Nấm mối - món ngon nhờ “lộc” từ đất
Khoảng giữa tháng 5 âm lịch ở Đông Nam Bộ chính là mùa nấm mối, một loại nấm thiên nhiên mọc lên từ những gò mối, ụ mối nằm dưới lòng đất. Loại nấm này đặc biệt ngon ngọt, mùi thơm đặc trưng, là món "khoái khẩu" của rất nhiều người.
Nấm mối là loại nấm dại được liệt kê vào danh sách có thể ăn được, rất ngon và bỗ dưỡng, dân gian còn so sánh ngon hơn cả thịt gà. Là thực phẩm có thể thay thế bất kỳ loại đạm động vật nào. Nấm mối là món quà đặc sản từ đất mà thiên nhiên ban tặng, mỗi năm chỉ được một mùa, thời gian kéo dài vắn vỏi khoảng 1 tháng là hết.
Những trận mưa rào đầu mùa chợt đến chợt đi làm cho không khí trở nên oi nồng, độ ẩm mặt đất hầm hập nóng là điều kiện thuận lợi để những ụ mối lớn nhỏ nằm trong lòng đất tự phát triển tạo thành nấm mối.
Nắm được những đặc điểm trên, cứ sau vài ba cơn mưa liên tiếp, nhiều người dân quê thường dậy từ khi trời còn đang tờ mờ sáng để đi hái nấm. Theo kinh nghiệm dân gian, hái nấm khi trời vừa tờ mờ sáng mới ngon và ngọt.
Nấm mối mọc nhanh nhưng cũng vội tàn, vòng đời của nó rất ngắn ngủi, mọc vào lúc giữa đêm khuya, đến khoảng 5,6 giờ sáng là bắt đầu mọc rộ, đến chừng nửa buổi là nở bung và giấc trưa là bắt đầu tàn lụi, để đến chiều hoặc qua hôm sau là “giòi bọ” lúc nhúc coi như bỏ, không thể ăn được nữa.
Nấm thường mọc chung quanh bờ vườn, bờ ranh, dưới gốc cây những vườn điều, vườn sao, vườn tràm, vườn cây ăn quả, hay những mô đất xốp mà mối thường hay làm tổ. Dấu hiệu để biết nơi có nấm là quan sát mặt đất, chỗ mọc nấm thường có những vạt đất nhỏ nứt nẻ, nhô lên hẳn loang lổ từng tảng, bên dưới lớp đất là những mõm nấm nhọn có màu nâu đất hoặc nâu trắng nho nhỏ đang từ từ đội đất ngoi lên. Nhổ nấm mối là phải nhổ sâu tận gốc. Bởi phần thân nấm ngon ngọt hơn phần trên mũ. Dùng vật cứng nhọn dỡ những mảng đất lên là được những chiếc nấm đang còn búp nụ, ăn béo ngọt, dai giòn rất ngon. Không nên để nấm lên cao, nếu đào trễ chừng vài tiếng đồng hồ nấm sẽ mọc cao lên, chân nấm dài, tai nấm nở to xòe ra sẽ dai và không ngon bằng khi còn búp nụ.
Nấm mối hái về làm sạch mất khá nhiều công sức và thời gian, sau khi được rửa sạch, cái lớn chẻ đôi, ngâm vào nước muối pha loãng trong vài phút, rửa lại bằng nước sạch rồi vớt ra để ráo dùng tay xé thành từng sợi vừa ăn. Phi thơm hành, cho nấm vào xào sơ qua với một ít gia vị cho thấm.
Giá nấm mối ngày một tăng cao sau mỗi năm, hiện giá tại “gốc” do người dân quê đem ra bán khoảng 400 - 500 nghìn đồng/ kg nấm búp, 200 - 300 nghìn đồng/ kg nấm nở, mặc dù giá bán khá cao nhưng lại “đắt hàng” như tôm tươi, người dân quê hái được “mớ” nào đem ra chưa tới chợ đã có thương lái đón dọc đường mua hết, mấy ngày này khá nhiều người nông dân thôn quê kiếm được món tiền khá “hời” nhờ lộc từ đất.
Nấm là loại thực vật làm thức ăn rất ngon và bổ dưỡng, kể cả với người ăn chay và ăn mặn, là món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Ở quê tôi các bà nội trợ thường dùng nấm mối để nấu cháo, nấu bánh canh, đổ bánh xèo, nướng muối ớt , kho nước cốt dừa, hay xào ăn với cơm đặc biệt nhất là làm mồi nhậu đưa cay cho các đức lang quân thì có lẽ không có loại mồi nào sánh kịp. Vị ngọt ngon, dai dai và mùi thơm đặc trưng của nấm mối hòa quyện cùng gia vị sẽ làm cho bạn có cảm giác thèm ăn không cưỡng nổi.