Nghỉ hưu năm 2025, đóng đủ 20 năm BHXH, lương hưu mỗi tháng bao nhiêu?
Nhiều người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu tuy nhiên số năm tham gia BHXH còn ít, chưa đủ hưởng mức lương hưu tối đa dẫn đến mức lương hưu hàng tháng thấp.
Lương hưu là cách gọi khác của chế độ hưu trí trong chính sách BHXH, giúp người lao động đảm bảo khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc sức khoẻ, góp phần vượt qua khó khăn, ốm đau.
Như trường hợp của bà H. hiện 55 tuổi 10 tháng, đã có 19 năm 3 tháng tham gia BHXH. Đến tháng 8/2025 bà H. sẽ đủ tuổi về hưu theo quy định (56 tuổi 8 tháng). Hiện tại tình trạng sức khỏe của bà không đủ sức đi làm trong thời gian dài nữa nên bà quyết định khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ nhận lương hưu dù trong năm 2025 có khả năng sẽ không được tăng lương hưu.
Trong trường hợp này, bà H. thắc mắc nếu không thể rút BHXH 1 lần, bà còn cách nào để tăng mức lương hưu hay không bởi với số năm tham gia BHXH hiện tại, bà chưa thể hưởng mức lương hưu tối đa (75%) cùng với đó, mức tiền lương đóng BHXH của bà ở doanh nghiệp khá thấp. Những điều này khiến bà khá lo lắng mức lương hưu nhận được hàng tháng khá thấp sẽ không đủ để chi trả thêm chi phí khi ốm đau.
Lương hưu tính ra sao?
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025, trong đó, ngoài việc thay đổi về độ tuổi được nghỉ hưu, thì cách tính lương hưu năm 2025 cũng được điều chỉnh.
Căn cứ Điều 66 và Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì mức lương hưu hằng tháng đối với người đóng BHXH bắt buộc được tính theo công thức sau đây:
Mức lương hưu hằng tháng = (Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng) x (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH)
Trong đó:
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
- Đối với nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp của bà H. đã có 20 năm tham gia BHXH, tỷ lệ lương hưu được tính như sau:
15 năm tham gia BHXH = 45%
5 năm đóng thêm: 5x2= 10%
Tỷ lệ lương hưu của bà H. = 45+10 = 55%.
Như vậy, tỷ lệ lương hưu mà bà H. được hưởng là 55%
Ví dụ, diễn biến tiền lương tháng đóng BHXH trong khoảng thời gian trước khi nghỉ hưu của bà H. như sau:
5 năm đầu: 3.860.000 đồng
5 năm tiếp theo: 4.410.000 đồng
5 năm tiếp theo: 4.960.000 đồng
Từ năm 16 đến 8/2025 (thời điểm bà H. nghỉ hưu): 5.500.000 đồng
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của bà H. được tính như sau:
[(3.860.000 đồng x 60 tháng)+ (4.410.000 đồng x 60 tháng) + (4.960.000 đồng x 60 tháng)] + (5.500.000 x 66 tháng)/246 tháng = 4.702.000 đồng/tháng.
Mức lương hưu hằng tháng bà H. = 55% x 4.702.000 đồng = 2.580.000 đồng.
(Đây chỉ là ví dụ về diễn biến tiền lương tháng đóng BHXH của bà H.. Mức tiền lương nhận được cụ thể sẽ tuỳ vào mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của bà tại doanh nghiệp là bao nhiêu).
Làm thế nào để hưởng lương hưu tối đa?
Như đã nói ở trên, đối với nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, mức hưởng lương hưu tối đa mà NLĐ có thể được hưởng là 75%, tương ứng với từ đủ 30 năm tham gia BHXH.
Mức hưởng lương hưu hiện tại của bà H. là 55%, mức lương hưu hàng tháng mà bà H. nhận được sẽ còn tuỳ thuộc vào mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của bà H. Chính vì vậy, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ nói chung ở mức tối thiểu thì mức lương hưu hàng tháng mà NLĐ nhận được cũng khá thấp.
Trong trường hợp này, nếu không thể tiếp tục làm việc mà bà H. chưa muốn nhận lương hưu, bà H. có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để tăng tỷ lệ hưởng lương hưu, từ đó tăng mức lương hưu hàng tháng sau này.