Mắc sai lầm này khi ngủ có thể dẫn đến suy thận và mù lòa

TT,
Chia sẻ

Một đêm ngon giấc là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể nói chung, sức khỏe của thận nói riêng, đặc biệt nếu bạn có bệnh tiểu đường.

Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường châu Âu (EASD) tại Madrid, các nhà khoa học nhận thấy rằng ngủ quá nhiều có thể dẫn đến tăng 31% tổn thương vi mạch cho những người mắc bệnh tiểu đường, trong khi đó, ngủ không đủ giấc có thể gây ra tổn thương tăng 38%. 

Các biến chứng phổ biến của tiểu đường là suy thận và mù lòa. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, thời lượng giấc ngủ tối ưu là 7-9 giờ mỗi ngày.

Mắc sai lầm này khi ngủ có thể dẫn đến suy thận và mù lòa - Ảnh 1.

Ngủ quá ít hay quá nhiều đều có thể gây tổn thương vi mạch cho những người mắc bệnh tiểu đường. Các biến chứng phổ biến của tiểu đường là suy thận và mù lòa. Ảnh minh họa

Nghiên cứu đã phân tích mô hình giấc ngủ và sức khỏe của 400 người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong hơn ba năm. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, tổn thương vi mạch ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ, có thể dẫn đến mù lòa và suy thận ở những người mắc bệnh tiểu đường. 

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thói quen ngủ không đều đặn tăng lên theo tuổi tác. Một phần năm số người mắc bệnh tiểu đường phát triển các vấn đề về thận, có khả năng phải chạy thận nhân tạo và ghép thận. Các vấn đề mạch máu xuất hiện sau khi có giấc ngủ kém cũng gây ra tình trạng huyết áp cao, dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: Ở những bệnh nhân tiểu đường loại 2 được chẩn đoán gần đây, cả thời gian ngủ quá ít và quá nhiều đều có liên quan đến tỉ lệ mắc bệnh vi mạch cao hơn so với thời gian ngủ tối ưu vào ban đêm. Tuổi tác khuếch đại mối liên quan giữa thời gian ngủ ít và bệnh vi mạch, cho thấy những người lớn tuổi có nguy cơ bị tổn thương cao hơn.

"Thay đổi lối sống ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 có thể bao gồm can thiệp giấc ngủ. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu sâu hơn để thiết lập vai trò của thời gian và chất lượng giấc ngủ ở những bệnh nhân này", nghiên cứu cho biết thêm.

Mắc sai lầm này khi ngủ có thể dẫn đến suy thận và mù lòa - Ảnh 2.

Ngủ quá ít thường có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận nhanh hơn. Ảnh minh họa

Các nhà khoa học từ Bệnh viện Phụ nữ và Brigham ở Boston đã cũng chỉ ra rằng ngủ quá ít thường có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận nhanh hơn. Họ phát hiện phụ nữ ngủ từ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm có nguy cơ suy giảm chức năng thận nhanh chóng cao hơn 65% so với những phụ nữ ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm. 

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Ciaran McMullan, một giảng viên y học, cho biết: "Điều này đáng lo ngại bởi vì thời gian giấc ngủ của chúng ta đã giảm trong 20 năm qua". Người Mỹ từng ngủ trung bình 8 tiếng mỗi đêm, nhưng bây giờ là khoảng 6,5 tiếng và càng lúc giảm dần.

Tiến sĩ McMullan nói: Chức năng thận thực sự được điều chỉnh bởi chu kỳ ngủ-thức. Nó giúp điều phối khối lượng công việc của thận trong 24 giờ. Chúng ta cũng biết rằng các mô hình giấc ngủ về đêm có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mãn tính và những người ngủ ít hơn thường bị suy giảm chức năng thận nhanh hơn. Những gì chúng tôi đang làm bây giờ là xem xét các hormone cụ thể có thể đứng sau những sự suy giảm này.

Nghiên cứu cũng xác định nhóm người có nguy cơ cao phát triển bệnh thận mãn tính do lối sống hoặc lịch trình làm việc của mình, ví dụ như những người làm việc theo ca và người thiếu ngủ mãn tính. 

Theo ExpressDaily, Kidney.org

Chia sẻ