Đóng BHXH trên 20 năm nhưng suy giảm khả năng lao động 61%, có được về hưu sớm hoặc rút BHXH một lần?

THANH THANH,
Chia sẻ

Khi nghỉ việc và bị suy giảm 61% khả năng lao động trở lên là sẽ được hưởng tiền bảo hiểm xã hội một lần?

Hiện nay, với điều kiện đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu được đánh giá là quá dài, điều này đã làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động. Kéo theo đó, rất nhiều người lao động đã không đủ kiên nhẫn mà rút BHXH 1 lần. 

Trong đó, tỷ lệ người rút BHXH 1 lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, điều này làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này, đặc biệt là đối với những lao động bị mất sức lao động, không có nguồn thu khi về già dù đã có thời gian dài đóng BHXH trước đó.

Như trường hợp của anh H., hiện 45 tuổi, anh đã có 21 năm tham gia BHXH, làm công việc nặng nhọc, độc hại. Mới đây, anh đi khám sức khoẻ và được xác định bị suy giảm khả năng lao động 61%. Đến hiện tại tình hình sức khoẻ không cho phép anh tiếp tục làm việc, anh có mong muốn được nghỉ ngơi. 

Tuy nhiên hiện tại anh chưa đủ tuổi nghỉ hưu, trong trường hợp này anh H. thắc mắc liệu anh có được về hưu sớm nhưng không bị trừ tỷ lệ lương hưu hoặc có được rút BHXH 1 lần?

Đóng BHXH trên 20 năm nhưng suy giảm khả năng lao động 61%, có được về hưu sớm hoặc rút BHXH một lần?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nghỉ hưu sớm có bị trừ tỷ lệ lương hưu?

Theo quy định, người lao động đạt điều kiện nghỉ hưu sớm theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 thì không bị trừ tỷ lệ mức lương hưu hằng tháng. Cụ thể:

Điều kiện chung: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Bộ luật Lao động:

- Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là:

Với lao động nam: Đủ 60 tuổi 03 tháng; với lao động nữ đủ 55 tuổi 04 tháng.

- Sau đó cứ mỗi năm lại tăng thêm 03 tháng với lao động nam và 04 tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Như vậy, năm 2025, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ là 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 8 tháng.

Trường hợp anh H. muốn về hưu sớm cần đáp ứng những điều kiện về độ tuổi thấp hơn quy định như sau:

Tối đa 5 tuổi

Đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên

- Có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi:

  • Làm nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Tối đa 10 tuổi

- Có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi:

  • Làm nghề/công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,...

- Đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên

- Có ≥ 15 năm làm khai thác than trong các hầm lò,...

Năm 2025 anh H. 46 tuổi, thấp hơn 15 tuổi so với độ tuổi về hưu theo quy định, như vậy anh không đủ điều kiện về hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.

Trường hợp anh H. lựa chọn về hưu sớm trong năm 2025, tỷ lệ lương hưu mà anh được hưởng sẽ là 45% do đã có trên 20 năm tham gia BHXH, tuy nhiên mỗi năm về hưu sớm anh sẽ bị trừ 2%.

Đóng BHXH trên 20 năm nhưng suy giảm khả năng lao động 61%, có được về hưu sớm hoặc rút BHXH một lần?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Suy giảm khả năng lao động 61% có được rút BHXH 1 lần?

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định, người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (BHXH một lần) nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bổ sung năm 2019) mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bổ sung năm 2019) mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

...

- Ra nước ngoài để định cư.

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, dựa theo quy định nêu trên thì trường hợp người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH thì sẽ được rút BHXH một lần. Trừ trường hợp người lao động ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như đã phân tích ở trên mà đóng đủ 20 năm BHXH thì vẫn có thể rút BHXH một lần.

Trường hợp của anh H. có trên 20 năm đóng BHXH thì không thuộc trường hợp được hưởng chế độ BHXH một lần.

Đóng BHXH trên 20 năm nhưng suy giảm khả năng lao động 61%, có được về hưu sớm hoặc rút BHXH một lần?- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên từ 1/7/2025, Luật BHXH 2024 có hiệu lực, quy định về việc hưởng BHXH 1 lần đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc có sự điều chỉnh. Cụ thể:

Căn cứ theo Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, quy định về việc hưởng BHXH 1 lần khi tham gia BHXH bắt buộc như sau:

...

d) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;

...

Theo đó, người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thuộc đối tượng được rút BHXH 1 lần theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Tuy nhiên, trong trường hợp của anh H. mức suy giảm khả năng lao động của anh mới chỉ 61%, nên anh cũng không thuộc trường hợp được hưởng chế độ BHXH một lần.

Trong trường hợp anh H. không thể tiếp tục làm việc trong môi trường hiện tại, anh có thể xin nghỉ việc, tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn để tiếp tục tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Hoặc anh H. cũng có thể lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện nếu không thể tiếp tục làm việc để có thể hưởng chế độ hưu trí sau khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nếu tiếp tục tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, không chỉ giúp anh H. nâng mức tỷ lệ hưởng lương hưu mà còn đảm bảo đời sống vật chất sau khi về hưu.

Chia sẻ