Đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc và đến tuổi nghỉ hưu, người lao động cần làm gì để hưởng lương hưu tối đa?

Thanh Thanh,
Chia sẻ

Đóng đủ thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu, người lao động vẫn có cơ hội tăng lương hưu và một số quyền lợi khác nếu thực hiện điều này.

Làm thế nào để hưởng lương hưu tối đa?

Theo Điều 54 Luật BHXH năm 2014 (đã được sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019) thì người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.

Cùng với đó là quy định tại điểm b khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH, lao động nữ tương ứng với 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được mức lương hưu hằng tháng là 75% thì lao động nam khi đủ tuổi hưởng lương hưu cần có đủ 35 năm đóng BHXH, lao động nữ là 30 năm.

Đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc và đến tuổi nghỉ hưu, người lao động cần làm gì để hưởng lương hưu tối đa?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, tại khoản 6 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 thì trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng mới đủ 20 năm đóng BHXH thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Tuy nhiên, nếu NLĐ đã có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì không thuộc đối tượng được đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định trên. Luật BHXH năm 2014 không có quy định đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà được đóng BHXH bắt buộc một lần cho đủ 35 năm để hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa.

Việc NLĐ có nguyện vọng đóng BHXH cho đủ 35 năm phụ thuộc vào việc NLĐ có tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị sử dụng lao động nào đó hay không hoặc NLĐ nghỉ việc, không hưởng lương hưu và lựa chọn đóng tiếp BHXH tự nguyện.

Để được hướng dẫn về các tình huống đóng BHXH và tư vấn chi tiết về thời điểm hưởng lương hưu trong từng trường hợp cần xem xét theo hồ sơ cụ thể. Đề nghị NLĐ liên hệ cơ quan BHXH nơi đơn vị đang đóng BHXH để được giải đáp.

Khuyến khích người lao động tiếp tục đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu

Bên cạnh việc tiếp tục tham gia BHXH dù đã đến tuổi nghỉ hưu để tăng mức lương hưu, việc NLĐ có nguyện vọng đóng BHXH cũng có thêm nhiều quyền lợi.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, sẽ tăng mức tính hưởng trợ cấp một lần, đây là điểm mới mà người lao động cần cập nhật để không bị thiệt thòi.

Đóng đủ 20 năm BHXH bắt buộc và đến tuổi nghỉ hưu, người lao động cần làm gì để hưởng lương hưu tối đa?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Theo quy định hiện hành, chỉ có một mức tính hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, đối với lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn mức tối đa 75% (lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng cao hơn 30 năm) thì tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định 2 mức.

Cụ thể:

Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn thời gian nêu trên bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm hưởng mức tối đa (75%), kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.

Quy định này khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, từ đó tăng mức lương hưu và trợ cấp một lần sau này.

Chia sẻ