Nàng dâu Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết chọn bóng bì chuẩn “trăm miếng như một”, chinh phục được mẹ chồng khó tính, sành ăn

Bài và ảnh: Miu Miu,
Chia sẻ

Cứ chọn đúng theo các tiêu chí này, nhất định chị em sẽ tìm được miếng bóng bì ưng ý.

Trong nhiều món cỗ Tết của miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, bóng bì là một nguyên liệu rất được yêu thích.

Nào là bát canh bóng với nước dùng trong vắt, thơm lừng mùi nấm hương, đậu Hà Lan, thịt nạc thăn, súp lơ, cà rốt, su hào, rồi hạt sen, tôm nõn, trứng cút... với miếng bóng thái quả trám.

Nào là món bóng hấp vân, bóng cuốn tròn cùng giò sống, trứng, mộc nhĩ rồi đem hấp chín, sau đó thái khoanh.

Nào là bóng xào tôm nõn, rau củ, thịt bò… Việc chọn đúng loại bóng ngon sẽ quyết định phần lớn độ ngon của các món ăn có sử dụng nguyên liệu “đỏng đảnh” này.

Nàng dâu Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết chọn bóng bì chuẩn “trăm miếng như một”, chinh phục được mẹ chồng khó tính, sành ăn - Ảnh 1.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm cỗ Tết chinh phục được cả gia đình, đặc biệt là mẹ chồng sành ăn, khó tính, Thanh Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chia sẻ bí quyết chọn bóng bì của mình. Huyền tiết lộ, đây là bí quyết được chính mẹ chồng bày cho cô 10 năm trước, lúc mới chân ướt chân ráo về làm dâu.

Phần da làm bóng: Trước hết, Huyền lưu ý các bà nội trợ khi chọn bóng bì nên chọn loại được làm ở phần thăn, đây là phần ngon nhất, thơm nhất được sử dụng. Miếng bóng bì có thể chiều dài chừng 2 - 3 gang tay (khoảng 40 - 60cm) và chiều ngang khoảng 2 gang tay (chừng 40cm).

Nàng dâu Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết chọn bóng bì chuẩn “trăm miếng như một”, chinh phục được mẹ chồng khó tính, sành ăn - Ảnh 2.

Nên chọn bóng làm từ phần bì thăn, có tỉ lệ dài - rộng cân đối, tránh những miếng dài, hẹp.

Không nên chọn những miếng bóng bì có chiều dài và chiều rộng không cân đối (thuôn dài, khổ hẹp) vì có thể đó là những miếng làm từ phần bì khác, khi chế biến không thơm ngon bằng, có thể có mùi hôi.

Độ dày: Nhiều loại thực phẩm khô, chúng ta thường chọn loại có độ dày thì sẽ ngon, ví dụ như măng, miến hương, mực... Tuy nhiên, điều này không đúng với bóng bì.

Bóng bì thăn sẽ có vẻ mỏng hơn bóng bì làm từ phần mông, nên chúng ta chỉ nên chọn miếng có độ dày vừa phải, chừng ⅓ - ¼ đốt ngón tay, không nên chọn loại dày chừng ½ đốt ngón tay trở lên và cũng không nên chọn loại quá mỏng.

Màu sắc: Bóng bì ngon là loại có màu trắng ngà đến vàng nhạt. Không nên chọn loại bóng được nướng quá vàng hay ngả nâu, vì đã quá “chín”, sau khi tẩy dễ bị nát và nấu ăn khô xác, không ngon.

Nàng dâu Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết chọn bóng bì chuẩn “trăm miếng như một”, chinh phục được mẹ chồng khó tính, sành ăn - Ảnh 3.

Bóng ngon có màu sáng, trắng ngà hoặc vàng nhạt.

Độ nở: Chị em nên chọn loại bóng bì nở đều, độ nở tương đương nhau trên cùng một miếng. Không chọn loại nở phồng to quá, nhìn có vẻ đẹp mắt nhưng sau khi ngâm sẽ bị nát. Không chọn loại ít nở, bị “chai”, khi nấu không ngấm được nước ngọt vào. Để kiểm tra độ nở, tốt nhất chị em nên giơ miếng bóng ra trước bóng đèn/ánh sáng mặt trời để nhìn kỹ.

Nàng dâu Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết chọn bóng bì chuẩn “trăm miếng như một”, chinh phục được mẹ chồng khó tính, sành ăn - Ảnh 4.

Bóng ngon có độ nở vừa phải, không quá xốp cũng không bị chai.

Không có lông ẩn bên trong: Bí quyết chọn bóng bì quan trọng nhất mà mẹ chồng Huyền đặc biệt tâm đắc khi dạy lại con dâu, đó là quan sát chân lông của bóng bì.

Thường thì người bán sẽ cạo rất sạch, tẩy kỹ phần lông bên ngoài, nhưng chân lông ẩn bên trong thì bó tay. Nếu bóng được làm từ phần bì thăn, chúng ta sẽ không thấy những chân lông ẩn này. Còn bì từ các phần khác, nhất là phần mông, dấu vết của chân lông rất rõ.

Những miếng bóng có chân lông hoặc lông tơ ẩn bên trong có thể bị bỏ qua khi quan sát thông thường, nhưng thấy rất rõ khi soi qua ánh sáng.

Kiểm tra lông ẩn cũng bằng cách giơ miếng bóng ra ánh sáng, và nếu thấy có những chấm đen li ti hoặc sợi lông tơ ở trong, chúng ta cần loại ngay. Khi chế biến, những chân lông hoặc lông tơ này sẽ làm hỏng vị của món ăn và có thể gây cảm giác ngứa họng, khó chịu khi ăn phải.

Nàng dâu Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết chọn bóng bì chuẩn “trăm miếng như một”, chinh phục được mẹ chồng khó tính, sành ăn - Ảnh 6.

Bóng bì chọn chuẩn cùng với nguyên liệu tốt mới làm ra món ngon. (Ảnh minh họa)

Sau khi chọn được miếng bóng bì ngon hội tụ đủ 5 tiêu chí trên, chị em nên dùng nước vo gạo ngâm bóng cho mềm, sau đó tẩy bóng với rượu trắng và gừng giã nhỏ để tẩy mùi rồi mới nấu. Thanh Huyền đã làm mẹ chồng khó tính của mình gật gù với món bóng bì trong mâm cỗ Tết, chúc chị em cũng chọn được nguyên liệu ngon cho mâm cỗ nhà mình nhé.

Chia sẻ