Mỗi ngày có 1 "khung giờ độc" dù bẩn cũng không nên tắm, đã có nhiều người đột quỵ: Bác sĩ cảnh báo 5 nhóm người cần tầm soát đột quỵ
Chia sẻ trong một group làm đẹp, cô gái trẻ dưới đây đã kể lại tai nạn năm 23 tuổi của mình do thói quen tắm đêm.
Hàng ngày, tắm được coi là hành động quan trọng để giữ gìn vệ sinh cơ thể, bảo vệ làn da, gột rửa vi khuẩn và đặc biệt nó giúp cơ thể thư giãn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng bạn có biết rằng. Trong nhiều trường hợp việc tắm rửa lại có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của bạn?
Cô gái trẻ bị méo miệng, liệt mặt vì thói quen tắm đêm
Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước bài đăng của một cô gái trẻ tên là Phạm Ngọc Linh (SN 1995). Chia sẻ trong Cộng đồng làm đẹp "Chị em mần đẹp", Ngọc Linh đã kể lại tai nạn năm 23 tuổi của mình do thói quen tắm đêm.
"Tôi hay đi chơi, đi làm về khuya nên là tầm khoảng 11.00 có khi là 12.00 tôi mới tắm, tắm xong là ra mở quạt phà vào người liền. Người ta nói đi đêm lắm có ngày gặp ma, tôi đâu có tin đâu. Thế nhưng, điều thực sự kinh khủng đã đến ngay trước đêm sinh nhật tuổi 23. TÔI BỊ LIỆT DÂY THẦN KINH SỐ 7. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác ấy, trong khoảng 15 tiếng từ sáng tới tối thôi mà cái mặt bên phải của tôi cứng đơ, chu mỏ, cau mày hay nhắm mắt đều không được", Ngọc Linh chia sẻ.
Bài chia sẻ của Ngọc Linh gây "bão" mạng xã hội.
Theo Ngọc Linh, sau khi mắc bệnh, cô đã mất khoảng 1 tháng để hồi phục, ngày nào cũng đi châm cứu và xoa bóp cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 khiến cho Ngọc Linh bị liệt nửa mặt, bị méo miệng... gây mất tự tin khi ra ngoài, cô giao tiếp khó khăn, phát âm không chính xác. Khi ăn chỉ nhai được một bên, đưa đồ ăn vào miệng hay bị rớt ra ngoài. Ngủ cũng không được ngon giấc vì mắt không nhắm được hết.
Trong khoảng thời gian đó, Ngọc Linh chữa trị tại bệnh viện Đại học Y Dược - Khoa Y học cổ truyền (Tân Bình, TP.HCM). Tại đây, cô đã được thử phản ứng của dây thần kinh định kì, châm cứu một nửa khuôn mặt phải, đỉnh đầu. Và xoa bóp, massage từng khu vực như trán, chân mày (tập nhướn mày), mũi (phình mũi, hóp mũi), miệng (tập chu mỏ). Khi về nhà, cô cũng phải tập luyện việc chu mỏ và nhướn mày để cơ mặt được trở lại bình thường.
"Kỷ niệm đáng nhớ nhất chắc là đón sinh nhật với khuôn mặt méo, tủi thân lắm, đâu dám chụp hình hay lưu giữ khoảnh khắc sinh nhật của mình. Nhưng thật may mắn vì xung quanh mình có gia đình, bạn bè, người yêu, toàn là những người tích cực, nên tâm trạng mình ổn hơn nhiều", Ngọc Linh chia sẻ.
Sau 4-5 tuần điều trị, Ngọc Linh may mắn hồi phục sức khỏe và cơ mặt khoảng 90-95%. Sau tai nạn đó, cô thực sự trân trọng sức khoẻ của mình. Cô chia sẻ, trước giờ cứ nghĩ mình trẻ mà, sao mà bệnh này bệnh kia được. Nhưng không, không giữ gìn, không chăm sóc thì có trẻ đến mấy cũng có thể nhiễm bệnh.
Sau tai nạn năm 23 tuổi, Ngọc Linh đã thay đổi hoàn toàn thói quen sống: Cô không tắm sau 9h tối, luôn tắm nước ấm. Ngoài ra, sau khi tắm, gội xong cô không còn ngồi trước quạt hay bật máy lạnh như trước dù trời có nóng như thế nào. Tối đi ngủ cũng không để quạt thốc thẳng vào đầu nữa mà để quạt hướng về phía chân.
"Nhiều khi đi làm về trễ, mình thà ở dơ chút, lau người sơ qua thôi chứ không tắm, bị 1 lần là tởn lắm rồi. Bệnh này đã bị 1 lần sẽ tái phát lần 2,3,... nếu không giữ gìn. Và không ai có thể đảm bảo những lần sau bạn sẽ chữa khỏi hết", Ngọc Linh nói.
Câu chuyện của cô gái này hiện vẫn đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, hầu hết đều là những bạn trẻ có thói quen thức khuya và tắm đêm. Đặc biệt là với những bạn trẻ có cuộc sống bận rộn, thường tắm trước khi đi ngủ để cơ thể cảm thấy thoải mái, dễ ngủ hơn.
Tắm sau 23h đêm, coi chừng nhập viện vì đột quỵ, tai biến
Thực tế, Ngọc Linh không phải là trường hợp đầu tiên gặp tai nạn do thói quen tắm đêm. Trước đó đã có không ít trường hợp nhập viện vì đột quỵ, tai biến do tắm đêm. Hôm 28/5/2021, Bệnh viện đa khoa Cao Bằng từng tiếp nhận 1 bệnh nhân nam 47 tuổi nhập viện vì đột quỵ do thường xuyên thức khuya, tắm muộn.
Bàn về thói quen tắm đêm, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết: Tắm đêm là một thói quen cực kỳ nguy hiểm, bởi ban đêm thuộc về âm, nhiệt độ lúc này giảm xuống thấp nhất trong ngày nên có thể tổn hại cho sức khỏe. Đặc biệt, tắm đêm khiến con người dễ trúng gió, nhiễm bệnh, dễ đau đầu, đột quỵ.
Theo các bác sĩ, nhiệt độ ban đêm thường hạ thấp cùng với nhiệt độ nước tắm không phù hợp khiến cơ thể phải tự điều chỉnh bằng cách co mạch hoặc giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Mạch máu não bị co lại quá đột ngột có thể gây đột quỵ do nhồi máu não, có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp dẫn tới đột qụy.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên tạo thói quen tắm sớm, nhất là trong những ngày thời tiết lạnh giá. Thời điểm tốt nhất để tắm nên vào buổi sáng hoặc buổi tối trước 20h. Tuyệt đối không tắm sau 23h.
Những thời điểm dù bẩn cũng không được tắm
1. Khi cơ thể đang bị sốt
Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên 38 độ C, mức tiêu thụ calo của cơ thể có thể tăng 20%, đồng thời cơ thể tương đối yếu. Lúc này, việc tắm có thể gây cảm lạnh, khiến tình trạng sức khỏe và cơn sốt trở nên trầm trọng hơn do sức đề kháng yếu.
2. Sau khi ăn no
Sau khi dùng bữa, bạn không nên đi tắm ngay vì như vậy da và mạch máu sẽ bị kích thích và mở rộng hơn, khiến máu chảy ở các bề mặt cơ thể, gây cản trở quá trình lưu thông máu đến các cơ quan tiêu hóa, vừa hại dạ dày, đường ruột, vừa gây hại đường huyết…
3. Khi vừa uống rượu
Rượu có khả năng ức chế chức năng gan và ngăn chặn sự giải phóng glycogen. Khi bạn tắm, cơ thể cần phải tiêu thụ nhiều glucose. Tắm sau khi uống rượu, lượng đường trong máu không thể được bổ sung kịp thời nên sẽ gây chóng mặt, hoa mắt, thậm chí hôn mê.
Nguy hiểm hơn, sau khi uống rượu cơ thể có nồng độ cồn khá cao, quá trình tắm làm cơ thể đổ mồ hôi, làm giãn mạch máu… Khiến huyết áp bị giảm nhanh, độ nhớt trong máu tăng cao gây ra đau tim hoặc đột quỵ.
4. Khi đang bị tụt huyết áp
Khi bị huyết áp thấp, nhiều người nghĩ ngay đến việc tắm nước nóng để giúp cơ thể thoải mái hơn nhưng điều này vô cùng nguy hiểm. Nước nóng có thể khiến các mạch máu của con người giãn ra, dễ gây thiếu máu lên não khiến cơ thể càng mệt mỏi, chóng mặt hơn. Tốt nhất là khi bị tụt huyết áp, bạn nên nghỉ ngơi trước khi tắm.
Bác sĩ ĐH Y Hà Nội cảnh báo 5 nhóm người cần tầm soát đột quỵ
PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Đơn vị đột quỵ, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, BV Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ trong chương trình livestream "Những điều cần biết về GIỜ VÀNG ĐỘT QUỴ" về những nhóm người cần tầm soát đột quỵ.
Theo bác sĩ Hải: "Những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cần phải tầm soát nhiều hơn người bình thường".
Những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ bao gồm:
- Người lớn tuổi (trên 50 tuổi): Người già là đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ, đặc biệt là những người đã có bệnh nền hoặc có lối sống không lành mạnh thì càng cần phải tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt.
- Người đã từng bị đột quỵ: Đây là đối tượng hàng đầu cần nên tầm soát đột quỵ để tìm ra nguyên nhân và điều trị tận gốc. Theo bác sĩ Hải, người có tiền sử từng bị đột quỵ là người đã có những yếu tố nguy cơ, nếu không đi tầm soát thường xuyên, không được điều trị để dự phòng thứ phát thì chắc chắn bị đột quỵ trở lại.
- Người có triệu chứng cơn thiếu máu não thoáng qua: Theo bác sĩ Hải: 50% những trường hợp bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong vòng khoảng 1 tháng sau đó. Vì vậy, bệnh nhân không được chủ quan mà cần đến viện ngay để chẩn đoán, kịp thời điều trị. Đồng thời, cần tái khám thường xuyên để điều chỉnh thuốc nhằm đạt mục tiêu phòng ngừa tối ưu.
- Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu hay có tiền sử bệnh lý tim mạch, béo phì,.. cũng là những đối tượng cần chủ động tầm soát đột quỵ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
-Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ: Trường hợp gia đình có người thân từng bị đột quỵ thì nguy cơ mắc đột quỵ ở những thành viên còn lại là rất cao do nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền.
Ngoài những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao, bác sĩ Hải cũng khuyên những người đang khỏe mạnh và không có yếu tố nguy cơ cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần. Đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Nếu người trẻ có lối sống không lành mạnh và thiếu khoa học thì cũng có thể là "đối tượng" đột quỵ có thể nhắm đến.