Miệng là cửa vào ra của phúc họa: Tổn thương người khác vì ác khẩu, chi bằng hội công sở bớt lời lại đi!
Bản thân cảm thấy trình độ phát ngôn nơi công sở của mình chưa tốt, kỹ năng giao tiếp chưa hay (vì vài lần lầm lỡ gây sóng gió rồi) thì kiệm lời lại.
Ngôn ngữ là phương tiện kết nối giữa người với người cho nên lắm khi nó được đánh giá là thứ có quyền lực nhất thế gian: Bạn nói hay thì bạn thắng. Trong môi trường công sở cũng thế, nhiều người đã lợi dụng quyền lực và sức mạnh của ngôn ngữ nhằm khiến mình trở thành một nhân tố thu hút được tất cả sự chú ý của người khác, thậm chí còn được sếp yêu, đồng nghiệp quý.
Đáng tiếc, mặc lợi ai cũng nhìn thấy nhưng cái hại lại chẳng khi nào nhận ra. Sự thật thì ngôn ngữ, ngôn hành, miệng lưỡi là thứ khó kiểm soát nhất của một đời người. Không cẩn trọng, khéo léo, dân công sở dễ dàng biến mình thành “kẻ xấu” ở công ty chỉ qua vài câu nói mang tính sát thương và hiểu lầm cao.
Cô A vừa mới có thai, vui mừng quá nên cô vào công ty khoe khắp làng trên xóm dưới mà quên rằng, vị sếp trực tiếp của cô bị vô sinh từ nhiều năm nay. Tất nhiên, lần ấy cô vui nhưng đồng thời cũng khiến sếp cô buồn lòng.
Anh B là người hay pha trò ở nơi làm việc, anh chàng nghĩ đây là cách khiến tất cả đồng nghiệp quý mến mình. Đáng tiếc, trong vài lần quá lố, anh đã đem điểm xấu của vài chị em đồng nghiệp ra nói “chị nặng 70kg, cẩn thận ngồi hỏng ghế công ty đấy”, “em đánh mãi màu son này, kẻo ế tới già”,... cứ thế, đến một ngày anh chàng nhận ra, tất cả dường như có phần xa lánh và dè chừng mình.
Thế đấy, lời nói có thể thu phục nhân tâm nhưng cũng có khả năng hủy hoại chính hình tượng của mình trong môi trường làm việc, cho nên nếu không thể kiểm soát nó chi bằng hãy nói ít đi kẻo gây sóng gió có mà gây mất lòng cả cấp trên lẫn đồng nghiệp.
Có chuyện kể rằng, xưa kia Tử Cầm hỏi Mặc Tử (một vị triết gia thời Chiến Quốc) rằng: “Nói nhiều và nói ít thì lợi ích như thế nào?”.
Mặc Tử đáp: “Ruồi và ếch cả ngày phát ra âm thanh, miệng lưỡi khô khan, vậy mà chẳng ai nghe. Gà kêu sáng sớm, thiên hạ đều chấn động thức tỉnh. Nhiều lời phỏng có ích gì? Nói ít mà đúng lúc vậy”.
Giống như Mặc Tử nói vậy, nói chuyện, dân công sở không chỉ tiện mồm mà nói, thuận miệng mà buông lời mà còn phải dò xét đến ngữ cảnh, tình cảnh xem có đúng lúc, đúng nơi hay không.
Nếu đúng thì dù có thẳng thắn đến mức nào, cũng không gây phật lòng người khác, trái lại còn được quý hơn. Nếu không, trăm lời đường mật hệt như tiếng ruồi vo ve, chỉ tổ khiến cho người xung quanh cảm thấy nhiễu phiền, chán ghét.
Thậm chí, lắm dân công sở “chấp mê bất ngộ”, phản biện cho những lần hớ mồm gây tổn thương đồng nghiệp của mình rằng: “Ui, lời nói gió bay, có gì đâu mà để bụng”. Đúng là lời nói gió bay, vừa nói xong thì mọi thứ là chuyện đã rồi, tuy nhiên, cảm xúc tổn thương mà nó gây ra là thật, đây là điều không thể chối cãi.
Và hậu quả của việc thường xuyên làm tổn thương đồng nghiệp, sếp trong công ty chắc hẳn mọi người cũng biết là gì rồi đấy, hoặc là công danh sự nghiệp bị cản trở, hoặc là bị tẩy chay đến mức phải dứt áo ra đi mới tránh khỏi “kiếp nạn”. Rõ ràng, vì vài phút vui mồm tiện miệng mà để lại hậu quả như thế, thật chẳng đáng chút nào.
Tóm lại, như đã nói, ngôn hành là thứ khó kiểm soát, hãy nghĩ rồi hẵng nói, các cụ có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” cấm có sai chút nào đâu. Bản thân cảm thấy trình độ phát ngôn nơi công sở của mình chưa tốt, kỹ năng giao tiếp chưa hay (vì vài lần lỡ gây sóng gió rồi) thì kiệm lời lại. Ít nói một chút không sao, nhưng nói nhiều mà nói sai sẽ hái cả một bầu trời “sao trăng” đấy!
Cổ nhân xưa còn có câu “cái miệng chính là cửa ra vào của phúc họa”, rốt cuộc là phúc hay là họa, chúng ta có quyền lựa chọn bằng cách kiểm soát nó mà...