Mẹ khóc cạn nước mắt nhận tin con trai bị ung thư máu khi vừa tốt nghiệp Đại học
"Nhà không có tiền, Huy nhiều lần nói với tôi: “Con không đi viện nữa đâu mẹ à. Con không muốn lấy đi tuổi già của bố mẹ và ước mơ của em con” – lời nói của người con không may mắc bệnh ung thư khi vừa tốt nghiệp đại học như từng mũi dao cứa vào ruột gan người mẹ.
Tìm đến xã Tân Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) trong một ngày cuối đông, cái nắng nhẹ nhưng có phần hanh hao khiến toàn bộ cung đường chúng tôi đi mù mịt bụi. Luồn sâu trong ngõ nhỏ, qua những ngôi nhà san sát, rồi tới gần vách núi, chúng tôi mới đến được nhà của Đỗ Dương Huy - chàng trai vừa tốt nghiệp Đại học nhưng lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.
Gia cảnh nghèo không lối thoát
Đặt chân đến đầu xóm 10 làng Tân Lang, xã Tân Sơn (Kim Bảng, Hà Nam), hỏi mọi người trong làng để đến nhà chị Trần Thị Hương và anh Đỗ Văn Xá (bố mẹ của Huy), một bà cụ đã nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi và không quên nói thêm: “Nhà nó nghèo lắm, giờ con lại mắc bệnh nữa. Khổ lắm!”.
Cả gia đình chị Hương sống nhờ trong ngôi nhà bà ngoại đã xây từ lâu.
Chúng tôi đến nhà chị Hương đúng vào giờ trưa. Không khỏi bất ngờ bởi sự khác biệt giữa ngôi nhà của gia đình chị với các nhà hàng xóm xung quanh. Ngôi nhà 3 gian mái ngói cũ kĩ và xập xệ nằm lọt thỏm dưới đường đê, toát lên cái nghèo nàn, tạm bợ.
Anh Đỗ Văn Xá nhiều năm nay bị suy van tĩnh mạch sâu 2 chân nên gần như mất khả năng lao động. Bản thân chị Hương đã có chỉ định phải mổ cắt khối u xơ tử cung, có kích thước lên đến 74mm nhưng vì không có tiền nên chị cố lẳng lặng quên đi.
Mỗi lần nhắc tới bệnh tình của Huy, chị Hương lại không kìm được nước mắt.
Thấy chúng tôi chào hỏi, chị Hương nhanh nhẹn tiếp lời: “Hôm nay, vợ chồng tôi không có việc nên ở nhà cả, còn thường ngày, tôi hay đi đội bê tông thuê ở gần Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), anh ấy đi đánh cá ngoài sông”.
Bao năm nay, cái khổ đã đeo bám vợ chồng chị. Cuộc sống lam lũ, đối phó với đói nghèo, bệnh tật khiến vợ chồng chị không có nổi một mái nhà của riêng mình. Cả nhà phải ở trong ngôi nhà của ông bà ngoại đã xây từ rất lâu. Những mảng tường đen kịt, cũ kĩ và rách toác, chất lỉnh kỉnh những đồ đạc từ cánh cửa gỗ đã cũ, sứt mẻ…
Từ ngày biết tin Huy bị bệnh hiểm nghèo, chị Hương như mất hết phương hướng.
Cả gia đình chỉ có một sào ba ruộng, sau khi mùa màng xong xuôi, vợ chồng chị lại khăn gói quả mướp đi vào Miền Nam bán vé số. “Mấy năm nay, sức khỏe của chồng tôi cũng có phần tốt hơn, tôi và anh ấy cùng nhau vào Miền Nam kiếm sống. Tôi đi bán vé số với giúp việc nhà từ 4h sáng tới 12h đêm mới về. Chồng tôi làm bảo vệ cả tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng. Thu nhập chính trong gia đình vẫn là tôi.” – chị Hương nói.
Dù cố gượng cười nhưng ánh mắt đỏ hoe của chị vẫn ẩn sâu một nỗi buồn khôn tả. Trong câu chuyện với chúng tôi về gia cảnh, chị Hương không kìm chế được cảm xúc. Những dòng nước mắt cứ chảy dài dù chị vẫn cố gắng giữ bình tĩnh. Khó khăn, bệnh tật chẳng thể nào khuất phục được nghị lực, niềm tin ở chị nhưng từ ngày hay tin người con trai ngoan hiền mắc căn bệnh ung thư máu, mọi thứ đã sụp đổ hoàn toàn, chị mất hết mọi phương hướng và ý chí trong cuộc sống. Chị khóc, khóc thương cho đứa con trai bất hạnh, khóc cho số phận hẩm hiu của mình, khóc đến cạn khô nước mắt.
Chị Hương khoe những tấm giấy khen của Huy.
Nỗi đau đến với Huy và gia đình quá bất ngờ khiến mọi thứ như sụp đổ hoàn toàn trước mắt.
Nuôi ba người con ăn học, chị Hương kỳ vọng nhất vào Huy. Người anh trai của Huy chỉ học hết lớp 12 thì nghỉ để đi làm phụ giúp gia đình. Mọi sự cố gắng của vợ chồng chị Hương đều hướng vào Huy. Mong sao khi Huy học xong có công ăn việc làm ổn định để đỡ đần bố mẹ cũng như nuôi người em gái đang học lớp 10.
“Nuôi Huy 24 năm trời, tôi đã cố gắng rất nhiều để cháu có thể hoàn thành 5 năm đại học. Thế mà giờ chuyện lại ra thế này. Tôi thấy tuyệt vọng và không biết phải làm sao nữa.” – chị Hương chia sẻ trong nước mắt.
Sau những trận sốt li bì vào tháng 8/2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã kết luận Huy bị Lơ-xê-mi cấp dòng tủy thể M5b (Ung thư máu). Huy được chuyển luôn tới Viện huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội) để xét nghiệm lại nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Tới nay, Huy đã điều trị được hai đợt và đang đợi sức khỏe hồi phục để điều trị đợt 3. Gia đình đã bán hết từ đàn gà trong vườn để lấy tiền chữa trị cho Huy với hy vọng còn nước còn tát.
Ước mơ còn bỏ ngỏ của chàng kỹ sư xây dựng
Trong căn nhà nhỏ đó, chúng tôi như chết lặng khi nghe Huy chia sẻ về thời sinh viên, về dự định trong tương lai của em. Huy là một chàng trai của thế hệ 9X. 3 năm cấp 3, em đều được là học sinh giỏi. Đỗ vào trường Đại học Đông Đô - Ngành Xây dựng, chàng sinh viên này tự hứa sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành một kỹ sư giỏi. “Ước mơ của em là được làm kỹ sư xây dựng, được tự mình thiết kế những ngôi nhà đẹp, được đi nhiều nơi… để có cơ hội trải nghiệm cuộc sống” – Huy tâm sự.
Nét mặt của Huy đượm buồn trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi.
Trong thời gian đi học, Huy tự tìm tòi cách thực hành cho riêng mình sau giờ học lý thuyết trên lớp. Em lựa chọn công việc làm thêm tại một Công ty gạch ốp lát để vừa học việc vừa kiếm thêm thu nhập. “Đi làm thêm mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng thôi nhưng em học được rất nhiều thứ, bố mẹ cũng phần nào đỡ lo hơn tiền ăn học cho em”.
Bắt đầu từ năm thứ 3 Đại học, Huy xin vào thực tế tại các công trình ở Hà Nội để học hỏi và vun đắp ước mơ. Huy ngậm ngùi chia sẻ về dự định của mình: “Em đã dự định sau này khi đi làm kiếm được tiền sẽ xây lại ngôi nhà cho bố mẹ, rồi nuôi em gái ăn học”.
Tấm bằng đại học và nỗi khắc khoải về ước mơ, dự định khiến Huy càng rối bời khi biết mình mắc căn bệnh ung thư quái ác.
Ra trường từ tháng 7/2014, đến tháng 8, Huy được nhận vào thử việc tại một công ty xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Nhưng mọi giấc mơ đã tan biến khi em nhận được kết quả xét nghiệm.
Câu chuyện của Huy với chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng khóc rấm rứt, xót xa của người mẹ: “Huy là đứa con ngoan, nó cứ tâm sự với tôi về ước mơ sẽ xây dựng cho bố mẹ một căn nhà để nghỉ ngơi lúc tuổi già. Thế giờ nó lại bị bệnh thế này, ông trời thật quá bất công với nó” - chị Hương nức nở.
Huy vẫn cố gắng tự mình thực hiện mọi sinh hoạt cá nhân dù trong người lúc nào cũng mệt mỏi.
Sau hai lần xét nghiệm tủy với kết luận bệnh hiểm nghèo, Huy suy sụp hoàn toàn. Cố tỏ ra bình tĩnh, em nói với tôi: “Lúc đầu, biết tin mình bị bệnh, em cực kỳ sốc. Em hoàn toàn mất phương hướng và không biết phải làm gì nữa. Nhiều lúc em chỉ cầu xin mọi chuyện đang xảy ra với mình chỉ là giấc mơ thôi. Nhưng dần dần được mọi người trong gia đình rồi bạn bè động viên, em bình tĩnh lại và giờ tâm lý em đã thoải mái hơn trước nhiều rồi.”
Bữa cơm với chút cá kho, dưa muối của gia đình Huy.
Điều khiến Huy trăn trở nhiều nhất lúc này chính là chưa làm được gì phụ giúp bố mẹ. Bao nhiêu năm ăn học là bấy nhiêu năm nhìn thấy bố mẹ lam lũ, vất vả tiết kiệm từng đồng, ăn chẳng dám ăn, mặc không dám mặc. Giọng Huy rưng rưng: “Em không sợ chết, cũng không sợ đau đớn gì cả nhưng em nghĩ thấy tủi và rất buồn vì chưa đền đáp được công ơn của bố mẹ em”.
Tia hi vọng cuối cùng của Huy và gia đình chính là việc ghép tủy. Số tiền thực hiện ca ghép tủy hơn 800 triệu đồng và tỷ lệ thành công cũng chỉ là 50/50. “Với số tiền lớn thế này, chắc chắn gia đình khó có thể lo đủ được. Nhưng bằng mọi cách tôi sẽ cố gắng…” – chị Hương chia sẻ trong dòng nước mắt đắng cay.
Nụ cười hiền lành khiến gia đình, người thân càng đau xót trước căn bệnh hiểm nghèo của Huy.
Nét mặt xanh xao, khuôn mặt có nụ cười hiền hậu của Huy khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Huy cố bình tĩnh dù trong lòng đang rất rối bời, nhất là khi chứng kiến cha mẹ gần như tuyệt vọng nhìn con đang chết dần, chết mòn từng ngày mà không có tiền chạy chữa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Thành Thuấn, Chủ tịch xã Tân Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) cho biết: "Gia đình chị Trần Thị Hương xóm 10 làng Tân Lang, xã Tân Sơn thuộc diện hộ nghèo của xã. Hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn, người con trai vừa tốt nghiệp đại học lại bị mắc bệnh nặng".
Vị lãnh đạo xã này còn cho biết thêm, phía chính quyền, hội chữ thập đỏ, khuyến học của địa phương đã có kế hoạch ủng hộ và giúp đỡ một phần nhỏ đến gia đình chị Hương cũng như động viên em Huy về mặt tinh thần tiếp tục chữa trị.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:
Chị Trần Thị Hương (xóm 10, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam)
SĐT: 0122.502.7970