.

Trường hợp nghỉ thôi việc được hưởng: Trợ cấp thôi việc; Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền lương và tiền công thì trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác sẽ không tính thuế TNCN.

Do đó, trợ cấp hưu trí và các khoản trợ cấp khác mà người nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được hưởng sẽ không phải chịu thuế TNCN.

Nghỉ việc theo diện tinh giản nhận tiền trợ cấp thôi việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

 Chính sách nghỉ thôi việc đối với người lao động theo Nghị định 178

Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:

Theo đó, viên chức và người lao động có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

(1) Được hưởng trợ cấp thôi việc:

- Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

- Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

(2) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

(3) Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(4) Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Chia sẻ