Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này

HN,
Chia sẻ

Ngoài việc khiến tăng cân, một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra, ăn vào lúc tối muộn có thể làm tăng nguy cơ bị tiểu đường và bệnh tim.

Các nhà nghiên cứu của Trường Y Perelman - Đại học Pennsylvania đã tìm ra bằng chứng cho thấy ăn đêm làm tăng hàm lượng glucose và insulin - cả hai đều là nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, việc dùng bữa vào thời điểm không tốt cũng có thể ảnh hưởng tới hàm lượng cholesterol – tăng nguy cơ bệnh tim hoặc bị nhồi máu cơ tim.

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu đã đề nghị 9 người trưởng thành có cân nặng lành mạnh, ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ, trong khoảng thời gian 8 giờ sáng đến 7 giờ tối, kéo dài 8 tuần liền. Yêu cầu tương tự được lặp lại nhưng thời gian giảm xuống còn từ giữa trưa tới 11 giờ đêm. Để kiểm soát giấc ngủ, người tham gia nghiên cứu được đề nghị ngủ từ 11 giờ đêm tới 9 giờ sáng, trong cả 2 giai đoạn.

Kết quả, khi người tham gia ăn vào lúc tối muộn, họ không chỉ tăng cân mà tăng cả hàm lượng insulin, glucose và cholesterol. Ngoài ra, trong vòng 8 tuần đầu tiên khi bữa ăn rơi vào thời điểm ban ngày, người tham gia sản sinh ra một hormone kích thích cảm giác ngon miệng, giúp họ thấy no lâu hơn.

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 2.

Namni Goel, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Những nghiên cứu sớm này, mà trong đó, giấc ngủ của người tham gia được kiểm soát, cho thấy bức tranh chi tiết hơn về lợi ích của việc ăn uống vào thời điểm sớm trong ngày. Ăn muộn hơn có thể tạo nên bộ hồ sơ gồm toàn điểm tiêu cực về cân nặng, năng lượng và chỉ số hormone – như hàm lượng glucose và insulin cao hơn - vốn là nguyên nhân gây tiểu đường và cholesterol và triglyceride – có liên quan tới các vấn đề tim mạch và nhiều bệnh tật khác".

Đây không phải lần đầu tiên một nghiên cứu khuyến cáo về việc ăn lúc đêm muộn có thể hủy hoại sức khỏe của bạn.

Cùng tìm hiểu 5 lý do bạn nên tránh ăn đêm:

1. Ảnh hưởng tới trí nhớ của bạn

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 3.

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, ăn đêm tác động tiêu cực tới trí nhớ. Nghiên cứu của Đại học California cho thấy, ăn vào những giờ bất thường – như tối muộn – gây hại cho chức năng nhận thức.

Trong khoảng thời gian 2 tuần, các nhà nghiên cứu cho 1 nhóm chuột - những động vật sống về đêm – ăn vào thời điểm ban ngày trong khi nhóm còn lại ăn vào buổi tối như thường lệ. Sau đó, họ kiểm tra khả năng phân biệt các vật thể mới trong chuồng chuột. Những con có thói quen ăn uống bị phá vỡ nhận biết ít vật thể mới hơn so với những con tiếp tục ăn uống như bình thường. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận thấy, khả năng tạo ra những ký ức dài hạn đã bị tổn thương ở những con chuột được cho ăn vào ban ngày.

2. Khiến bạn có những giấc mơ lạ lùng

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 4.

Năm 2015, một nhóm chuyên gia tâm lý Canada đã điều tra việc liệu thói quen ăn uống của con người có thể tác động tiêu cực đến thói quen ngủ nghỉ và những giấc mơ hay không.

Tore Nielsen và Russell Powell đề nghị gần 400 sinh viên đại học điền vào một bảng câu hỏi về chế độ ăn, ngủ và những trải nghiệm giấc mơ của họ. Kết quả, 18% tin rằng, thực phẩm có khả năng "biến những giấc mơ của họ trở nên quái dị hoặc kinh khủng hơn".

Ngoài việc ăn quá nhiều một loại thức ăn nhất định (sản phẩm từ sữa và những bữa ăn giàu gia vị), Nielson và Powell cũng phát hiện ra rằng, ăn đêm cũng là nguyên nhân khiến các giấc mơ trở nên bất thường. Theo lý giải của họ, ăn khuya thường dẫn tới cảm giác khó chịu do đầy bụng, từ đó, gây khó ngủ và dẫn tới những giấc mơ lạ.

3. Tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia, ăn bữa tối sau 7 giờ có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nhóm các nhà khoa học của Đại học Dokuz Eylul đã khảo sát hơn 700 người trưởng thành bị huyết áp cao nhằm tìm ra xem liệu thời điểm ăn uống khác nhau có tạo nên khác biệt nào đối với sức khỏe của họ không.

Theo đó, ăn bữa tối muộn có tác động rõ rệt nhất tới huyết áp sau một đêm. Còn ăn trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ gây hại nhiều hơn so với chế độ ăn có hàm lượng muối cao. Cụ thể, 24,2% số người ăn tối muộn trong vòng 2 tiếng khi đi ngủ bị huyết áp cao và không hề giảm xuống sau một đêm, so với 14,2% số người ăn tối sớm hơn.

Tiến sĩ Ebru Ozpelit, trợ giảng khoa tim mạch tại Đại học Dokul Eylul, chia sẻ: "Chúng tôi phải nhận diện mức độ và thời điểm lý tưởng của bữa ăn bởi chúng ta ăn như thế nào có thể quan trọng như việc chúng ta ăn gì. "Ăn sáng là quan trọng, chúng ta nên có một bữa sáng giàu năng lượng và cũng không nên bỏ qua bữa trưa. Chúng ta nên ăn một bữa tối nho nhỏ và không được muộn hơn 7 giờ tối".

4. Làm tăng tình trạng trào ngược axit dạ dày

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 6.

Ăn khuya, đặc biệt là các món giàu năng lượng và đi ngủ gần như ngay sau đó là yếu tố chủ chốt dẫn tới tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Bởi dạ dày của bạn phải mất vài tiếng để bình ổn trở lại sau một bữa ăn. Khi bạn đi ngủ, nó cho phép dịch vị trào ra khỏi dạ dày vẫn còn đầy rồi rò rỉ vào thực quản, dẫn tới hiện tượng trên.

Bác sĩ Jamie Koufman chia sẻ trên tờ New York Times năm 2014: "Những loại thuốc chúng tôi đang sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản không hiệu quả. Và ngay cả khi chúng có hiệu quả, tác dụng phụ cũng vẫn rất nguy hiểm. Tôi đã nói với một bệnh nhân phải ăn tối trước 7 giờ tối và không ăn gì cả sau khi tan sở. Trong vòng 6 tuần, anh ấy đã khỏi bệnh trào ngược".

5. Khiến bạn đói hơn vào ngày hôm sau

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không từ bỏ thói quen ăn đêm bạn sẽ phải đối mặt với những điều này - Ảnh 7.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hàm lượng insulin mà tuyến tuỵ tiết ra sau một bữa ăn. Kết quả, thêm nhiều glucose được sản sinh - dẫn tới việc kích hoạt hormone có tên "ghrelin" - chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác đói. Ghrelin thường sử dụng những cơn nhịn ăn diễn ra một cách tự nhiên từ khoảng 8 giờ tối tới 8 giờ sáng để tự điều chỉnh, nhằm đảm bảo bạn chỉ cảm nhận được mức độ đói thông thường vào buổi sáng.

Tuy nhiên, nếu bạn ăn khuya, chu trình trên sẽ tiếp diễn và bạn thấy đói hơn thường lệ. Từ đó, nguy cơ tăng cân là khó có thể tránh khỏi.

(Nguồn: Telegrap)

Chia sẻ