Nghỉ việc ngay sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Thanh Thanh,
Chia sẻ

Sau khi sinh con và đăng ký hưởng chế độ thai sản xong rất nhiều lao động nữ không thể trở lại làm việc ngay do vướng bận con cái và gia đình. Vậy, họ có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau khi đã được hưởng chế độ thai sản không?

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động trong thời gian chờ đợi xin việc làm.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên có nhiều người lao động thắc mắc, sau khi sinh con và đăng ký hưởng chế độ thai sản xong rất nhiều lao động nữ không thể trở lại làm việc ngay do vướng bận con cái và gia đình. Vậy, họ có quyền đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau khi đã được hưởng chế độ thai sản không?

Nghỉ việc ngay sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nghỉ thai sản xong sau đó nghỉ việc luôn thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp  

Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về Tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau

...

2. Người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.

Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP về đóng bảo hiểm thất nghiệp:

Đóng bảo hiểm thất nghiệp

...

2. Người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

d) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;

Như vậy, trường hợp người lao động nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.

Trong trường hợp người lao động nghỉ thai sản 6 tháng sau đó nghỉ việc luôn, thời gian người lao động nghỉ thai sản sẽ không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định trên, dù tháng trước khi nghỉ việc người lao động nghỉ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên không đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng vẫn được tính đã đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, người lao động đã nghỉ sinh 6 tháng và sau đó nghỉ việc luôn sẽ vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đủ các điều kiện theo luật định. Khi đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ được tính theo 6 tháng lương liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ sinh.

Chia sẻ