Nghe chuyện về các món khoai lang khắp thế giới
Bạn đừng nghĩ khoai lang chỉ có ở Việt Nam nhé. Rất nhiều món ăn của các nền ẩm thực trên thế giới đều có mặt loại củ quen thuộc này đấy.
Dù là loại nguyên liệu tinh bột dân dã có quanh năm, nhưng chỉ đến khi thời tiết vào thu với khí hậu mát mẻ dần, khoai lang mới thực sự trở thành nguyên liệu được yêu thích trong bữa ăn hàng ngày lẫn ăn vặt. Cùng chào tháng 9 với Văn hóa ẩm thực bằng câu chuyện về khoai lang nhé!
Nguồn gốc bất ngờ
Ít ai ngờ rằng nguyên liệu vốn gắn liền với ẩm thực Châu Á như khoai lang lại có nguồn gốc tư Châu Mĩ. Tàn tích của loài thực vật này được tìm thấy ở Nam Mĩ với niên đại 8,000 năm trước Công nguyên, và ở Trung Mĩ là 5,000 năm trước Công nguyên. Phải đến năm 1492, nhờ cuộc khám phá Châu Mĩ của thủy thủ đoàn Columubus mà khoai lang mới được đưa tới Châu Âu. Trong một thời gian dài, đây là nguồn tinh bột quan trọng không kém khoai tây trong ẩm thực của người châu Âu.
Điều thú vị là, nơi du nhập khoai lang chậm nhất chính là những nước Châu Á: vào năm 1594, khoai lang được đưa tới Trung Quốc, đến năm 1735 thì bắt đầu được trồng tại Nhật Bản và đến tận 1764, khoai lang mới được giới thiệu vào Hàn Quốc. Nhưng chính nhờ khí hậu ấm áp quanh năm cùng phương thức nông nghiệp lúa nước tại những nước này mà khoai lang phát triển cực kì mạnh mẽ.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), sản lượng khoai lang thế giới trong năm 2004 là 127 triệu tấn, với chỉ riêng Trung Quốc chiếm tới lượng 105 triệu tấn. Dù du nhập vào Châu Âu sớm hơn, nhưng ngày nay khoai lang chủ yếu được sử dụng rộng rãi tại Châu Mĩ và Châu Á do thích hợp với khí hậu nhiệt đới hơn ôn đới, góp phần tạo nên bản sắc ẩm thực đặc trưng cho hai châu lục này.
Ẩm thực Nam Mĩ, hay còn được gọi bằng cái tên thân thuộc là món ăn miền Nam, là một mảng ẩm thực mang tính truyền thống, kinh điển và độc đáo bậc nhất của Hoa Kì. Xuyên suốt lịch sử phát triển của ẩm thực tại đây, khoai lang luôn đóng một vai trò quan trọng. So với khoai tây, vị ngọt béo mộc mạc của khoai lang kết hợp ăn ý hơn với phong cách miền Nam rất nhiều. Bản thân những người Mĩ gốc Phi xuất thân từ phía Nam, mà một điển hình là Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, luôn cổ vũ cho việc ăn nhiều khoai lang, một phần bởi lợi ích sức khỏe vượt trội của nó so với khoai tây, mặt khác còn là nỗ lực duy trì những nét văn hóa ẩm thực mang tính bản địa và lâu đời trên một nước Mĩ hợp chủng quốc.
Cách chế biến khoai lang tại miền Nam thường thiên về nướng, rán, bỏ lò và món nghiền – đều là những phương thưc nấu nướng cực kì quen thuộc tại đây. Trong bữa chính, khoai lang nướng là công thức đơn gian và rất được ưa chuộng. Khoai lang cũng thường được thái mỏng, tẩm bột, rán giòn và ăn cùng thịt xông khói hoặc bánh mì nướng.
Người miền Nam còn sử dụng vị ngọt của khoai lang để tạo nên mảng tráng miệng đặc trưng cho mình. Bánh pie khoai lang là một loại bánh rất được các gia đình ưa chuộng và với nguồn năng lượng dồi dào của mình, đôi khi món này được dùng trong bữa chính. Đặc sản ấn tượng hơn cả phải là khoai lang tẩm đường phủ marshmallow bên trên, kết hợp với mật đường cùng xi rô lá phong Nam Mĩ truyền thống. Món tráng miệng thịnh soạn, phức tạp và tập hợp nhiều nguyên liệu kiểu mẫu cho ẩm thực miền Nam này thường được phục vụ vào các dịp quan trọng, mà một điển hình là ngày Lễ Tạ ơn.
Dù là món ăn đại diện cho phong cách miền Nam Hoa Kì, nhưng những công thức từ khoai lang tại đây khó có thể so sánh với các món từ khoai lang tại Châu Á, về cả số lượng lẫn độ đa dạng. Ẩm thực khoai lang tại châu lục này còn có sự phân hóa do tính chất phong phú của các hình thức địa lý và điều kiện khí hậu. Ở khu vực Đông Bắc Á có mùa đông lạnh, khoai lang nướng là món ăn vặt đường phố cực kì quen thuộc. Trong khi người Trung Quốc nướng khoai lang trong những chiếc thùng sắt lớn và giữ nguyên chiếc thùng này đem ra chợ bán nhằm giữ nóng cho khoai, thì ở Hàn, Nhật và cả Việt Nam, hình ảnh những củ khoai lang được nướng trên vỉ bếp than đã trở nên vô cùng quen thuộc.
Giữa các nước cùng khu vực, xét trên bình diện địa lý lẫn văn hóa, cách chế biến khoai lang vừa có sự giao thoa vừa có những nét đặc trưng riêng. Ví dụ như, cùng ưa chuộng khoai lang nướng, nhưng trong khi người Trung Quốc còn dùng khoai để rán và hầm với đồ ngọt, đậm chất béo, người Hàn dùng khoai lang để sáng tạo thêm các loại mì sợi vốn đã rất phong phú của mình, thì với phong cách ăn uống thanh tao, ẩm thực Nhật Bản ưa thích sử dụng khoai lang luộc trong các món bánh wagashi.
Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách chế biến của các nước châu Á. Chúng ta có khoai lang rán giòn trong chảo ngập dầu giống người Hoa, có chè khoai nước dừa hoặc lá dứa đậm chất Đông Nam Á, và cũng có bánh khoai lang hấp đơn giản nhẹ nhàng, gợi nhiều đến lối chế biến của người Nhật.
Mặt khác, tại một nước có nền văn hóa ẩm thực mang tính đặc trưng dân tộc cao, ít có sự giao thoa ảnh hưởng như Ấn Độ, ta có thể tìm thấy nhiều công thức khoai lang chỉ có tại Ấn, với cách chế biến vô cùng lạ lẫm. Khoai lang tại Ấn được sử dụng rộng rãi như nguồn lương thực dồi dào vào các dịp ăn chay. Khoai cũng được nướng nhưng thường được ăn với muối hoặc sữa chua. Tại một số vùng của Ấn Độ, khoai lang được nghiên thành bột để làm bánh mì chapattis.
Dễ trồng, dễ thích nghi với nhiều loại thời tiết và thuộc hàng nguyên liệu bình dân, khoai lang đã tồn tại một cách lâu đời, bền bỉ và đãphổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Tiễn những ngày cuối tháng 8 và chào tháng 9 – tháng đẹp nhất của mùa thu – hãy tự thưởng cho mình những củ khoai lang bùi béo ngọt ngào, thưởng thức trọn vẹn hương vị thơm ngon của loại cây trồng dân dã này nhé!
(Nguồn: Wikipedia)