Nếu bạn thường xuyên ăn khuya thì hãy chấm dứt ngay: Đây là lý do tại sao
Các bằng chứng mới đây cho thấy hậu quả của việc ăn khuya còn đáng báo động hơn, đó là ăn tối muộn có thể tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh tiểu đường.
Chúng ta vẫn được nhắc nhở rằng không nên ăn sau 8 giờ tối để ngăn ngừa béo phì, bụng to lên. Nhưng các nhà nghiên cứu từ Đại học Tự trị Quốc gia Mexico phát hiện ra rằng ăn khuya sẽ làm đảo ngược đồng hồ sinh học và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể của chúng ta. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Experimental Physiology.
Nhịp sinh học là các quá trình mà cơ thể trải qua trong 24 giờ và được điều chỉnh một phần bởi đồng hồ sinh học của chúng ta. Theo bài báo, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng làm rối loạn nhịp sinh học có thể gây ra những bất thường về sự trao đổi chất.
Ăn khuya sẽ làm đảo ngược đồng hồ sinh học và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể.
Nhà thần kinh học Ruud Buijs, người đứng đầu cuộc nghiên cứu và các đồng nghiệp khác đã tiến hành tìm hiểu về tác động của những bữa ăn nhẹ lúc nửa đêm. Nhóm nghiên cứu đã cho chuột ăn vào trước giờ chúng nghỉ ngơi (ở người, điều này sẽ xảy ra khi trời tối). Họ phát hiện ra rằng những con chuột ăn một bữa trong thời gian nghỉ ngơi có lượng chất béo trong máu cao hơn. Sau khi loại bỏ một phần của bộ não có nhiệm vụ điều chỉnh chu kỳ 24 giờ, sự biến thiên trong chất béo đã biến mất. Vì mức độ chất béo trong máu cao liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tăng lên, nhóm nghiên cứu kết luận rằng ăn muộn buổi tối làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh mạn tính này.
Buijs nói với Newsweek rằng: "Có lẽ tội ác nghiêm trọng nhất chống lại đồng hồ của chúng ta là ăn đêm".
Ông giải thích tại sao ăn trưa không gây ra mức độ tăng chất béo như vậy với lý do là tương đối đơn giản là: Cơ thể của chúng ta không chuẩn bị cho sự tấn công của lượng calo vào ban đêm. Bởi vì đồng hồ sinh học của chúng ta được đồng bộ theo ánh sáng và ban ngày, cơ thể chúng ta sử dụng các tín hiệu này để chuẩn bị cho chế độ hoạt động và chế độ ngủ. Vì vậy, khi bạn "nhồi nhét" khoai tây chiên vào giờ đi ngủ, cơ thể sẽ nhầm lẫn và không thể xử lý các chất dinh dưỡng. Những chất này "dính chặt" quanh cơ thể bạn trong thời gian lâu hơn và trở thành mô mỡ.
"Tội ác" nghiêm trọng nhất chống lại đồng hồ của chúng ta là ăn đêm
Ông Buijs giải thích thêm, ngoài ăn khuya, các yếu tố khác như đi du lịch đến những vùng với múi giờ hoặc văn hóa ăn uống khác nhau cũng có thể gây nhiễu loạn đồng hồ sinh học của con người. Nhưng bạn có thể cố gắng để giảm thiểu các tác động này bằng cách thay đổi lịch trình sinh hoạt cho phù hợp với từng địa phương.
"Đối với bản thân tôi, tôi thường cố gắng thích ứng nhanh nhất có thể với kế hoạch thời gian mới. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đi du lịch trong vài ngày, tốt nhất là bạn nên hành động như bạn đang ở trong múi giờ cùng nhà mình. Như vậy bạn sẽ ít bị rối loạn nhất", ông Buijis nói.
Trong khi nghiên cứu này được thực hiện trên chuột, nhà tâm lý học Cassandra Gipson-Reichardt, một nhà nghiên cứu về thần kinh học tại Đại học bang Arizona, nói với Newsweek rằng bài báo này là một sự bổ sung thú vị cho tiến trình đã khám phá dinh dưỡng, vi sinh vật và não. Bà cho biết những hình thức ăn uống bất thường có thể làm hỏng đồng hồ sinh học của chúng ta và dẫn tới bệnh tim mạch cùng với các chứng rối loạn khác. "Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần chú ý đến những gì chúng ta ăn và thời điểm chúng ta ăn", cô cho biết.
Điều quan trọng là chúng ta cần chú ý đến những gì chúng ta ăn và thời điểm chúng ta ăn.
Chính xác thì ăn vào lúc nào là quá muộn? Ông Buijs nói rằng tốt nhất là tránh ăn uống sau 9 giờ tối hoặc ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Đó là lời khuyên mà ngay cả những người không ăn kiêng cũng nên tuân theo.
Một số tác hại khác bạn có thể gặp nếu thường xuyên ăn đêm
Các nhà nghiên cứu của Trường Y Perelman - Đại học Pennsylvania đã tìm ra bằng chứng cho thấy ăn đêm làm tăng hàm lượng glucose và insulin - cả hai đều là nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Namni Goel, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Ăn muộn hơn có thể là nguyên nhân tiêu cực ảnh hưởng đến cân nặng, năng lượng và chỉ số hormone – như hàm lượng glucose và insulin cao hơn - vốn là nguyên nhân gây tiểu đường và cholesterol và triglyceride – có liên quan tới các vấn đề tim mạch và nhiều bệnh tật khác".
Ăn đêm làm tăng hàm lượng glucose và insulin - cả hai đều là nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một số tác hại của việc ăn đêm bao gồm:
- Suy giảm trí nhớ: Nghiên cứu của Đại học California cho thấy, ăn vào những giờ bất thường – như tối muộn – gây hại cho chức năng nhận thức.
- Tăng tình trạng trào ngược axit dạ dày: Ăn khuya, đặc biệt là các món giàu năng lượng và đi ngủ gần như ngay sau đó là yếu tố chủ chốt dẫn tới tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Bởi dạ dày của bạn phải mất vài tiếng để bình ổn trở lại sau một bữa ăn. Khi bạn đi ngủ, dịch vị trào ra khỏi dạ dày vẫn còn đầy rồi rò rỉ vào thực quản, dẫn tới hiện tượng trên.
- Bạn dễ đói hơn vào ngày hôm sau: Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hàm lượng insulin mà tuyến tuỵ tiết ra sau một bữa ăn. Kết quả, thêm nhiều glucose được sản sinh - dẫn tới việc kích hoạt hormone có tên "ghrelin" - chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác đói. Ghrelin thường sử dụng những cơn nhịn ăn diễn ra một cách tự nhiên từ khoảng 8 giờ tối tới 8 giờ sáng để tự điều chỉnh, nhằm đảm bảo bạn chỉ cảm nhận được mức độ đói thông thường vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu bạn ăn khuya, chu trình trên sẽ tiếp diễn và bạn thấy đói hơn thường lệ. Từ đó, nguy cơ tăng cân là khó có thể tránh khỏi.
Theo Newsweek/WP